Bầu 166 ủy viên BCH Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII

Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI Bùi Văn Cường. Ảnh LĐ
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI Bùi Văn Cường. Ảnh LĐ
TPO - Chiều 25/9, đoàn đại biểu sẽ biểu quyết danh sách nhân sự giới thiệu và bầu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII. Đại hội sẽ bầu 166 ủy viên, khuyết 9 ủy viên.

Trước khi đại hội bầu, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI Bùi Văn Cường trình đại hội đề án nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN Khóa XII, nhiệm kỳ 2018-2023. Theo ông Cường, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI có số lượng 175 đồng chí, theo cơ cấu đã được phê duyệt gồm Cơ quan Tổng Liên đoàn 24 ủy viên; Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn 20 ủy viên; Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố 65 ủy viên…

“Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI có cơ cấu và số lượng hợp lý đáp ứng được yêu cầu lãnh đạo phong trào công nhân, hoạt động công đoàn cả nước trong nhiệm kỳ qua”, ông Cường cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Cường, quá trình hoạt động, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI bộc lộ một số hạn chế bất cập như: Cơ cấu ủy viên là cán bộ công đoàn không chuyên trách chiếm tỷ lệ tương đối cao (25,2%); số lượng ủy viên Ban Chấp hành thay đổi trong nhiệm kỳ khá lớn (xấp xỉ 62%)…dẫn đến một số khó khăn trong quá trình chỉ đạo điều hành của Ban Chấp hành.

Ông Bùi Văn Cường cho hay, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 sẽ được xây dựng theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phong trào công nhân và hoạt động công đoàn trong tình hình mới và đảm bảo việc tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Ban Chấp hành khóa XII có số lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo về tiêu chuẩn, chất lượng, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng là chính. Những nơi cần cơ cấu ủy viên ban chấp hành, nhưng không lựa chọn được người có đủ tiêu chuẩn, chất lượng thì không gò ép giới thiệu người tham gia ban chấp hành.

Chủ tịch Bùi Văn Cường nhấn mạnh: Không cơ cấu vào Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN những đồng chí mà bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, đơn vị và bản thân cán bộ; cán bộ vi phạm quy định về tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Người tham gia Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ nói chung cần có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; trình độ chính trị từ cao cấp lý luận chính trị trở lên. Đối với cán bộ công đoàn cơ sở cần có trình độ đại học trở lên, trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; công nhân trực tiếp sản xuất cần có trình độ văn hoá trung học phổ thông, tay nghề bậc 3 trở lên theo đặc thù nghề thợ.

Tại đại hội sẽ bầu 166 ủy viên Ban Chấp hành, còn thiếu 9 ủy viên Ban Chấp hành cơ cấu ở cơ quan Tổng LĐLĐVN sẽ bầu bổ sung sau khi sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy Tổng Liên đoàn theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Trần Văn Lý báo cáo đại hội về công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XII, nhiệm kỳ 2018 – 2013. Liên quan đến kết quả công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành khóa XII, ông Lý cho biết, do việc sắp xếp lại các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, nên một số nhân sự cơ cấu tại các ban đơn vị thuộc Tổng liên đoàn, sẽ phải để lại kiện toàn sau Đại hội.

Do đó, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ khóa XI đã thống nhất số lượng Ban Chấp hành là 175 ủy viên. Tại đại hội sẽ bầu 166 ủy viên, khuyết 9 ủy viên. Để đảm bảo số dư theo quy định, Ban Chấp hành khóa XI đã thông qua danh sách giới thiệu gồm 185 đồng chí để bầu 166 ủy viên (số dư 11,44%).

MỚI - NÓNG