Bên nhà kỷ niệm A.Lincoln, nhớ người Việt đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ

Bên nhà kỷ niệm A.Lincoln, nhớ người Việt đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ
Người đầu tiên gặp Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln là Bùi Viện - một nhà canh tân lỗi lạc kiêm nhà kinh tế, nhà ngoại giao của Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

Chỉ khi nghe giới thiệu mới biết là xe đang đi dọc sông vì bít bùng những dãy nhà cao ngất án ngữ. Emili con đi cùng cha/…Đi đâu cha? Ra bờ sông Potomac... chợt ập về giai điệu của những câu thơ một thuở một thời!

Nơi nào bên Potomac mà Morison hóa thân trong ngọn lửa chói lòa sự thật năm ấy? Thôi có lẽ dịp khác khi khác? Tôi đang có chủ đích của mình. Xe quành xuống một khu nhà lồ lộ sắc sáng của đá hoa cương: Nhà kỷ niệm A.Lincoln.

Tòa nhà cao 18 m theo lối kiến trúc điện thần Hy Lạp. Hành lang trụ hình chữ nhật rộng khoảng 40 m dài khoảng 60 m có tất cả 36 trụ. Mỗi trụ cao 13 m. Đường kính đáy trụ 2 m. 36 cột trụ tượng trưng cho 36 bang của nước Mỹ khi A. Lincoln còn sống.

Trên đỉnh toà nhà có 48 bông hoa rủ xuống tượng trưng cho 48 bang của nước Mỹ khi khánh thành tòa nhà này. Tòa điện cao 6 m, tượng A. Lincoln trong tư thế ngồi được tạc bằng đá cẩm thạch trắng rất sống động.

Đây là kiệt tác của nhà điêu khắc Mỹ Danyl Flonz. Người thể hiện là hai anh em nhà Pizlily. Họ phải mất 4 năm để hoàn thành bức tượng này.

Năm 1911, Mỹ có hẳn một ủy ban kỷ niệm A. Lincoln  do Tổng thống tiền nhiệm Tafuto làm Chủ tịch. Năm 1914, công trình nhà tưởng niệm được khởi công và hoàn thành năm 1922. Người dẫn đường đưa tôi quành ra mé sau bức tượng.

Bia thì chả phải, nhưng trên một bức tường thâm thấp chĩnh chện những dòng Trong tòa điện này cũng như trong trái tim mọi người mà vì họ ông đã cứu cả Liên bang kỷ niệm về Abraham Lincoln được lưu giữ mãi mãi.

Phía nam là bức tường khắc toàn văn bài diễn thuyết Gettysburg. Trận đánh diễn ra năm 1863 sắp kết thúc cuộc nội chiến Nam - Bắc. 4 tháng sau, Lincoln đến thị sát chiến trường và có bài diễn văn này. Mặc dù là người chiến thắng, nhưng ông đau buồn vì nạn nhân chiến tranh là con người. Lincoln cầu nguyện cho hòa bình ...

Thế giới gặp nạn bởi tội ác mà những người làm ra điều ác phải chịu quả báo. Cho dù chúng ta nhận ra rằng chế độ nô lệ ở Mỹ là một trong những tội ác mà theo Thượng đế tội ác này là không tránh khỏi. Song nếu nó đã xảy ra trong khoảng thời gian do Thượng đế chỉ định thì bây giờ Ngài phải trừ bỏ tội ác này! 

Abraham Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, người từng được tôn vinh là nhà cầm quyền mẫu mực của đất nước thời đại mới. Người chủ trương xóa bỏ chế độ nô lệ và lưu lại lịch sử nước Mỹ Bản Tuyên ngôn giải phóng nô lệ, người lãnh đạo dân Bắc Mỹ chấm dứt cảnh nội chiến tương tàn thống nhất nước Mỹ để nước Mỹ thanh bình, phát đạt giàu có từ bấy đến nay.

Thế nhưng ông đã phải hứng chịu một cái chết hết sức thương tâm khi bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 mới non 1 tháng. Đêm 14/4/1865, A. Lincoln cùng vợ đang xem vở kịch Những người bạn Mỹ thì một diễn viên trong đoàn kịch, một kẻ điên cuồng thuộc phái chủ trương duy trì chế độ nô lệ đã nã một phát đạn vào gáy A. Lincoln.

Tôi chợt nghĩ tới một người Việt mình quê ở Thái Bình đã từng được A. Lincoln tiếp như một vị sứ thần những thông tin cũng như các cứ liệu hẵng còn đang sơ sài trong cuốn Bùi Viện và Chính phủ Mỹ của nhà sử học Phan Trần Chúc in từ năm 1945 và mới đây, NXB Văn hóa Thông tin in lại với cái tên Bùi Viện và cuộc duy tân của triều Tự Đức.

Hy vọng những cứ liệu của nhà sử học họ Phan là chính xác, thì trong thời gian tới, các nhà sử học sẽ tìm thêm trong khối tàng thư đồ sộ của Quốc sử quán triều Nguyễn, ngõ hầu bổ sung chỉnh lý thêm tư liệu về cuộc đời Bùi Viện, một nhà canh tân lỗi lạc Việt Nam cuối thế kỷ XIX.

36 năm trên ngai vàng, có lẽ quãng thời gian khiến vua Tự Đức đâm gần gụi và có giá trị hơn với hậu thế là thời gian mà Tự Đức cảm thấy bức xúc nhất là phải mau chóng canh tân. Vì thế ông vua đầy quyền lực này mới chấp thuận nhóm cải cách canh tân gồm những nhà nho thông tuệ lập ra nhằm mưu việc tự cường cho nước Việt.

Nhóm ấy gồm đủ người các giới. Có quan lại như Lại bộ thượng thư Nguyễn Tư Giản, tu hành như nhà sư Nguyễn Đức Thuận. Ngoại giao như Nguyễn Trường Tộ và có những người chỉ giữ một chức quan nhỏ như Bùi Viện.

Bùi Viện đậu tú tài năm Giáp Tý (Tự Đức thứ 17). Tầm mắt nhìn xa của Tự Đức đã đưa anh học trò thông minh làng Trình Phố (tổng An Bồi, phủ Kiến Xương, Thái Bình) lên thuyền sang Hương Cảng.

Tại đây, Bùi Viện đã gặp gỡ và quen thân với một viên sứ thần Mỹ (như đại sứ bây giờ) tại Hương Cảng. Vị sứ thần này rất thông thạo tiếng Hán bởi bố là người Mỹ, mẹ là người Trung Hoa.

Thế là ngôn ngữ Hán là sợi dây bền chặt để thắt tình thân ái giữa nhà du lịch kiêm nhà kinh tế, nhà ngoại giao của Việt Nam này. Mãi khi gặp vị sứ thần, Bùi Viện mới hay mới bừng tỉnh ra trên trái đất ngoài cái anh Phú Lãng Sa ra còn có một phần đất nữa là đứa con lạc loài của Âu châu mà có lẽ còn tiến hóa hơn Âu châu nữa.

Phần đất ấy là châu Mỹ. Qua người bạn sứ thần, Bùi Viện biết Hoa Kỳ trước đây là một nước yếu và cũng chịu cảnh chia rẽ Nam Bắc như Trịnh Nguyễn, nhưng đã xuất hiện một vị anh hùng cái thế thống nhất lại sự chia cắt ấy. Đó là Thống lĩnh Lanh Côn!

Không những thống nhất đất nước, ông còn mang lại cho Hoa Kỳ một cuộc sống thịnh vượng. Rằng Bùi Viện nên đến Hoa Kỳ càng nên phải gặp Lanh Côn ngõ hầu học hỏi những điều trị nước quí báu...

Bùi Viện được vị sứ thần bày vẽ cho nhiều thứ, mà thứ quý nhất là lá thư viết cho một người bạn vốn là người gần gũi với Tổng thống Abraham Lincoln. 

Lênh đênh trên chiếc tàu buôn ngoại quốc nhiều ngày đêm, Bùi Viện qua Nhật trú ở cảng Hoành Tân rồi lênh đênh tiếp để cập cảng Hoa Thịnh Đốn. Được thư giới thiệu, người bạn nọ của viên sứ thần đã nhiệt tình giúp đỡ Bùi Viện tạo điều kiện cho Bùi Viện yết kiến Abraham Lincoln.

(Cho đến bây giờ tôi vẫn không rõ trong những dòng sử ít ỏi về Bùi Viện không thấy chép chi tiết tới Hoa Thịnh Đốn thì Bùi Viện giao thiệp bằng thứ ngoại ngữ chi mà lưu lại Hoa Thịnh Đốn và đi thăm nhiều nơi phụ cận có tới hơn 1 năm).

Bùi Viện, một người mới của thế giới cũ không biết theo thông lệ, một người muốn đại diện cho nước mình để giao thiệp với một nước khác thì cần phải có thư ủy nhiệm của chính phủ mình.

Chao ôi, khi triều đình Huế phái đi, đã tâm niệm đã đau đáu trong những công vụ như thế này không được làm nhục mệnh vua lẫn quốc thể. Lại được đích thân vua Tự Đức ưu ái dặn dò sang xứ người, về tài chính đừng tùng tiệm mà họ nghĩ mình keo kiệt. Nói năng đừng quá khiến người ta thấy được cái kém cỏi của mình.

Từ vua đến các cận thần có ai nghĩ tới cái thư ủy nhiệm ấy? Nhưng A. Lincoln, bằng nhạy cảm của một nhà chính trị kinh tế tầm cỡ đã ngó thấy cái thứ mà Hoa Kỳ cần tìm cần có ở xứ Viễn Đông xa tít mù kia.

Abraham Lincoln, thời điểm ấy cũng biết được Hoa Kỳ đã chậm chân lắm trong vấn đề thuộc địa so với một số nước Âu châu như Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha... Vậy nên mặc dầu không có quốc thư, nhưng Lanh Côn vẫn vui vẻ tiếp Bùi Viện.

Nghe lời khuyên của vị Thống lĩnh, Bùi Viện lại lênh đênh lặn ngòi ngoi nước nhưng không kém phần hăm hở về xứ sở để xin quốc thư. Vua Tự Đức khi nghe Bùi Viện thuật lại đã thông hiểu ra, ngài còn tham khảo thêm ý kiến của nhiều nhà buôn phương Tây khi đó  bèn vui vẻ cấp quốc thư cho Bùi Viện.

Khư khư quốc thư như một vật báu, Bùi Viện lại lênh đênh vượt trùng dương... Không biết bao ngày đêm ròng rã theo hải trình cũ, khi đặt chân đến Hoa Thịnh Đốn, Bùi Viện choáng váng sững sờ khi nghe tin Thống lĩnh Lanh Côn vừa bị ám sát.

Bùi Viện có quốc thư trong tay mà lại hóa bơ vơ. Trong những dòng hiếm hoi còn lại về Bùi Viện, chắc nhiều người băn khoăn rằng tại sao có quốc thư mà Bùi Viện (không theo thông lệ quốc tế) đến gặp vị Tổng thống kế nhiệm sau Abraham Lincoln mà yết kiến?

Chao ôi, còn có biết bao khoảng trống về tiểu sử của Bùi Viện như thế? Và lịch sử nữa, giá như và giá như…!

MỚI - NÓNG