Bảy năm làm mẹ hộ người dưng

Bảy năm làm mẹ hộ người dưng
TPO - Một người mẹ trẻ nhẫn tâm bỏ lại đứa con mình cho người giữ trẻ rồi ra đi không tin tức. Sau gần bảy năm, đứa trẻ qua bàn tay chăm sóc, nuôi nấng của người giữ trẻ, giờ đã học lớp ba.
Bảo mẫu Đặng Thị Bình. Ảnh: Lãng Phong
Bà Bình làm nghề trông trẻ kiếm tiền trang trải cuộc sống, nuôi bé Thương. Ảnh: Lãng Phong.

Có con ở tuổi ngũ tuần

Mắt bà Đặng Thị Bình (quê xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, hiện ở Long Biên, Hà Nội) cứ đỏ lên, thỉnh thoảng những giọt nước mắt rơi xuống khi nói lại chuyện bỗng nhiên trở thành mẹ bé Thương. Bà khóc, không phải vì vất vả, khổ cực, mà bà đang hạnh phúc khi đứa bé bà chăm bẵm suốt hơn bảy năm qua đang ngày càng lớn lên, ngoan ngoãn, học giỏi, lễ phép …

Năm 2001, bà Bình từ Hà Nam lên Hà Nội ở với con gái, làm nghề trông trẻ. Ngày 8 – 1 – 2004, một phụ nữ trẻ mang bé gái kháu khỉnh tên Thương đến thuê bà trông. Bà vui vẻ nhận lời. Gần một năm sau, người mẹ nhẫn tâm bỏ đi, để lại đứa bé cho phụ nữ già cả.

Mới đầu, bà Bình đoán mẹ đứa bé bị ốm đau, có việc phải đi xa, hoặc thua lỗ làm ăn nên tạm thời không đến thăm con như thường lệ. Bà vừa chăm sóc đứa bé, vừa chờ đợi, nhưng người mẹ trẻ ấy cứ bặt vô âm tín. Bà biết, người mẹ này đã bỏ con đi. Đến hôm nay, đã gần bảy năm, bà vẫn lặng lẽ, âm thầm nuôi đứa trẻ khôn lớn.

“Lúc con gái đi lấy chồng, cháu muốn tôi với bé Thương đi cùng, nhưng tôi không muốn hai bà cháu là gánh nặng cho con gái, con rể” - Bà Bình nói.

Cháu Thương đến tuổi đi học, cũng là lúc khó khăn ập đến với bà Bình. Bà phải bán một chỉ vàng dành dụm để mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo cho bé Thương. Để tiết kiệm chi phí, mỗi khi đi chợ mua thịt nấu cho bé, bà đều xin thêm thịt vụn, bì lợn về nấu riêng cho mình.

Đi học cần giấy khai sinh, nhưng bé Thương chẳng có gì ngoài một cuốn số tiêm mà mẹ ruột để lại. Bà Bình khóc vì lo cho tương lai của bé...

Để có được tờ giấy khai sinh cho bé Thương, bà Bình phải tốn không ít công sức và nước mắt. Ảnh: Lãng Phong
Để có được tờ giấy khai sinh cho bé Thương, bà Bình phải tốn không ít công sức và nước mắt. Ảnh: Lãng Phong.

May thay, một bác ở trên xã thấy xót xa trước hoàn cảnh hai bà cháu nên làm cho bé Thương một cuốn sổ trợ cấp 100 nghìn/tháng - Bà Bình cho biết. Cũng nhờ cuốn số này mà bé Thương được các cấp chính quyền biết đến và đồng ý cấp giấy khai sinh vào tháng 8 – 2010. Bà Bình đứng khai sinh cho bé Thương, nhưng vẫn để trống tên bố mẹ.

Hiện tại, bé Thương đã học lớp ba. Bà Bình phải chi tiêu dè dặt mới đủ trang trải cho cuộc sống của hai bà cháu. Con gái bà cũng muốn bà về ở cùng cho đỡ vất vả, nhưng bà bảo muốn tự mình nuôi bé Thương, không muốn làm phiền con cái.

Dù cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng bà Bình vẫn vui vẻ khi chứng kiến bé Thương lớn lên ngày càng xinh xắn, ngoan ngoãn, lễ phép và học giỏi... Bà cũng vừa làm thủ tục nhập khẩu cho bé Thương vào gia đình mình.

Phòng trọ tồi tàn của bà Bình. Ảnh: Lãng Phong
Phòng trọ tồi tàn của bà Bình. Ảnh: Lãng Phong.

Con gọi dì là mẹ nhé!

Bà Bình kể, có lần, nghe người trọ cùng làng kể về một phụ nữ trẻ giống mẹ của Thương, đang làm nhà hàng ở Từ Sơn, Bắc Ninh, bà cùng Thương lặn lội lên tận nơi để tìm, nhưng hai lần đều không gặp.

“Sau hai lần lên Từ Sơn tìm mẹ không được, bé Thương, khi đó mới bốn tuổi, đã biết kể chuyện đi tìm mẹ cho con gái tôi, rồi cháu nói một câu khiến ai cũng phải rưng rưng nước mắt: Từ tối nay, dì cho con gọi dì là mẹ nhé – Bà Bình kể trong xúc động.

Coi như hết hy vọng ở người mẹ nhẫn tâm, bà Bình cố gắng chăm sóc, dạy dỗ cháu Thương nên người. Mỗi khi bé nhắc đến bố, mẹ, bà đều giải thích rằng, bố mẹ đi làm ăn xa, kiếm tiền gửi về nuôi cháu, nuôi bà, khi nào nhiều tiền về mua nhà cho hai bà cháu ở.

Bà Bình kể, nhiều lần, vừa đi học về, bé Thương khóc nức nở vì bạn học không chịu chơi cùng. Hỏi ra mới biết, các bạn ở trường thường hỏi về bố, mẹ của Thương. Bà phải động viên cháu bé. Nhưng bà sợ rằng, thêm một thời gian nữa, Thương sẽ biết sự thật. Khi đó, chỉ sợ bé Thương bị sốc.

Dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng trong ba năm học, cháu Thương đều đạt học sinh giỏi. Chỉ trong một tháng đầu năm học lớp ba, bé được hơn 20 điểm 10. Dù khó khăn nhưng bà Bình vẫn cho Thương đi học thêm, học nhóm cùng các bạn. Các cô giáo, thầy giáo cũng tạo điều kiện tối đa cho bé khi chỉ lấy một nửa tiền so với các bạn khác. Bà Bình cũng cho biết, bé Thương có năng khiếu về hội họa.

Bà Đặng Thị Bình, sinh năm 1955, quê xã Tiên Ngoại, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hiện, bà Bình, bé Thương, bé Thu (3 tuổi, cháu ngoại bà Bình) ở trong căn phòng trọ xập xệ khoảng 10m2, tường vôi lở loét phải dán giấy poster, ở số nhà 36, tổ 10 phường Thượng Thanh (Long Biên, Hà Nội).

Bà Bình đang nhận trông thêm hai đứa bé tuổi biết đi. Thu nhập của bà chủ yếu trông vào tiền giữ trẻ, trung bình một tháng khoảng trên hai triệu, để chi tiêu cho cuộc sống, đóng tiền học cho bé Thương và một chút ít dành dụm phòng ốm đau, bệnh tật. Riêng tiền phòng và tiền điện, mỗi tháng bà phải trả 700 nghìn đồng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG