Bến Tre phải cấp nước nhiễm mặn cho sinh hoạt

TP - Sáng 19/2, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Cao Văn Trọng, cho biết nước mặn với độ mặn 1 g/lít đã bao trùm toàn bộ 155/164 xã, phường, thị trấn của tỉnh; chỉ còn một vài xã ở phía bắc nước mặn chưa bao trùm.

Độ mặn tại các cống lớn nội đồng đo được 2,5 - 5 g/lít; những điểm lấy nước của nhà máy cấp nước sinh hoạt cũng từ 1,1 – 6,6 g/lít. Từ tháng 1 đến nay, Bến Tre phải cấp nước nhiễm mặn trên 1 g/lít cho sinh hoạt của người dân. Với một số bệnh viện, khách sạn và doanh nghiệp cần nước ngọt hoàn toàn, tỉnh chỉ đạo dùng xe bồn chở nước từ thượng nguồn sông Tiền về cung cấp hàng ngày.

Các huyện ven biển Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú đang cực kỳ khan hiếm nước ngọt, với nước ít nhiễm mặn chở về bán có nơi đến 100.000 đồng/m3. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở NN&PTNT Bùi Văn Lâm cho biết, diện tích lúa đông xuân 2015-2016 chỉ xuống giống được 14.710 ha, đạt 92% kế hoạch; trong đó, đã bị thiệt hại do xâm nhập mặn 10.050 ha (thiệt hại hoàn toàn gần 4.000 ha). Cây ăn trái và hoa kiểng thu hoạch hàng năm nên chưa thống kê được.

Dự kiến từ cuối tháng 2, xâm nhập mặn còn gay gắt hơn. Để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân, Chủ tịch Cao Văn Trọng cho biết, đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm nước ở huyện Châu Thành với công suất một ngày đêm 30.000 m3. Dự kiến, có thể lấy nước thô trong tháng 3, hòa vào các nguồn nước khác để đảm bảo nước sinh hoạt cung cấp cho dân giữ độ mặn trên dưới 1 g/lít.

Giám đốc Bùi Văn Lâm cho biết thêm, tỉnh đã đắp hàng loạt đập tạm và nạo vét kênh mương để ngăn mặn, giữ ngọt nội đồng, tốn 70 tỷ đồng. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi chưa khép kín nên hiệu quả còn hạn chế. Bến Tre đang đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 80 tỷ đồng để tiếp tục đắp hàng loạt đập tạm khác. Một vấn đề nan giải lại phát sinh, khi đắp nhiều đập ngăn mặn thì nguồn nước tù túng trong nội đồng bị ô nhiễm, đặc biệt là dòng sông Ba Lai chảy giữa địa bàn tỉnh.

MỚI - NÓNG