Bên trong Hoàng cung Nhật

Nhật hoàng tiếp các nguyên thủ Tiểu vùng Mekong
Nhật hoàng tiếp các nguyên thủ Tiểu vùng Mekong
TP - Chiều 3/7/2015, tại Hoàng cung Nhật Bản, Nhật hoàng và hoàng tử Nhật Bản có cuộc  tiếp kiến Thủ tướng 5 nước Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. Phóng viên báo Tiền Phong đã may mắn có mặt trong cuộc tiếp quốc khách của nhà vua Nhật.

...Cũng cần nói ngay là trong nhóm báo chí tháp tùng nguyên thủ của 5 quốc gia, mỗi nước chỉ được cử 2 ký giả. Cái duyên may, có thể là hoạt động đặc biệt ấy tại Hoàng cung theo thông lệ, như một điển lệ nghiêm ngặt từ trước tới nay không được phép ghi âm lẫn ghi hình nên phóng viên chuyên trách Đức Tám TTXVN ( ảnh) đã nhường cái suất ấy cho người viết bài này?

Chúng tôi được phép đến Hoàng cung trước một tiếng. May mắn?  Hoàng cung Nhật Bản, nơi ở của các thành viên Hoàng gia Nhật nằm ở khu Chiyoda, một khu vực đặc biệt nằm ở trung tâm  Tokyo.

Bên trong Hoàng cung Nhật ảnh 1

Đoạn tường bao Hoàng cung

Bên trong Hoàng cung Nhật ảnh 2

Thế tùng trước Hoàng cung

Bên trong Hoàng cung Nhật ảnh 3

Hoàng cung,  trước là lâu đài của lãnh chúa Tokugawa, trị vì từ năm 1603 đến 1867.  Năm 1868 lãnh chúa này bị lật đổ, Thiên hoàng đã ra lệnh dời hoàng cung từ Kyoto về Tokyo và đóng đô ngay tại lâu đài này và cho mở rộng nguy nga tráng lệ. Đến năm 1888 cung điện này mới hoàn thành và được đặt tên là Kokyo. Trong chiến tranh thế giới thứ 2, lâu đài Kokyo bị phá hủy một phần lớn.  Mãi tới năm 1968,  mới được sửa chữa lại và có kiến trúc như hiện tại.

Hoàng cung, ngay chính với  người dân Nhật, cũng ít người được dớm bước đến mảnh đất vốn linh thiêng và bí ẩn này? Các  phóng viên không được phép ghi âm trong các buổi chụp hình tại cung điện. Thỉnh thoảng Hoàng gia Nhật lại tổ chức họp báo nhưng mọi chuyện đều được dàn dựng bố trí trước hết sức kỹ lưỡng. Các câu hỏi đều phải được duyệt trước… Chúng tôi, 10 nhà báo cộng với bộ phận lễ tân Hoàng cung, người của Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao cũng chưa đầy con số 15,  phải không dưới 3 lần được quán triệt một cách nghiêm khắc kỹ càng rằng, không được phép nói to làm ồn và điều này mới là khốn khổ của nghề nghiệp đây: Không được ghi âm, chụp ảnh mà tất thảy nếu muốn chỉ có nước ghi chép!

Và đây là những dòng tôi gõ lại trong mớ chữ nguệch ngoạc đã lia vội trong cuốn sổ tay.

Đội hình lướt đi trong lặng lẽ. Một  hành lang tối mờ sâu hun hút lát đá. Leo ba tầng lầu để đến đợi trong một phòng con. Cửa sổ buông rèm kín mít chắc trổ ra một khu vườn hoặc hồ? Mới lấy tay định hé rèm nhưng ngay lập tức được ngăn lại một cách thân ái. Phải đến gần 30 phút ngồi đợi… Lại đi tiếp. Lộ trình tụt xuống hai tầng thang gác. Lại tiếp hun hút một hành lang khác nhưng trải thảm êm ái. Hết hành lang. Òa ra một khoảng không với mái ngói màu xanh, những bức tường trắng và những cột màu nâu. Những dãy phòng bài trí theo cung cách mộc mạc khiêm cung đặc thù Nhật bổn là không lầu son gác tía lòe loẹt rườm rà.  Cảnh vật đồ đạc toát lên sức liên tưởng từ gam nâu trầm và cung cách bài trí như thứ nghệ thuật sắp đặt?

Lại tiếp một hành lang ngắn trải thảm. Đột ngột một phòng lớn rộng thoáng  thảm sàn màu cốm xanh. Tường nâu sáng. Vị trí trang trọng chỉ độc nhất một khung dài tờ tợ như bức tranh  không kính ngay ngắn trên đó là 7 tấm họa tiết hoa lá màu trầm chủ đạo trong trang trí của hoàng cung. Phía dưới là cái bàn dài rộng đặt ba lọ hoa. Bốn vị lễ tân cao to với thứ phẩm phục như kiểu áo đuôi tôm ba hàng cúc vàng  mỗi bên ba chiếc.

Một khoảng cửa rộng ăn kề với một cái hồ, nói như thế nào nhỉ, không sâu mà nước chỉ chừng lưng ống chân ăn thông với khoảng chênh lệch thoai thoải như một thứ đập tràn bên cạnh- kiểu thác trườn, chảy không tiếng động. Tokyo mấy bữa nay mưa liên miên. Khoảng hồ cùng thác trong màn mưa râm thâm và ba khối đá xám nhô trong khoảng hồ gợi không khí u tịch định thần.

Bên trong Hoàng cung Nhật ảnh 4

Mặt tiền Hoàng cung.

Bên trong Hoàng cung Nhật ảnh 5

Giản dị cổng chính Hoàng cung.

Về sau hỏi lại, thì ra chúng tôi đang có mặt trong tòa chính điện của Hoàng cung Nhật Bản. Những hoạt động chủ yếu của Hoàng thất cũng như các nghi lễ ngoại giao được tổ chức tại đây.

Tới lúc này xuất hiện hai người ăn mặc lịch sự lỉnh kỉnh những chiếc máy ảnh chuyên dụng đắt tiền. Được giới thiệu là hai phóng viên chuyên trách của Hoàng cung.

Lại chờ đợi trong im lặng.        

Lẩn mẩn nhớ lại, Thiên hoàng Chiêu Hoa (sinh 1901) là vị Thiên hoàng thứ 124 của Nhật Bản. Ông làm vua từ năm 1926 đến 1989. Cuộc đời vị hoàng đế này đã chứng kiến không ít sự kiện quan trọng trong lịch sử nước Nhật.

Quyền lực hiện tại của Hoàng cung Nhật Bản  vẫn là điều huyền bí? Mặc dù Hiến pháp Nhật năm 1947 quy định Thiên hoàng chỉ là “Biểu tượng của quốc gia, và cho sự hoà hợp của dân tộc”, chứ không có quyền lực chính trị. Nhưng hình như trên thực tế, khó lượng hóa những ảnh hưởng những chi phối sâu rộng quyền lực của hoàng cung cùng sự thành kính của người dân Nhật đối với Nhật hoàng?  Phải chăng dân Nhật ai cũng ý thức được vai trò đầu tàu của Chiêu Hòa Hirohito trong công cuộc tái thiết vĩ đại sau chiến tranh đã biến Nhật Bản trở thành một quốc gia dân chủ và những đột phá kỳ vĩ về công nghiệp, khoa học khiến thế giới ngạc nhiên và ngưỡng mộ.

Là một Thiên hoàng, ông cung là một nhà nghiên cứu khoa học chuyên ngành về sinh học. Ông qua đời năm 1989. Con trai kế vị, Hoàng thái tử Akihito lên nối ngôi chính là Nhật hoàng tại vị.

Tại gian chính điện này, hiếm hoi các cuộc tiếp kiến các nguyên thủ của Nhật hoàng.  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân đã hai lần được Nhật hoàng và hoàng hậu tiếp kiến tại đây. Lần 2006, 2013 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân, sau khi được tiếp kiến tại chính điện đã được mời sang Điện Phong Minh là nơi tổ chức những bữa tiệc lớn của Hoàng cung để dự tiệc trà với Vua và hoàng hậu Nhật Bản. Nhớ thêm, hoàng thượng và hoàng hậu cũng đã đích thân đến tận Nhà khách chính phủ để tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân dịp thăm 2014.

Bên trong Hoàng cung Nhật ảnh 6

Một ngách nhỏ trổ vào Hoàng cung.

Hình như Việt Nam có duyên nhiều với Hoàng cung Nhật? Tại gian chính điện này, Nhật hoàng đã trang trọng trao phần thưởng cao quý Huân chương Mặt trời mọc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.  Thủ tướng thời điểm đó cũng có mối thân tình mật thiết với Thủ tướng Koizumi như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bây giờ với Thủ tướng Shinzo Abe và phu nhân.  Đã đành là ngoại giao là chính trị vì lợi ích vì hòa bình ổn định giữa nhân dân hai nước và quốc tế. Nhưng như người ta vẫn nói, muốn yêu đất nước nào phải yêu con người cụ thể đất nước ấy? Mối thiện cảm của Nhật Bản với Việt Nam, tốc độ tầm vóc vốn vay ODA chắc chắn phải  có cái duyên hạphợp của những cú hích cá nhân.  Tôi nghĩ rồi đây, những cuộc điện đàm, những cuộc gặp chính thức và không chính thức hai thời Thủ tướng có lẽ sẽ được bạch hóa và giải mật trong đó có nhiều chi tiết sinh động của tầm và tài ngoại giao song phương?

Kia rồi. Nhật hoàng, khổ người nhỏ nhắn, tóc ngả bạc nhiều đang có những sải bước chầm chậm cùng Hoàng tử Akishino ra đón 5 nguyên thủ các quốc gia Mekong.

Tới bắt tay mỗi vị nguyên thủ, Nhật hoàng và hoàng tử đều dừng lại chuyện trò một lát.

Tới lúc này 5 chiếc ghế được mang ra.

Một cảnh tượng khá bắt mắt chưa gặp được ở đâu khiến tôi bẵng đi  việc lia bút. Là sau khi Nhật hoàng mời các vị an tọa còn ngài và con trai thì đứng. Mỗi khi ngài nói gì đó thì đằng sau các vị Thủ tướng đều có 5 người phiên dịch khẽ cúi và cũng khẽ nói để dịch lại. Khẽ, nhưng khi cả 5 phiên dịch đồng thanh phát ra ngôn ngữ của 5 quốc gia thì thứ hợp âm đó vang lên nghe là lạ…

Sau lúc chuyện trò thân mật, những chiếc khay đựng những ly rượu màu được đem ra. Nhật hoàng, hoàng tử và các nguyên thủ đều tản ra để tiếp tục cuộc trao đổi chuyện trò. Để ý sau lúc cụng ly và chuyện trò một lát với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Nhật hoàng nhường chỗ cho Hoàng tử Akishino lúc này đang đứng bên… Không biết hai vị chuyện trò trao đổi những gì nhưng tôi đang nghĩ đến cái duyên Việt của Hoàng cung Nhật Bản. Hoàng tử, Tiến sĩ Akishino là một chuyên gia đầu ngành Điểu học ở Nhật. Là người say mê nghiên cứu về động vật. Kế tục sự nghiệp của cha, hoàng tử là một chuyên gia về cá da trơn đồng thời cũng là người đam mê về “Điểu học”, từ những năm 1993, 1994 ông đã tham gia nghiên cứu thực địa tại Indonesia, Trung Quốc về các loại gà. Năm 2012 ông đã có cuộc thăm và làm việc dài ngày ở Việt Nam

Tháp tùng Hoàng tử có các giáo sư tại Đại học Tokyo, Đại học Osaka, Bảo tàng dân tộc học Quốc gia, Trung tâm Văn hóa Di tích, Bảo tàng và vườn thú Okinawa, các vị cố vấn, văn phòng nội các, văn phòng hoàng cung, cảnh sát hoàng cung và đại diện cơ quan báo chí, truyền thông của Nhật Bản.

Ông đã tới thăm Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Hoàng tử đặc biệt quan tâm đến Bảo tàng động vật của trường hiện lưu giữ, trưng bày hơn 2.000 tiêu bản các động vật quý hiếm của Việt Nam cũng như trên thế giới. Đặc biệt Bảo tàng còn lưu giữ tiêu bản cá bống do chính Nhật hoàng tặng Việt Nam trong một nghiên cứu tại Cần Thơ từ năm 1974. Hoàng tử Akisino đã tặng Bảo tàng 1 tiêu bản gà quý hiếm tại Nhật Bản để trưng bày và phục vụ nghiên cứu khoa học.

… Cuộc tốc ký của 10 ký giả Tiểu vùng Mekong kết thúc. Đằng sau chúng tôi là Hoàng cung và cuộc tiếp kiến quốc khách tại gian chính điện vẫn tiếp tục. 

Tòa chính điện, nếu trong con mắt của những đại gia (Việt chẳng hạn?) quen với thói bày đặt rườm rà lèn những chen đặc đồ gỗ, đồ sứ cùng các kỳ hoa dị thảo hẳn đến chốn này không khỏi buông nhận xét rằng quá sơ sài đơn giản? Mà chưa tường lẫn chưa ngộ phong cách khiêm nhường từ cung bậc tối giản đạt đến mức tinh xảo vô ngôn, thứ minh triết có sức lây lan của người Nhật?  

MỚI - NÓNG