Xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và TDTT:

Bắt nhà đầu tư phải lo đất xây trường, bệnh viện quả là thách đố

Bắt nhà đầu tư phải lo đất xây trường, bệnh viện quả là thách đố
TP - Hôm qua (17/12), tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị toàn quốc sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05 của Chính phủ, về đẩy mạnh xã hội hóa (XHH) trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và TDTT.

Nếu như vào trước những năm 2000, việc đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao cả ở tuyến T.Ư và cơ sở chủ yếu do các cơ quan Nhà nước đảm nhận, thì cùng với sự chuyển biến theo hướng xã hội hoá, đến nay đã có sự tham gia ngày càng sâu của các đơn vị tư nhân.

Hội nghị lần này có “điển hình tiên tiến” là Cty CP bóng đá Hải An-VST do cựu cầu thủ Văn Sĩ Thủy là Phó tổng GĐ, Học viện bóng đá Hoàng Anh-Arsenal, Trung tâm thể dục thể thao Thành Long v.v.

Lĩnh vực điện ảnh, có một số đơn vị cũng được coi là điển hình như Hãng Phước Sang tham gia sản xuất phim “Áo lụa Hà Đông” đạt giải thưởng “Cánh diều vàng” năm 2007 tại Liên hoan phim toàn quốc do Hội điện ảnh tổ chức; hệ thống rạp chiếu phim chất lượng cao MegaStar do Hãng phim Thiên Ngân liên kết với nước ngoài triển khai tại một số thành phố lớn đã tạo ra một cách nhìn mới trong thị trường phát hành phim hiện nay.

Tôi thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ ở một cơ sở tư nhân suốt nhiều năm nay…

Lâu nay, Ban bảo vệ sức khỏe thường nhắc tôi đi khám nhưng tôi nói đã có chỗ khám và người ta theo dõi liên tục rồi.

Thường là 2 đến 3 tháng tôi kiểm tra một lần, đến khám họ bật máy lên thì có thể theo dõi được hệ thống từ mười năm trước

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói: “Sự thành công của một hãng phim ngoài công lập tại Liên hoan phim vừa rồi, cho thấy đóng góp tích cực của XHH vào đời sống nhân dân”.

Theo lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch, Nghị quyết 05 của Chính phủ đã được triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước, phù hợp với xu thế phát triển, phù hợp với hội nhập kinh tế khu vực và thế giới... đã từng bước mang lại một sinh khí mới trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình XHH cũng đặt ra nhiều câu hỏi đối với các cơ quan chức năng. Cụ thể là Câu lạc bộ bóng đá Hoàng Anh-Gia Lai, một trong những điển hình tiên tiến của phong trào XHH thể thao, nhưng trong công văn của CLB này gửi đến Ban Chỉ đạo XHH (Bộ VH, TT & DL) có đoạn:

“Là một đơn vị cơ sở về phong trào xã hội hóa thể thao, thời gian hình thành và hoạt động không nhận được Nghị quyết 05 của Chính phủ và cũng không có cấp nào chỉ đạo thực hiện Nghị quyết này, cho đến nay (thời điểm CLB gửi công văn là ngày 15/11/2007-P.V) CLB bóng đá Hoàng Anh Gia Lai mới mượn được Nghị quyết 05 từ Sở Thể dục Thể thao tỉnh Gia Lai để xem...”.

Không thể trông chờ vào ngân sách

Về công tác XHH trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo đầu tư trong các lĩnh vực này, đồng thời xây dựng cơ chế huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, nhằm tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là người nghèo và đối tượng chính sách, được hưởng lợi từ các lĩnh vực này ngày càng tốt hơn.

Đối với ngành y tế, Thủ tướng cho rằng công việc trước mắt là giải quyết tình trạng quá tải, nhưng nếu chỉ trông vào ngân sách Nhà nước thì không làm được.

“Hiện nay, rất nhiều người muốn đầu tư xây bệnh viện nhưng vướng đủ thứ, từ nhận thức đến cơ chế chính sách. Vừa rồi tôi làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, đã đặt vấn đề đối với bệnh viện đừng có cổ phần hóa gì hết, mà khuyến khích tư nhân tham gia.

Ví dụ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) hiện đã hết chỗ nhưng số người muốn xin vào làm việc rất đông, vì sao không cho phép Bệnh viện Chợ Rẫy liên kết với tư nhân xây dựng bệnh viện mới. Nhà nước có đội ngũ chuyên môn, còn tư nhân có vốn, có thể đầu tư mua máy móc hiện đại...

Xây trường đại học công lập thì được Nhà nước cấp đất, ngoài công lập thì không, bệnh viện cũng thế. Bắt nhà đầu tư  phải tự lo đất để xây trường học, bệnh viện thì quả là một thách đố”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta giải phóng mặt bằng “sạch” xây dựng các khu công nghiệp, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư với đủ các ưu đãi, tại sao không làm như vậy đối với các trường đại học? Tương tự, chính sách thuế cho các lĩnh vực XHH cũng phải khuyến khích tương tự đầu tư vào công nghệ cao.

Vì vậy, trong sửa đổi cơ chế tới đây, có thể miễn giảm thuế vài năm cho trường đại học tương tự như đối với đầu tư công nghệ cao, đồng thời Bộ Tài chính phải công bố rõ mức miễn giảm đối với các trường dân lập.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngành y tế phải xây dựng được cơ chế viện phí, ngành giáo dục phải xây dựng cơ chế học phí, trên tinh thần người nghèo được miễn, những người cận nghèo được hỗ trợ, những người trung bình và khá giả được đóng góp phù hợp với nền kinh tế.

“Tất cả những kiến nghị để đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao, sẽ được Chính phủ ghi nhận và sửa đổi bằng một Nghị định mới” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

MỚI - NÓNG