BCĐ Phòng chống tham nhũng họp 3 tháng một lần với các cơ quan báo chí

BCĐ Phòng chống tham nhũng họp 3 tháng một lần với các cơ quan báo chí
Báo chí có vai trò quan trọng, góp phần bảo đảm thắng lợi công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN); cần cụ thể hoá cơ chế phối hợp thông tin giữa Văn phòng BCĐ với các cơ quan thông tấn, báo chí về công tác PCTN nhũng và quy chế Giải báo chí quốc gia hàng năm về đề tài PCTN.

Trên đây là kết luận của đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo) tại hội nghị chiều 17/12 giữa Văn phòng Ban chỉ đạo với lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo Ban tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chủ trì hội nghị.

Theo Báo cáo của Văn phòng ban Chỉ đạo: Năm 2007, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được cả hệ thống chính trị triển khai thực hiện. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý đã tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.

Các cơ quan thanh tra đã tiến hành 8.601 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội và chuyên ngành; đã kết thúc 5.904 cuộc; phát hiện sai phạm với tổng giá trị 2.870,8 tỷ đồng, 1,24 triệu USD, 1.371,1 ha đất; đã kiến nghị thu hồi 1.200,1 tỷ đồng, 0,7 triệu USD, 880,3 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật 1.464 cán bộ, công chức; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 52 vụ với 89 đối tượng và nhiều tập thể có sai phạm.

Năm 2007, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai kiểm toán 70 cuộc, phát hiện, xử lý về tài chính 1.519,3 tỷ đồng. Các bộ, ban, ngành, các địa phương đã phát hiện 441 vụ, khởi tố 406 vụ với 826 bị can về các tội danh tham nhũng, xử lý hành chính 306 đối tượng; các vụ việc còn lại đang được xem xét để xử lý.

Việc chủ động phát hiện và xử lý tham nhũng từ các cơ quan, đơn vị chưa đạt yêu cầu. Các vụ việc, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý đều từ sự tố cáo của nhân dân, của cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và báo chí.

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí khi tham gia đấu tranh PCTN còn bộc lộ một số non kém, nhược điểm cần khắc phục là: Còn có một số thông tin không chính xác, nóng vội, suy diễn; khoét sâu các yếu kém, phơi bày nhiều tiêu cực mà chưa quan tâm tới các giải pháp phòng ngừa, đôi khi lộ lọt những thông tin bí mật...Còn ít tin bài về những nhân tố mới trong PCTN.

Tham luận của các cơ quan thông tấn, báo chí và các bộ, ban ngành...tại hội nghị đều khẳng định: Báo chí đã đi tiên phong trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tham nhũng; vừa tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN vừa tích cực phản ánh, tố giác các vụ việc, hành vi tham nhũng; tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, hành vi tham nhũng...qua đó đã chuyển tải tới nhân dân và bạn bè quốc tế về quyết tâm, hiệu quả công cuộc đấu tranh PCTN của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Tồn tại của cơ quan báo chí là: Còn lạm dụng thông tin về các vụ việc tham nhũng, tiêu cực dẫn tới xâm phạm đời tư của cá nhân; còn có thông tin không chính xác, gây dư luận không tốt như một số thông tin trên báo chí khi đưa tin vụ án ở PMU 18 (trong năm 2006); cá biệt, có phóng viên lợi dụng chống tiêu cực để trục lợi đã bị pháp luật xử lý. Báo chí chưa chú trọng phản ánh các giải pháp về phòng ngừa tham nhũng; biểu dương nhân tố mới trên mặt trận PCTN.

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng khẳng định: Tuy còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực thông tin về PCTN, nhưng vai trò của báo chí rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Báo chí đã thể hiện là công cụ sắc bén của Đảng, Nhà nước trên mặt trận bảo vệ kỷ cương pháp luật; bằng nghiệp vụ của mình, báo chí đã làm cho nhân dân hiểu và tin tưởng vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta là kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; tăng cường kỷ luật Đảng, kỷ cương pháp luật và qua đó củng cố sức mạnh của cả hệ thống chính trị; chống tham nhũng để bảo vệ thành quả của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Để tăng cường hiệu quả PCTN, trong năm tới: Ban chỉ đạo Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo sẽ thực hiện quy chế 3 tháng một lần họp với các cơ quan báo chí để thông báo tình hình đấu tranh PCTN và họp đột xuất khi cần thiết; phối hợp trao giải thưởng quốc gia về đề tài PCTN; thực hiện tốt cơ chế người phát ngôn của Ban chỉ đạo về PCTN các cấp; biểu dương, khen thưởng tác giả, cơ quan báo chí và cá nhân, đơn vị có thành tích trên mặt trận PCTN.

Theo Hồng Quân
TTXVN

MỚI - NÓNG