Bây giờ, qua cầu Yên Hoành

Cầu mới Yên Hoành
Cầu mới Yên Hoành
TP - Yên Hoành là cái tên chính thức trong danh bạ hệ thống cầu cống Việt Nam chỉ cây cầu bê tông vừa mới khánh thành qua sông Mã nối 2 huyện Yên Định và Vĩnh Lộc của xứ Thanh.

Yên là Yên Định. Hoành là làng Hoành ngay sát mép nước sông Mã. Muốn sang Vĩnh Lộc phải qua Đò Hoành. Đò Hoành tên xửa xưa khi chưa có cầu. Đò Hoành, thứ đò ngang khiến cả một làng lớn mang tên ấy? Ngày đàng gang nước. Các cụ than cấm sai. Cữ đông giá hoặc nước cạn còn đỡ. Mùa lũ sông Mã chồm lên như ngựa tung bờm. Khách qua Đò Hoành len lét nhìn cánh chèo chống đò ngang lấy làm kính nể lắm. Vất đã đành mà phải có tài thì mới lèo lái con thuyền nan hoặc gỗ mỏng manh đưa khách vượt thoát lũ ngựa bờm thủy hung hãn ấy!

Tôi thiệt thòi không biết mặt bà ngoại. Bà mất năm tít mù nào rồi… Cái năm đưa mẹ tôi từ làng Duyên Hy của Yên Định để qua Đò Hoành sang làm dâu vùng Biện Thượng của Vĩnh Lộc ấy cũng đã tít mù. Bà tôi cùng các dì các cậu chỉ đưa mẹ tôi đến Đò Hoành thì dừng rân rấn nước mắt dặn cô con gái yêu vượt sông Mã sang làm dâu xứ người tưởng như đang đày con về một nơi biệt tích? Từ Biện Thượng về làng Duyên Hy chưa đến mươi cây số chứ mấy thế mà có Đò Hoành ngày đàng gang nước đâm ra vô cùng là diệu vợi. Mẹ tôi kể lại, bà ngoại tôi không biết chữ nhưng làu làu ca dao với Kiều. Bữa đưa dâu thăm thẳm bóng người ấy, bà chùi nước mắt, ngó cái nhìn mến thương từ con gái sang đám chống đò đọc rồi như hát: Làm trai chớ chống đò ngang/ Chớ cằn (cày) ruộng cạn chớ mang cỗ làng. Mẹ tôi giải thích câu ca mà bà ngoại đọc từ cái ngày tít mù ấy đại để thế này. Làm cái anh đàn ông vất nhất là phải bập vào cái nghề hay cái việc chống đò ngang. Chống đò ngang, mùa lũ cơ cực đã đành nhưng bất kể mưa gió đêm hôm rét mướt thế nào cứ có khách ới đều phải dậy chèo chống cho khách qua không thì phải tội. Thứ nữa là làng phạt cho thì khốn. Còn ruộng cạn là ruộng khô. Khiển bò hay trâu, đường cày không khéo dễ toác vỡ cày. Mang cỗ làng là cái việc chuyên lo cỗ đình mỗi khi làng có việc có đám. Từ khâu mời mọc, chia bôi sơ suất lời nói hay khuyết đi khẩu thịt thủ là khốn, bởi các cụ có mà mỉa dai thiếu nước độn thổ!

Có lẽ phẩm chất cùng tài nghệ cái anh chống đò ngang thường phát lộ tiêu chí đáng mặt đàn ông đàn ang? Vậy nên tôi được chứng kiến, mấy anh chống đò Đò Hoành đã tổ chức đám cưới hoành tráng. Các cô dâu tinh những người đẹp nết na khéo chọn chồng thường hay qua Đò Hoành luôn bắt gặp những chàng vui tính, cơ bắp cuồn cuộn mà lại rất mát tay lèo lái con sào hoặc cặp bơi chèo chém ngang luồng sóng dữ?
Đò Hoành như một cái phao luôn bồng bềnh trong tôi những kỷ niệm.
Cây gạo khổng lồ mé bên Biện Thượng (tên mới là Vĩnh Hùng của Vĩnh Lộc) xù xì u mấu bên lối xuống Đò Hoành mùa hoa thì là chấm son, mùa khác là chấm xanh như tiêu chí thân thương từ tít ngái xa đã thấy cái chỉ dấu, tín hiệu của quê mình. Thuở lẫm chẫm theo mẹ sang quê ngoại Duyên Hy ăn giỗ đã thấy phần ngọn chấm son cùng gốc gạo u mấu nay bạc đầu về quê vẫn thấy cụ gạo ấy u mấu xù xì?

Tháng bảy, tháng tám ta là cữ đói. Vác cuốc với quả bầu khô trèo qua Eo Lon sang bên gốc gạo moi trùn (thứ giun nhỏ) luôn cư trú ven bãi làm mồi đánh trúm lươn. Trưa trật mới đầy ống bầu. Giun ấy băm nhỏ bỏ vào cái nõ đan bằng tre nhỏ như chuôi dao bỏ vào trúm. Chiều muộn quảy trúm giăng khắp đồng cao đồng thấp. Lươn ta ngửi mùi tanh chui vào trúm. Sao giống lươn đồng hồi đó sẵn nhưng gạo hiếm thế? Ba ký lô lươn mẹ mang bán qui ra gạo chưa nổi một ký (khoảng hơn ba bơ - lon sữa bò?).

Thày dạy vỡ lòng của tôi là ông giáo Biển làng Sóc Sơn. Sóc Sơn Biện Thượng là nơi phát tích sinh ra chúa Trịnh Kiểm. Ông giáo Biển là con trai cụ Nguyễn Đan Quế. Vùng tôi quen gọi là cụ Đốc Quế. Cụ từng dạy Hán văn, Pháp văn, quốc ngữ nên có tên ấy. Cụ từng làm Hiệu trưởng (thời gian 1926-1928) của trường tiểu học Pháp Việt, ngôi trường trên trăm tuổi của Vĩnh Lộc. Sau này cụ trúng cử Đại biểu Trung Kỳ, từng cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng lập ra báo Dân nổi tiếng. Học giả Đào Duy Anh từng viết về cụ thế này: Trong số những vị Dân biểu tiến bộ ấy có những nhà Nho ái quốc mới ở Côn Lôn về như cụ Huỳnh Thúc Kháng và mấy người quan lại từ chức để ra hoạt động kinh tế và chính trị. Trong số người này có ông Nguyễn Đan Quế người Thanh Hóa. Tôi được quen từ hồi trước. Ông Quế vốn làm huấn đạo đã không nhận đổi sang làm công chức sau khi Chính phủ thực dân bỏ nền giáo dục chữ Hán, tự nguyện từ chức về nông thôn ở Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc tự tay cày bừa vỡ đất hoang để làm ăn như một người nông dân bình thường. Sau này ông tham gia Việt Nam Cách mạng Đồng chí hội và trở thành Đảng Tân Việt năm 1928. (Trích hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm Đào Duy Anh, NXB Trẻ, năm 2000, Trang 11).

Bây giờ, qua cầu Yên Hoành ảnh 1 Cây gạo chứng nhân bến Đò Hoành còn đó. Ảnh: X.B
Đò Hoành đã bao lần đưa đón những đồng chí của cụ Đốc trong đó có lần cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu qua sông Mã để về Trại cày Sóc Sơn bàn việc quốc sự. Cũng năm 1947, đồng chí Trần Đăng Ninh qua Đò Hoành về Sóc Sơn để đón cụ Đốc ra chiến khu Việt Bắc theo lệnh của Hồ Chủ tịch nhưng cụ Đốc ốm bệnh không đi được. 

Thanh Hóa có hai ngả đường chiến lược là 45 của Yên Định và 217 của Vĩnh Lộc. Đò Hoành đã từng bao đêm rậm rịch thuyền gỗ thuyền nan kìn kìn chở những đoàn quân trẻ măng vượt sông Mã xuôi Nam. Tinh mơ đi học ghé qua cây gạo Đò Hoành, bồi hồi ngó vạt phù sa chi chít dấu giày dép cao su đúc của hàng ngàn quân từng qua Đò Hoành vào lúc đêm khuya khoắt. 

Còn nhớ như in cận dịp Tết năm 1963, ông Thợ Rèn có hẳn một bài văn vần ở trang 4 báo Nhân Dân mục Chuyện lớn chuyện nhỏ phàn nàn chuyện ách tắc phiền phức khi qua bến Đò Hoành thế này: Cái bến Đò Hoành ở Xứ Thanh/ Ngày thường qua lại đã không nhanh/ Cắm sào cô gái vào khoang nghỉ/ Khách lượn đôi bờ khách lượn quanh.

Rồi thời buổi yên hàn cùng đổi mới, sông Mã đã có nhiều cầu vượt tiện ích nhiều bề. Một cây cầu ở Đò Hoành với tên gọi mới Yên Hoành, tất nhiên đã quy chuẩn những đích ngắm chiến lược kinh tế cùng là quân sự. Nhưng theo cách hiểu thiển cận của tôi, Yên Hoành (xin được gọi tên mới) nếu có nó là cầu nối của du lịch cùng tâm linh?

Các địa danh Di tích Đào Cam Mộc, Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Động Hồ Công, Động Kim Sơn, Đền thờ Trần Khát Chân, Đàn Tế Nam Giao, Phủ Trịnh, Lăng Trịnh Tùng, Chùa Báo Ân, di tích khảo cổ Đa Bút vv… nổi tiếng của hai huyện Yên Định, Vĩnh Lộc nối với nhau nơi xa nhất cũng chỉ hai mươi phút xe chạy trong một tour một chuyến du lịch tâm linh khi có cầu Yên Hoành.

Ây vậy mà, một cây cầu quy mô không lớn, tổn phí chưa hẳn hoành tráng, thế nhưng một dạo sau khởi công, mọi sự cứ đắp chiếu để đấy?
Bao xì xào rằng, những tưởng là quê của những ông to bà lớn cấp bộ trưởng, thứ trưởng… thì tiến độ làm cầu phải chong chóng chứ, ai dè…
Lại thêm xì xào nghe cũng ghê ghê thế này: Cái mố cầu Yên Hoành ấy nó phải xuyên qua một thứ trầm tích dưới lòng sông Mã. Thứ trầm tích ấy là linh thiêng. Thời Lê Trịnh, dọc Ngã ba Bông lên đến Yên Hoành rồi ngược mãi lên nơi hợp lưu của sông Mã với sông Bưởi gần Thành Nhà Hồ là nơi chiến địa ác liệt của quân Lê Trịnh huyết chiến với quân nhà Mạc. Trong Toàn thư (Đại Việt sử ký toàn thư) từng miêu tả sông Mã nhuộm đỏ máu nghẹt thây người khó chảy. Lại nữa, trụ cầu Yên Hoành còn phải xuyên qua một tầng đá, mà tầng đá đó nối với khí mạch đá thiêng ngay dưới chân núi Hùng Lĩnh (còn gọi là núi Báo) của chùa Báo Ân. Hùng Lĩnh từng là căn cứ chống Pháp của nghĩa quân Tống Duy Tân. Thứ đá ấy có vân màu cốm xanh rất đẹp. Có một dạo, bọn bạo hổ bằng hà nghe lời xúi của thương gia nước ngoài đã mở hẳn một công trường khai thác. Nhưng mới khai, nạy được mấy mét khối, bất đồ kẻ thì gãy tay chân, máy xúc thì lăn xuống sông Mã và duyên do gì khác nữa không rõ đành phải cuốn xép chấm dứt việc khai thác!

Vậy nên cần chậm tiến độ, tạm đắp chiếu là để dừng lại trấn yểm gì đó (!?)

Sau hỏi lại, hóa ra chuyện hão cả! Nguyên nhân tiến độ vẫn là vấn đề đầu tiên là tiền đâu! Thì ra đợt suy thoái kinh tế sau thời điểm khởi công đã khiến tiến độ xây Yên Hoành khựng lại một thời gian rõ dài.
Rồi phương án tài chính đã được giải để có thênh thang một Yên Hoành y xì như thiết kế, được khánh thành vào chủ nhật mới đây ngày Mồng Một tháng 2 dương lịch.

Lẩn thẩn nghĩ thêm, thấy cần thứ biên niên (dạng vài dòng tóm tắt) một con đò đến một cây cầu như Yên Hoành để mở ngoặc trong các tờ bướm phát cho du khách khi can dự vào một tour du hý đất Yên Định cùng Vĩnh Lộc của xứ Thanh? 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.