Bầu cử trong Đảng, phải có số dư về ứng cử viên

Quang cảnh hội nghị. ảnh: Dương Giang -TTXVN
Quang cảnh hội nghị. ảnh: Dương Giang -TTXVN
TP - Ngày 3/7, tại Hội nghị toàn quốc Nghiên cứu, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XI) do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh cho biết Quy chế bầu cử trong Đảng quy định số lượng ứng cử viên phải nhiều hơn số lượng cần bầu.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp cần nghiêm túc quán triệt tinh thần, chủ trương và thực hiện tốt những quyết định của Trung ương về Quy chế bầu cử trong Đảng; Quy định việc lấy phiếu tín nhiệm và Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

Quán triệt một số chủ trương về xây dựng Đảng và chuẩn bị tiến tới Đại hội XII của Đảng, được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh cho biết, trong khi bàn thảo về Quy chế bầu cử trong Đảng, nhiều người lo ngại sẽ bỏ sót cán bộ có năng lực, hút cán bộ trẻ… Vì vậy, sau khi thống nhất Quy chế bầu cử trong Đảng, BCH T.Ư đã cố gắng bao quát tất cả các trường hợp, nhằm đưa ra phương án tốt nhất về nhân sự cho Đại hội. 

Ông Nguyễn Văn Quynh cho biết, về quy định số dư tối thiểu, tối đa trong bầu cử, số lượng ứng cử viên phải nhiều hơn số lượng cần bầu. Số dư tối đa do đại hội hoặc hội nghị quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu. Trường hợp cần bầu với số lượng 1 người (như bổ sung thường vụ, phó bí thư) thì danh sách bầu cử là 2 người. Nếu số lượng cần bầu là 2 thì danh sách bầu cử là 3 người. Nếu bầu từ 3 người trở lên thì số dư không quá 1/3 số lượng cần bầu. 

Về danh sách trích ngang của các ứng cử viên, từ đại hội cấp huyện và tương đương trở lên trước khi tiến hành bỏ phiếu chính thức, đại hội phải cung cấp danh sách trích ngang của các ứng cử viên xếp theo thứ tự của danh sách bầu cử để đại biểu tìm hiểu trước.

Lấy phiếu tín nhiệm để cán bộ tự soi mình

Giới thiệu những nội dung quan trọng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, việc đánh giá cán bộ hiện nay đang gặp khó khăn và “hiện nay là khâu yếu”. Chúng ta chưa tìm được giải pháp nào nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đánh giá cán bộ. Vì vậy, việc triển khai lấy phiếu tín nhiệm là kênh quan trọng để các tổ chức Đảng đánh giá công tác cán bộ. Ông Huynh nhấn mạnh, phải phân biệt lấy phiếu tín nhiệm với bỏ phiếu tín nhiệm, “việc lấy phiếu tín nhiệm được coi là thăm dò tín nhiệm để các cơ quan, tổ chức nắm được mức độ tín nhiệm của cán bộ”. 

Ông Nguyễn Văn Quynh, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm là chủ trương đúng đắn giúp cho cán bộ tự soi mình, đem lại nhiều mặt tích cực. “Trong công tác đánh giá cán bộ còn nhiều khiếm khuyết, nể nang, ngại va chạm… thì việc lấy phiếu tín nhiệm là biện pháp cần thiết”, ông Quynh nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực cũng có một số mặt trái, một số tình huống xảy ra trên thực tiễn chưa được lường trước. Như có cán bộ làm tốt, không ngại va chạm, dám đấu tranh nhưng kết quả lấy phiếu tín nhiệm lại có nhiều lượng phiếu tín nhiệm thấp, sẽ khiến uy tín bị giảm sút, việc điều hành công việc sẽ kém hiệu quả so với trước.

Cả nước một lòng, kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh cho biết, Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận, cho ý kiến đối với báo cáo của các cơ quan chức năng về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và chủ trương, giải pháp của Việt Nam; khẳng định toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tăng cường đoàn kết, cả nước một lòng, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.

MỚI - NÓNG