Bày thú rừng giữa sân bay Nội Bài

Bày thú rừng giữa sân bay Nội Bài
TP - Thú hoang và các bộ phận của chúng sẽ được bày giữa lòng sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội, từ trưa thứ ba tuần tới. Tại sao lại đặt ở nơi có giá thuê mặt bằng đắt nhất Việt Nam và thời gian trưng bày kéo dài không dưới năm năm?

Trao đổi của phóng viên Tiền Phong với anh Thomas Osborn, Điều phối viên Chương trình Tiểu vùng Mêkong Mở rộng của TRAFFIC Đông Nam Á, chi nhánh của TRAFFIC, một mạng lưới kiểm soát buôn bán động vật hoang dã toàn cầu, và còn là thành viên ban tổ chức sự kiện trưng bày có một không hai này ở Việt Nam.

Bày thú rừng giữa sân bay Nội Bài ảnh 1
 Hổ, ngà voi, chân gấu, sừng tê sẽ được trưng bày tại sân bay Nội Bài (Hà Nội) để nâng cao  ý thức của người dân về bảo vệ động vật hoang dã

Chiến dịch “Đừng mua sự phiền muộn”

Chào Thomas, trên thế giới từng có kiểu trưng bày thú hoang và các sản phẩm của chúng ở cửa khẩu hàng không như thế này chưa?

Chưa nhiều. Đầu năm, có một cuộc trưng bày sản phẩm ngà voi bị buôn bán ở sân bay quốc tế Bangkok (Thái Lan). Mới tháng vừa rồi có một cuộc ở Sân bay Vientiane (Lào) và khoảng vài năm trước ở Atlanta (Mỹ).

Mấy nước đấy là vài trong số những điểm trung chuyển thú hoang khét tiếng. Nhưng bày hàng dễ để thực khách lắm tiền thêm thèm, buôn bán thú hoang thêm nhộn nhịp?

Nếu chỉ là sản vật thôi thì dễ bị hiểu như thế thật đấy. Sẽ có các tủ kính đặt tại các phòng chờ trước khi ra máy bay, giúp hành khách có đủ thì giờ thu thập thông tin về buôn bán thú hoang trong khu vực châu Á và xem mô hình các sản phẩm thú hoang đang bị buôn bán bất hợp pháp phổ biến nhất ở Việt Nam.

Nhưng bên cạnh đó còn có thông điệp rõ ràng, kêu gọi trước hết những người có tiền giảm rồi đi đến ngừng tiêu thụ, buôn bán thú hoang và các sản phẩm của chúng.

Chúng tôi đặt tên chiến dịch là “Đừng mua sự phiền muộn” với tổng cộng 15 áp phích về sáu loài thú hoang đang có nguy cơ tuyệt chủng được buôn bán nhiều nhất ở Việt Nam, gồm hổ, gấu châu Á, voi, tê giác, rùa biển, và tê tê - một loài động vật có vảy chuyên ăn kiến.

Áp phích cảnh báo các loài đó được luật pháp bảo vệ và buôn bán các loài đó có thể bị phạt hoặc truy tố.

Thông điệp thể hiện  ý chí của ban tổ chức có thấm vào đầu khách xem không, làm sao biết được? Nhỡ đâu cái tay gấu đen mượt thế này, cục sừng tê giác ấn tượng thế kia lại là thông điệp hình ảnh lấn lướt thông điệp ngôn từ thì sao? Chúng kích thích tôi mong một ngày đẹp giời nào đó dùng thử. Liệu ban tổ chức có biết tư duy của tôi bị các bộ phận thú hoang ấy tác động không?

Có tình huống đó thì coi như đấy là điểm xuất phát của nhận thức. Từ nhận thức cảm tính đến nhận thức lý tính, người xem còn bị tác động bởi nhiều yếu tố định vị lại nhận thức ban đầu nữa chứ. Khó có thể đi đến hành động cảm tính được. 

Hơn nữa các biển quảng cáo sử dụng người mẫu với tay đeo còng số 8 sẽ có ấn tượng mạnh nếu sự ham muốn lấn lướt ý trí.

Có người bị ám ảnh mãi vụ 80 con gấu không được gắn chip ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến bây giờ vẫn xử lý chưa xong. Ai bảo nhận thức của những người có trách nhiệm xử lý vụ này không phát triển đến cung bậc lý tính như anh nói. Thế mà tại sao, cứ ở xa đàn gấu, họ hô thông điệp rất to, như thể đàn gấu bất hợp pháp kia chuẩn bị được tịch thu đến nơi nhưng, hễ đến gần là y như rằng, chúng lại yên vị, lại không bị tịch thu. Chủ đàn gấu rung đùi ba năm nay rồi, bất chấp vài chục trát nọ trát kia, đoàn đi đoàn về.

Phải lạc quan thôi. Tôi tin Chính phủ Việt Nam sẽ sớm giải quyết dứt điểm. Tại lễ khai trương trưa thứ ba tới, 11-5, một quan chức của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, thành viên trong ban tổ chức cuộc triển lãm dự định kéo dài năm năm này, sẽ nhấn mạnh mục tiêu cuộc triển lãm.

Nhiệm vụ của TRAFFIC như trong tấm danh thiếp của anh ghi đây, là đảm bảo buôn bán động thực vật hoang dã không đe dọa bảo tồn thiên nhiên. Có nghĩa TRAFFIC vẫn không phản đối buôn bán các loài hoang dã, vẫn chấp nhận hiện tượng ấy. Và quan điểm này cũng được lồng ghép tại cuộc trưng bày lần đầu tiên ở Việt Nam?

Phải thực tế chứ. Nhu cầu buôn bán động thực vật hoang dã là có thực. Tác dụng của chúng đối với cuộc sống con người, trên nhiều khía cạnh, là có thực. Con người khai thác tài nguyên thiên nhiên để tồn tại và phát triển.

Bày thú rừng giữa sân bay Nội Bài ảnh 2
Thomas Osborn (phải) và một nhà báo Việt Nam với các sản phẩm chân gấu, sừng tê giác, và ngà voi sẽ trưng bày tại sân bay Nội Bài từ thứ ba tuần tới - Ảnh: Trần Thu Hường

Vấn đề là khai thác có chừng mực, khai thác để đảm bảo thiên nhiên có thể tự tái tạo ngay được, không gây suy thoái hoặc làm biến mất loài, không làm mất đa dạng sinh học, không hủy hoại chức năng của các hệ sinh thái, nền tảng cơ bản để kinh tế và xã hội phát triển bền vững. 

TRAFFIC ủng hộ bảo tồn và phát triển, có nghĩa là việc khai thác, sử dụng, buôn bán các loài hoang dã vì mục tiêu phát triển phải được kiểm soát.

Việt Nam - Điểm nóng

Thế có nghĩa TRAFFIC ủng hộ việc tiếp tục buôn bán ngà voi, sừng tê giác và, vì thế, hai sản phẩm này cũng được trưng tại sân bay Nội Bài?

Trong danh mục các sản phẩm thú hoang được phép buôn bán của CITES (Công ước Quốc tế về Buôn bán các Động -Thực vật Hoang dã Nguy cấp) có cả ngà voi và sừng tê giác. Ở một số nước châu Phi, ngà voi và sừng tê giác được phép khai thác ở mức độ nhất định.

Nếu vậy TRAFFIC tiến hành các cuộc điều tra toàn cầu, trong đó có nhắm đến Việt Nam, việc buôn bán thú hoang nói chung và ngà voi, sừng tê giác nói riêng để làm gì?

Như tôi nói ở trên, vấn đề là kiểm soát nạn buôn bán bất hợp pháp, kiểm soát nạn khai thác thiếu bền vững khiến các loài bị tuyệt chủng hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Nếu kiểm soát và ngăn chặn được các hoạt động bất hợp pháp, nguy cơ tuyệt chủng các loài sẽ được cải thiện hẳn.

Tôi lấy ví dụ về tê giác. Tại một số nước châu Phi và châu Á, nơi có ý chí chính trị và các chương trình bảo tồn hiệu quả, quần thể tê giác đều có dấu hiệu tăng.

Ở Việt Nam, TRAFFIC điều tra cái gì?

Chúng tôi phối hợp với toàn vùng Đông Nam Á, châu Á, và toàn cầu, chứ không làm riêng ở Việt Nam. Tuy nhiên, với ngà voi và sừng tê giác, Việt Nam là một trong những trọng điểm điều tra, một trong những điểm nóng về trung chuyển và tiêu thụ.

Chúng tôi muốn tìm hiểu xem nhu cầu tiêu thụ ở Việt Nam đối với ngà voi và sừng tê giác là như thế nào. Tại Việt Nam, chúng được tiêu thụ là chủ yếu hay chỉ là điểm trung chuyển.

Các anh điều tra chưa và kết quả ra sao?

Tất cả mới là bước đầu và cũng bước đầu nhận định, với ngà voi, Việt Nam chủ yếu là điểm trung chuyển. Chẳng hạn, vụ bắt hai tấn ngà voi cách đây mấy ngày ở cảng Hải Phòng, được biết là trên một chiếc tàu từ Kenya về và định chuyển sang Trung Quốc. Còn với sừng tê giác, có cảm giác Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ lớn.

Bày thú rừng giữa sân bay Nội Bài ảnh 3
Sừng tê giác bị tịch thu - Ảnh: Đặng Tất Thế


Báo cáo cuối năm ngoái của TRAFFIC và IUCN (Liên minh Bảo tồn Quốc tế) cho rằng nạn săn bắt tê giác ở châu Á và châu Phi có vẻ tăng vọt?

Buôn bán chủ yếu đáp ứng nhu cầu sừng tê giác ở châu Á. Thị trường châu Á làm gia tăng nạn săn bắn trộm tê giác. Bọn trộm dùng cả thuốc mê thú y, thuốc độc, cung nỏ, và cả vũ khí cỡ lớn để giết tê giác.

Từ năm 2006, có tới 95% vụ săn bắn tê giác ở châu Phi xảy ra tại Zimbabwe và Nam Phi. Nghiêm trọng nhất là tại Zimbabwe, trong khi số lương quần thể tê giác ngày càng giảm, chỉ 3% số vụ săn bắt tê giác bất hợp pháp ở nước này được xử lý hình sự.

Tại cuộc họp lần thứ 15 của các bên tham gia CITES tổ chức hồi tháng ba vừa qua, tình trạng quần thể tê giác ở Việt Nam cùng hai nước châu Á khác là Malaysia và Indonesia cũng được cảnh báo là đang bị đe dọa.

Đặc biệt, các chuyên gia bảo tồn quốc tế đều chia sẻ quan điểm cho rằng hầu hết sừng tê giác từ Nam Phi được đưa đến các thị trường Đông Nam Á và Đông Á chủ yếu để làm thuốc. Việt Nam và Trung Quốc đứng hàng đầu danh mục này.

Báo cáo đề cập đến Việt Nam như là một trong những trường hợp cần quan tâm đặc biệt, với việc lưu ý rằng một số công dân Việt Nam làm việc ở Nam Phi, gần đây, đã được xác định trong các cuộc điều tra về tội phạm liên quan đến tê giác.

Tại sao TRAFFIC lại tổ chức trưng bày ở sân bay quốc tế Nội Bài vốn rất đắt đỏ về thuê mặt bằng mà không làm chỗ khác?

Sân bay thường là các điểm vận chuyển bất hợp pháp thú hoang trên toàn cầu và là địa điểm lý tưởng để nâng cao nhận thức cho công chúng, nhất là công chúng có mức thu nhập trung bình trở lên, nhóm được cho là khách hàng chủ yếu tiêu thụ các sản phẩm thú hoang.

Cũng như các nước Đông Nam Á khác, mấy năm gần đây, Việt Nam trở thành nơi cung cấp, đồng thời là thị trường tiêu thụ các sản phẩm thú hoang bất hợp pháp, với các mạng lưới trải rộng toàn cầu.

Nội Bài là sân bay quốc tế lớn nhất miền Bắc, phục vụ gần bốn triệu hành khách mỗi năm và được chọn làm địa điểm chính của cuộc chiến chống buôn bán thú hoang bất hợp pháp.

Chính vì thế, đắt mấy chúng tôi cũng cố gắng làm bằng được. Và việc thương thảo thành công địa điểm tổ chức cho thấy quyết tâm to lớn của Chính phủ Việt Nam trong sự nghiệp này.

Ngoài TRAFFIC với tư cách là cố vấn kỹ thuật của triển lãm, còn có Bộ Giao thông Vận tải, Tổng Công ty Hàng không Miền Bắc, Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT), Cảnh sát Môi trường. Tham gia còn có Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) và, đặc biệt là, cả Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có như thế, chỉ với khoản tài trợ 35.000 USD của DANIDA và khoảng 8.000 USD của Intrepid Travel, chúng tôi mới thực hiện được Chiến dịch Truyền thông về Buôn bán Thú hoang (Wildlife Trade Campaign) kéo dài năm năm này.

Được biết, một áp phích quảng cáo của hãng Golden Eye kích thước 3x4m đặt trong sảnh sân bay Nội Bài phải trả 30.000 USD/năm rồi.

Ban tổ chức có định tập trung “khai mở” nhóm hành khách nào? Hay cho tất cả các đối tượng, giàu nghèo?

Để bày sản phẩm của sáu loài thú hoang, có một chỗ duy nhất của phòng chờ là chân cầu thang cuốn đi lên phòng giải khát ở tầng trên. Nơi đấy, chủ yếu phục vụ khách có tiền. Chúng tôi định tập trung trưng bày chỗ đó các sản phẩm của hổ, tê giác, và gấu. Sau đó là các sản phẩm ngà voi, tê tê, và móng vuốt.

Chúng tôi hy vọng nâng cao nhận thức cho hành khách cả trong nước và quốc tế về các văn bản luật pháp bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam. Đây sẽ là nội dung quan trọng giúp ngăn chặn hoạt động buôn bán bất hợp pháp và không bền vững, khiến nhiều loài ở Việt Nam và Đông Nam Á đứng bên bờ tuyệt chủng.

Quốc Dũng
Thực hiện

MỚI - NÓNG