Bảy ngày làm tài xế taxi - Kỳ cuối: Những chuyện buồn

Chờ và giành được khách là nghệ thuật của tài taxi. Ảnh: Ngọc Châu
Chờ và giành được khách là nghệ thuật của tài taxi. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Hôm nay là một ngày kỳ lạ. Những người khách đi xe của tôi đều có những chuyện buồn. Cuối ngày là một tâm sự nao lòng của người bạn đồng nghiệp: Cậu ấy vừa chạy taxi vừa chạy thận.

Chở khách đi bar

Sau mấy hôm lớ ngớ, giờ tôi đã tự tin hơn. Tôi bắt được khách khi “đàm nổ điểm” - điều mà trước đây mấy ngày tôi nghe cứ ù ù cạc cạc. Khi các đồng nghiệp của tôi xếp hàng dài trước cổng Royal City luôn tấp nập thì tôi lặng lẽ đánh xe vào trong, gần khu vực hầm để xe phía sau khu đô thị. 

Ở đó tôi thường bắt được khách khi họ đi bộ mỏi chân lắm rồi. Không ít người vẫn chưa quen thương hiệu hãng xe của tôi nên cứ ngó nghiêng hết nhìn xe lại nhìn người. Tôi biết họ đang nghĩ gì nên thường giữ thái độ thân thiện nhưng cũng không quá vồn vã mời gọi. Kia rồi, một cánh tay giơ lên. Tôi nhấn ga vọt lên tấp vào sảnh đón khách. 

“Cho em về khách sạn NIKKO” - Khách sạn NIKKO à? - Tôi lẩm nhẩm trong đầu để hình dung đường đi. Nó nằm trên đường Lê Duẩn - Trần Nhân Tông phải không ạ? - Tôi hỏi cô gái trẻ để khẳng định lại lộ trình.

Chở khách đến địa chỉ an toàn, tôi vòng xe qua cửa rạp xiếc rà rà tìm những cánh tay. Một lát sau, con mắt nghề nghiệp của tài xế đã mách tôi khách hàng đã đến. Một bác trung tuổi, một cô gái bế em bé xách túi đi lại phía xe tôi nhìn chăm chăm vào cửa xe và đồng hồ tính cước trong xe. 

Tôi bảo thẳng: “Bác và em yên tâm đi, không phải taxi dù đâu mà lo”. Nghe tôi nói vậy, họ cười cười mở cửa. Khi vào xe người đàn ông trung niên mới bảo: “Anh thông cảm, nhiều trường hợp đi phải ta xi dù nên bố con ông cháu tôi phải cẩn thận. Bây giờ anh đưa tôi lên Hồ Gươm đi một vòng rồi lên Hồ Tây, sau đó về phố Khâm Thiên, rồi lại đưa tôi về đây để lấy xe máy”

Tiếng vâng ạ rổn rảng của tôi như tố giác đang được một cua hời. Cuốc xe này dài chứ chẳng chơi. Suốt cả quãng đường du lịch các hồ đó là câu chuyện rất cởi mở của ông khách với tôi. Hóa ra, ông đang phải chăm sóc bố mẹ già hơn 90 tuổi ốm nặng phải nhập viện. 

Ông quê ở Ứng Hòa - Hà Tây cũ - đồng hương với tôi. Ông khoe làng ông, dòng họ của ông có nhiều nhà văn, nhà báo. Lúc ra về, đi được một đoạn, ông vẫy tôi quay lại. Tôi tưởng ông bỏ quên gì trên xe, nhưng không, ông xin số điện thoại để khi nào về quê hoặc đi đâu xa ông gọi. “Tôi thấy thích nói chuyện với anh và thích cái đồng hồ tính cước của xe này rất chuẩn, rất hữu nghị”.

Bảy ngày làm tài xế taxi - Kỳ cuối: Những chuyện buồn ảnh 1 Tài xế Nguyễn Xuân Trường

Đây là một ngày may mắn của tôi. Suốt từ chiều đến 23h30 tôi có khách liên tục. Đến khi bụng dạ cồn cào, tôi dừng xe ở quán ăn đêm ở đường Tây Sơn, định mua bát xôi thì lại có khách. Anh chàng này tay cầm chai rượu Chi -vát 18 vẫn còn non nửa nhưng điệu bộ thì có vẻ uống khá nhiều. “Anh chạy không? Cho lên phố Hồng Hà!”

Phố Hồng Hà ở đâu nhỉ? Tôi không hề có một chút hình dung nào về con phố này. Thôi, cứ nói thật là mình mới lái không biết đường là hơn, mình cứ đi mà không đúng đường nó lại tưởng mình mua đường kiếm tiền lại phức tạp. 

Nghĩ vậy nên tôi bảo: “Em mới lái thay ông anh nên không thuộc đường lắm, nhờ anh chỉ giúp!”. “Cứ đi đi. Vô tư đi. Anh cứ lên phía Bờ Hồ đi!”. Vậy là tôi đi, cứ nhằm Bờ Hồ thẳng tiến. Vừa đi khách vừa gọi điện và liên tục nghe điện của ai đó chỉ đường lên phố Hồng Hà. Giờ thì tôi đã lên được phố ấy, hóa ra phố này nằm dọc theo đê, song song với con đường gốm sứ ở gần cầu Chương Dương. 

Tôi đã đi qua chợ đêm tấp nập những người và xe, những thùng hộp chứa đầy rau củ quả. Lúc này đã 24h30, trời lạnh giá. Vậy mà ở chợ đêm rất nhiều người khuân vác chỉ mặc phong phanh manh áo cộc. Phía cuối đường Hồng Hà, nơi tôi trả khách cũng tấp nập không kém, chỉ khác nhau đó là một bên tấp nập lao động, một bên rộn rã ăn chơi nhảy múa… 

Lao động thâu đêm và ăn chơi cũng xuyên đêm. Một bên làm lụng quần quật để lấy một hai trăm ngàn; Một bên tưng bừng cơ thể ném ra vài triệu, thậm chí cả vài chục triệu. Đối lập - Chạnh lòng!

4 ngày chạy taxi, 3 ngày chạy... thận

Khách hàng từ sáng sớm vẫy xe của tôi là một người đàn ông chắc đã ngoài sáu mươi. Hai tay ông lủng lẳng những túi là túi. Khi ông đã lên xe, tôi hỏi: “Bác đi về đâu ạ?”. “Anh cho tôi về Hỏa Lò. Nhưng nhớ là Hỏa Lò ở Cầu Diễn ấy!”. 

Nói vậy là tôi biết rồi, đã có lần tôi nhầm Hỏa Lò ở Hai Bà Trưng với Hỏa Lò ở Cầu Diễn nên biết rõ lắm. Đi được chừng 10 phút, ông khách chủ động bắt chuyện, hỏi tôi sao đi làm sớm thế, rồi mấy ngày Tết có đông khách lắm không? Tôi trả lời những câu hỏi ấy và cũng hỏi thăm xã giao. Hóa ra ông xuống từ Bắc Giang. Vùng đất này tôi đã gắn bó ở đó cả chục năm nên ông nói xã nào cũng biết, huyện nào cũng quen. 

Ông cho tôi biết, ông xuống Hỏa Lò để gửi đồ tiếp tế và thăm con trai đang bị tạm giam trong trại giam số 1. “Rét quá, tôi mang ít quần áo ấm gửi thêm cho cháu! Khổ thân, lúc nào nó cũng thương bố mẹ nghèo quá mà ra nông nỗi này. 

Lần trước tôi xuống thăm, nó cứ khóc mãi. Khóc không phải vì cảnh tù tội của nó mà vì thương chúng tôi đã nghèo lại còn khổ, đã khổ lại nhục với họ hàng làng xóm”. 

Ông khách kể chuyện con mình- trong đầu nó lúc nào cũng có câu hỏi sao người ta giàu thế, sao nhà mình cứ nghèo xác xơ mãi thế này? Nó thương chúng tôi cả đời úp mặt vào mấy sào ruộng, không biết ô tô là gì, nghỉ mát là gì. Đã mấy lần nó để dành tiền chạy xe ôm để mời bố mẹ “đi ăn một bữa nhà hàng cho biết” nhưng chúng tôi không đi, sợ tốn kém lắm. 

Tôi bảo nó nhà hàng không bằng nhà mình đâu con ạ! Vậy mà thế nào tuần sau nó nhận lời đi xách hàng cho người ta. Nó bảo với tôi, nếu có phép màu để thời gian trở lại, nó nguyện cả đời chăm chỉ làm lụng, vui vầy bên bố mẹ. Ăn cơm nguội với tép kho cũng vui lòng, nói gì đến thịt gà, cá chép om dưa - những thứ mà ở nhà quê luôn có sẵn.

Bảy ngày làm tài xế taxi - Kỳ cuối: Những chuyện buồn ảnh 2 Tác giả (phải) và Trường sau một cuốc xe

Chuyện của người khách khiến tôi trĩu lòng. Tôi cứ chạy miết từ sáng sớm đến 16h chiều. Đưa khách xuống Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, tôi tìm chỗ đỗ xe, định bụng ăn gì đó rồi về giao xe cho anh Phục (anh họ mà tôi mượn xe nhập vai đã kể kỳ trước). Có mấy xe taxi ở hãng khác cũng đã đậu gần đó. Tôi bắt chuyện với một đồng nghiệp trẻ, mời hút thuốc nhưng anh ta từ chối. 

“Từ sáng chạy có được không, được bao nhiêu rồi?” “Em mới được mấy cuốc, chắc được khoảng 600 ngàn thôi”. Nghe giọng nói, tôi biết anh chàng này chắc chắn ở cùng quê Chương Mỹ với tôi. “Vào quán anh em mình kiếm cái gì ăn, hay uống chai bia?” - tôi rủ chàng thanh niên cùng quê. “Em không đói, bia rượu thì chịu ạnh ạ! Không phải giữ gìn gì đâu, em bị bác sĩ cấm bia rượu”. 

Đồng nghiệp taxi của tôi mỗi người mỗi cảnh nhưng Trường đồng hương tôi thì lại có hoàn cảnh khá đặc biệt: mỗi tuần, Trường chạy xe 4 ngày, còn 3 ngày vào viện chạy thận. Cậu ấy bị suy thận nặng.

Thế rồi chúng tôi kéo nhau ra quán trà đá. Tôi được biết người bạn đồng nghiệp của tôi tên Trường. Trường năm nay 24 tuổi nhưng đã có vợ và một con gái 3 tuổi. Trường cho biết, mình bị suy thận. “Thế sao vẫn chạy xe?” - Tôi hỏi. 

Trường cúi mặt xuống, lí nhí trả lời: “Gặp hoàn cảnh nào thì phải chịu hoàn cảnh ấy thôi anh ạ. Em không chạy xe thì lấy tiền đâu mà chạy thận. Mỗi lần chạy thận mất 1,2 triệu. Nhà em ở quê thế nào thì anh biết rồi còn gì...”.

Bố mẹ Trường làm ruộng. Trường lấy vợ rồi ông bà cho ra ở riêng. Trường chạy xe tải, vợ làm ở công ty may gần nhà. Những tưởng cuộc sống của đôi vợ chồng với cô con gái 3 tuổi thế là ổn, ai ngờ bệnh tật đã lái cuộc sống của vợ chồng Trường sang một hướng khác. Không muốn dồn cả gánh nặng lên vai bố mẹ, vợ con, Trường đi lái taxi để “kiếm thêm đồng nào hay đồng ấy”. 

Ai cũng xót xa, phản đối việc Trường đi lái xe taxi trong tình trạng bệnh tật như vậy, nhưng biết làm cách gì để lấy tiền chữa bệnh? Bố mẹ có mấy sào ruộng, vợ làm công nhân may lấy đâu ra mỗi tháng gần 15 triệu để chạy thận?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.