Bên lề cuộc hội La Hay

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Tổng thống Obama bên lề hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Tổng thống Obama bên lề hội nghị
TP - La Hay sáng 24/3 lạnh, dịu bặt màu xanh tiết cuối nhưng vẻ khẳng khiu xương xẩu mang lại một sắc thái đặc biệt của cố đô Hà Lan. Bởi ngó kỹ trong đám tưởng như khô khẳng đó thì cành nào cũng đều đương mưng mưng nụ chỉ vài bữa nữa sẽ bật lóe mầm xanh.

Không gian chốc chốc lại rền vang âm thanh trực thăng vũ trang chiếc cao, cái thấp lượn trên không gian La Hay dường như đương tố cái sự kiện thành phố thanh bình bữa nay có việc trọng khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh về hạt nhân. Sáng kiến của Tổng thống Hoa Kỳ Obama ấy được thực thi thành công với cuộc họp lần đầu ở Washington.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã sớm nhận được giấy mời trực tiếp từ Tổng thống Hoa Kỳ tới Washington cùng ngồi với hàng chục nguyên thủ để dự bàn việc trọng kiểm soát an ninh hạt nhân gìn giữ hòa bình toàn cầu. Hội nghị lần 2 tháng 4/2012 tại Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun Hye cũng đánh giấy mời sớm gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang dự. Và bữa nay Thủ tướng Việt Nam đến La Hay dự Hội nghị lần 3 cũng theo thư mời của ngài Thủ tướng Hà Lan.

Cũng nói thêm trước đó, ngày 21/3/2014, các quan chức cấp cao về an ninh hạt nhân đã họp tại La Hay nhằm hoàn tất công tác trù bị cho Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Hạt nhân. Đoàn Việt Nam gồm đại diện Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) do ông Hoàng Chí Trung, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao làm Trưởng đoàn.

Có lẽ đến một hay những thời điểm thích hợp, những sự cần mẫn vì lợi ích quốc gia với rất nhiều chuyện cùng chi tiết bất ngờ, thú vị- na ná như một thứ giải mật vậy của bộ phận giúp việc Thủ tướng sẽ lần lượt được mang ra trình làng, sẻ chia!

Nội dung chính của cuộc họp là xem xét dự thảo Thông cáo của Hội nghị Thượng đỉnh. Trong thảo luận, các nước bày tỏ sự ủng hộ và nhất trí cao đối với Dự thảo vì nội dung tương đối toàn diện, cân bằng, có các mục tiêu rõ ràng và tập trung, đề ra được những biện pháp cụ thể, đáp ứng được quan tâm và mong đợi của các nước. Dự thảo cũng đã thể hiện được quyết tâm của các nước trong việc tăng cường an ninh hạt nhân và ngăn ngừa khủng bố hạt nhân. Các quan chức cấp cao đã nhất trí thông qua Dự thảo để trình lên Hội nghị Thượng đỉnh xem xét.

Ngồi ở Trung tâm Báo chí ngay sát địa điểm họp, tôi ngó lên màn hình lớn đang đặc tả trực tiếp lễ đón khách của Thủ tướng nước chủ nhà. Để ý đến cái mái che cỡ lớn mé mặt tiền phòng họp. Chắc mới được dựng để phòng mưa, ngó giản dị hao hao như sản phẩm của hãng hiên Phú Thành bên ta?

Thủ tướng nước chủ nhà dong dỏng, trẻ trung, lịch duyệt bên giỏ hoa tươi cỡ đại tươi tắn đón khách.

Mỗi một nguyên thủ có hai cảnh sát sắc phục màu nõn chuối ngự xe phân khối lớn dẫn đường. Xe chở mỗi vị nguyên thủ như thế thường Bê mờ vê hoặc Au đì có khi là Mẹc.

Riêng sự xuất hiện của Tổng thống Hàn Quốc có 4 cảnh sát dẫn. Thời gian đón gọn ngắn là thế mà bà Tổng thống vẫn kịp chỉ vào giỏ hoa lớn nói điều gì đó với Thủ tướng Hà Lan. Ông Thủ tướng luôn thường trực nụ cười hân hoan trên gương mặt cũng kịp nói nhanh với bà Tổng thống điều gì đó rồi cả hai cả cười. Tôi thoáng nhớ trước thời điểm bà Tổng thống Hàn Quốc tới, ống kính truyền hình trực tiếp không chú mục vào chủ lẫn khách mà lia rộng ra bên vệ cỏ lối xe đi. Ngạc nhiên chưa, một đôi thiên nga bên nhau cùng giương cặp mắt vô tư lự về phía đám người xe ồn ã kia. Những thân phận bé bỏng mong manh như đôi sinh linh đương thỏa sức phổng phao trong bầu không khí môi trường tự nhiên hơi bị tuyệt vời của đất nước Hà Lan liệu có dính dáng gì đến chương trình nghị sự đang bàn thảo về vận mạng Trái đất của các nguyên thủ trong kia không nhỉ?

Đúng 3 giờ kém 5 phút, đoàn xe gồm 4 chiếc của Tổng thống Hoa Kỳ xuất hiện. Tổng thống Obama trước giờ khai mạc có dư 15 phút lướt qua một số nguyên thủ dự Hội nghị với phong thái tự nhiên cố hữu.

Nhưng điều bắt mắt không chỉ có trên màn hình…

Trong cuộc gặp xôm tụ quốc tế quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh hạt nhân này với sự tham gia của lãnh đạo 53 quốc gia (trong đó có 14 Tổng thống và 1 Vua, 16 Thủ tướng, 4 Phó Tổng thống và 2 Phó Thủ tướng), gồm các cường quốc hạt nhân và các nước có nhiều ứng dụng hạt nhân dân sự, lại có sự hiện diện của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), Chủ tịch Liên minh Châu Âu (EU), Giám đốc Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol)… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn tiếp nối Phong cách ngoại giao Nguyễn Tấn Dũng là tranh thủ song phương trong đa phương. Hình như ông đã sử dụng một phương tiện, một thông lệ của phương pháp ngoại giao nhưng sáng tạo, hiệu quả theo cách riêng của mình? (Cũng cần điểm lại những hiệu ứng tốt lành của phong cách ấy mà gần đây là cuộc gặp ngắn bên lề với TT Obama tại Campuchia nhân Hội nghị Cấp cao Đông Á. Với các yếu nhân Trung Hoa Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường bên lề ASEAN Nam Ninh. Cùng Lý Hiển Long nhân Shangri-La. Cuộc trò chuyện kiêm làm việc với Ngoại trưởng Hoa Kỳ ở Washington nhân đi dự phiên thảo luận chung khóa 68 tại Đại hội đồng LHQ. Tiếp đó là cuộc gặp hiệu quả cũng với ngài Ngoại trưởng Jonh Kerry nhưng với tư cách đại diện cho Tổng thống Hoa Kỳ tại Hội nghị CC ASEAN Brunei vv…).

Không rõ là theo quy định hay không hẹn mà nên, các nguyên thủ và đại diện của 53 quốc gia tầm 1 giờ chiều đã có mặt ở Phòng Chờ Lớn Trung tâm Hội nghị La Hay trước khi diễn ra thủ tục Lễ tân của nước chủ nhà.

Khoảnh sảnh hơi bị rộng rãi. Có sảnh lớn, có chỗ ngồi rộng ngồi hẹp và cả đứng. Lại thêm các góc khuất của Phòng Chờ Lớn như gọi mời, khơi gợi sự năng động tháo vát cùng tài năng của các chính khách trong việc gặp gỡ giao lưu?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thoáng chỗ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Rồi, chốc lại hiện diện nơi Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đang ngồi. Rồi lúc khác lại có mặt chỗ vị trí của Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon. Và những sải chân công việc cùng là mến khách của Thủ tướng Na Uy, Thủ tướng New Zealand, Tổng thống Kazakhstan, Thủ tướng Pakistan, Phó Thủ tướng CH Czech… Và kìa, khuôn mặt vốn thường cứ đăm đăm của Ngoại trưởng Nga Lavorov như sáng thêm với nụ cười khi đang tiến lại phía Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Trạng huống sinh động khác nhau của hàng loạt cuộc gặp song phương kề nhau liên tục trong khung cảnh đa phương như thế hoàn toàn chả phải là tình cờ, là ngẫu nhiên! Cũng cần phải ghi điểm cho những cá nhân và bộ phận giúp việc cho Thủ tướng lâu nay đã tổ chức thành công nhiều cuộc song phương trong đa phương như thế.

Và kìa, nhân vật hình như sắp đến thời điểm khai mạc Hội nghị mà Thủ tướng Việt Nam gặp là Tổng thống Hoa Kỳ Obama.

Cũng là cảm tính thôi, như lâu nay mỗi khi người phiên dịch ấy xuất hiện trong những cuộc ngoại giao là y như rằng cuộc đó là trọng là dấu ấn. Tôi đang nhắc đến ông Tạ Văn Thông người phiên dịch cho Thủ tướng trong cuộc gặp với Tổng thống Obama này.

Vẫn cố hữu phong thái duyên dáng gần như là bẩm sinh làm chủ trong mọi tình huống, trước những nhỡn lực của các chính khách cùng ngoại giao, Tổng thống Obama gần như kéo riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra để trò chuyện.

Tôi chợt nhớ lúc trên chuyên cơ, nhân có người hỏi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có chia sẻ với mấy anh em nhà báo chúng tôi về cuộc điện đàm với ngài Denis McDonough, Chánh Văn phòng Nhà Trắng. Các phương tiện truyền thông đã đề cập nội dung ngắn gọn của cuộc điện đàm mà Tổng thống Obama chỉ thị cho thuộc cấp mình thực hiện. Như hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và cùng tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư cũng như tăng cường trao đổi, tiếp xúc cấp cao.

Cuộc điện đàm mà như Thủ tướng bộc bạch là với thời lượng non tiếng đồng hồ ấy, công luận có cảm giác Thủ tướng Việt Nam dường như truyền thêm cảm hứng, thêm quyết tâm của việc Việt Mỹ khẳng định quyết tâm phối hợp chặt chẽ nhằm sớm kết thúc đàm phán TPP theo tinh thần tuyên bố chung Honolulu về một hiệp định thương mại toàn diện tiêu chuẩn cao của thế kỷ 21. Cuộc gặp hôm nay giữa Tổng thống và Thủ tướng Việt Nam, như sẻ chia của một người giúp việc cho Thủ tướng là cả hai cùng nhắc lại cùng khẳng định lại quyết tâm ấy. Và những trao đổi nhằm cân bằng lợi ích, tính đến trình độ phát triển khác nhau của các thành viên, dành sự linh hoạt thỏa đáng đối với các thành viên đang phát triển trong đó có Việt Nam.

Cuộc gặp ngắn bên lề này dường như tăng thêm hy vọng và quyết tâm của các bên mà chủ chốt là Hoa Kỳ cần có sự linh hoạt ưu tiên để Việt Nam sớm hội nhập và phát huy thế mạnh của mình ở sân chơi TPP.

Roterdam đêm 24/3/2014

Sáng 24/3/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng bắt đầu tham dự các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị. Cũng như các cuộc gặp gỡ song phương với lãnh đạo cấp cao các nước, dự kiến, trong 2 ngày tại Hà Lan, Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên chính thức của đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có lịch trình hoạt động rất sôi động, dày đặc, bao gồm 9 hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh, 8 cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo cấp cao các nước, và 10 hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Hà Lan.

MỚI - NÓNG