Bẫy lãi suất

Bẫy lãi suất
TP - Lại một quan chức cao cấp của một ngân hành quốc doanh lớn nhận đút lót gần tỷ đồng từ một doanh nghiệp để được vay ưu đãi và vừa bị công an bắt quả tang.
Bẫy lãi suất ảnh 1
Lãi suất đang là vấn đề mà nhiều khách hàng trong đó có doanh nghiệp đặc biệt quan tâm  - Ảnh: Hồng Vĩnh

Đây là hiện tượng vô cùng đồi bại, gây nhức nhối, một điều mà nhiều doanh nghiệp đi vay đều biết và phải chịu nhưng nay mới có chứng cứ. Hiện tượng này không hiếm và vụ bắt quả tang này là một minh chứng.

Không dẹp được nạn (và nhiều nạn khác), nghành ngân hàng Việt Nam (và cả nước Việt Nam) khó có thể phát triển.

Nguyên nhân gì, các động cơ nào đứng đằng sau vụ bê bối này?

Nhiều người chắc hẳn nhìn thấy sự lạm quyền, lòng tham của con người ở đây. Đúng, hoàn toàn không sai, nhưng đó là nguyên nhân bề nổi, không phải căn bản. Nếu chỉ có vậy thì cách giải quyết không quá khó.

Lòng tham ai cũng có, song dư luận xã hội, niềm tin tôn giáo, giáo dục đạo đức có thể khiến người ta bớt tham đi. Nhưng có lẽ chúng ta đã dùng biện pháp giáo dục, học tập đạo đức một cách quá hình thức nên kém hiệu quả khiến người ta nhờn và chán biện pháp đó.

Lạm quyền có thể giải quyết bằng các công cụ quản trị như phân quyền, phân trách nhiệm rạch ròi, kiểm tra, thưởng, phạt. Về mặt này, chúng ta chưa làm được nhiều và còn có thể cải thiện đáng kể.

Hai biện pháp trên là rất quan trọng, song chưa đủ. Dưới đây sẽ phân tích nguyên nhân kinh tế, thể chế mà, nếu không khắc phục được, vấn đề sẽ xuất hiện mãi mãi.

Không có cái ông phó tổng giám đốc này thì sẽ luôn có các ông (phó) tổng giám đốc khác (và còn bao người khác nữa) ăn đút lót hệt như ông ta. Và tôi e rằng tình hình đã quá nghiêm trọng để chúng ta phải đối phó một cách quyết liệt, đối phó bằng cái đầu lạnh và không để cho xúc cảm chi phối.

Sự thực của cuộc sống

Hãy xem cái bẫy lãi suất. Các nhà làm luật của chúng ta đã muốn hạn chế nạn cho vay nặng lãi. Đó là một ý tưởng tốt, cao đẹp.

Đáng tiếc, khi hành văn trong Luật Dân sự, các nhà làm luật không tính toán kỹ, các đại biểu quốc hội cũng bấm nút hay giơ tay thông qua quy định “lãi suất cho vay không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước quy định”.

Tất cả các ngân hàng trung ương đều dùng lãi suất chiết khấu hoặc lãi suất cho vay tối thiểu của mình (bank rate) khi chiết khấu các hối phiếu của các ngân hàng thương mại hay cho chúng vay.

Đây là một công cụ mà không ngân hàng trung ương nào từ bỏ để kiểm  soát lãi suất và tín dụng. Lãi suất cơ sở hay cơ bản (base rate) là lãi suất mà các ngân hàng thương mại lấy làm cơ sở để định ra lãi suất cho vay hay lãi suất tiền gửi của  mình.

Ngân hàng nhà nước quy định lãi suất bank rate (được gọi nhầm là lãi suất cơ bản) trong mấy tháng qua là 8%/năm và không tăng lãi suất này bất chấp tin đồn sẽ có điều chỉnh. Tôi nghĩ Ngân hàng Nhà nước làm thế là đúng (thậm chí có thể nên hạ lãi suất này).

Thế nhưng, do bị gọi là “lãi suất cơ bản” nên, theo Luật Dân sự, lãi suất cho vay không được quá 1,5 x 8% = 12%. Đây chính là sợi dây mà ta cột vào chân (hay cổ) mình.

Các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi của dân và doanh nghiệp ở mức gần 11%. Nếu tính cả các biện pháp khuyến mãi, thưởng thì chi phí của ngân hàng có lẽ còn cao hơn.

Ngân hàng thương mại phải có dự trữ bắt buộc [gửi một phần (5-10%) tổng số tiền huy động của mình tại ngân hàng nhà nước]. Nếu tính cả việc không thể sử dụng khoản dự trữ bắt buộc này thì chi phí huy động của ngân hàng thương mại có thể lên đến 12-13%/năm (đó là chưa kể đến chi phí hoạt động).

Nếu họ buộc phải cho vay 12%/năm thì họ sẽ phá sản.

Tất cả các ngân hàng đều phải tìm cách lách, thu thêm các loại phí sao cho hợp đồng tín dụng vẫn chỉ ghi 12%/năm hay thấp hơn một chút. Người đi vay phải chịu chi phí vốn (kể cả phí) cỡ 16-17%/năm là hợp với thị trường. Đấy là sự thực của cuộc sống.

Một điều luật không sát với cuộc sống là điều luật tồi. Phải sửa ở đó, sửa cái nguyên nhân thể chế đó, thì hiện tượng đút lót gây nhức nhối mới bớt đi.

Trần lãi suất buộc tất cả các ngân hàng phải lách, hay phải nói dối, người vay bực bội, các số liệu thống kê méo mó và là một trong những nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp đút lót và cái ông phó tổng giám đốc kia nhận đút lót.

Cám dỗ cưa đôi, cưa ba  - Phải xóa

Một số ngân hàng có nguồn huy động rẻ (tiền gửi của các tập đoàn, thậm chí của ngân sách nhà nước mà một thời đã bị dư luận phanh phui). Những người gửi các khoản tiền lớn với lãi suất thấp được các ngân hàng săn đón, không loại trừ phải quà cáp, thậm chí đút lót để có các khoản tiền gửi ấy.

Họ gương mẫu tuân thủ luật và có thể cho vay với lãi suất 12% hay thấp hơn do đầu vào của họ thấp. Doanh nghiệp tìm mọi cách giảm chi phí và nỗ lực để được vay ưu đãi với lãi suất thấp là một nỗ lực hợp lý.

Chênh lệch với lãi suất thị trường có thể đến 3-4%. Người cho vay có quyền, lạm dụng quyền, không đặt lợi ích của ngân hàng lên trên hết nên rất bị cám dỗ bởi chuyện cưa đôi, cưa ba phần chênh lệch.

Các ngân hàng tư nhân, có động cơ mạnh hơn để ngăn cản những việc làm đồi bại đó (bằng quy trình, bằng giám sát) nên hiện tượng không nghiêm trọng bằng các ngân hàng quốc doanh.

Lập luận trên có thể áp dụng cho các khoản hỗ trợ lãi suất nữa. Và dư luận nghi ngại các ảnh hưởng xấu của gói kích thích hỗ trợ lãi suất (ngắn hạn 4% đã chấm dứt, dài hạn 2% vẫn còn hiệu lực) là có cơ sở và nên tìm mọi cách chống.

Phá cái bẫy lãi suất là một biện pháp hữu hiệu để ngăn tệ nạn này. Bỏ lãi suất cơ bản như kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước là biện pháp tốt. Nếu các đại biểu Quốc hội vẫn chưa hiểu và vẫn khăng khăng không sửa một câu của luật dân sự, thì Ngân hàng Nhà nước có thể nên định nghĩa lại “lãi suất cơ bản là lãi suất bình quân của 5-7 hay 10 ngân hàng thương mại lớn nhất” và đành ban hành hàng ngày và phân biệt với lãi suất cho vay của mình.

Tất nhiên, ngoài gỡ cái bẫy lãi suất còn cần tiếp tục xóa bỏ cơ chế xin-cho (xóa cụ thể cái gì, sửa ra sao thì những người lớn tiếng nói về xóa chẳng bao giờ nói rõ ra, có lẽ nên chấm dứt tật nói suông như vậy), tăng cường quản trị ngân hàng.

MỚI - NÓNG