Bên trong thành phố bị cách ly

Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa 3 bệnh viện Đà Nẵng và các khu vực xung quanh. Ảnh: Nguyễn Thành
Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa 3 bệnh viện Đà Nẵng và các khu vực xung quanh. Ảnh: Nguyễn Thành
TP - Tôi có lúc cũng chợt như mất cảm giác về thời gian, giữa thành phố duy nhất của cả nước đang trong vòng cách ly, phong tỏa này.

“ Có chết tao cũng ở đây”

Chiều, cái nắng quái xiên khoai thật oi bức. Mấy anh công an ngồi gác chốt phong tỏa cụm Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng nơi góc ngã ba Đống Đa - Quang Trung ngó chừng cũng đã thấm mệt, mồ hôi ướt đầm lưng áo. Có chiếc xe cấp cứu từ phía Bệnh viện Đà Nẵng chầm chậm bò ra. Lạch xạch nhấc mấy thanh chắn bằng sắt mở lối. “Lại người chết rồi!”. Tiếng mấy người đứng ngồi chờ chực trên vỉa hè gần đó, có lẽ chờ tiếp tế cho người nhà bên trong. Là bệnh viện đa khoa lớn nhất Đà Nẵng, đón hàng ngàn ca bệnh mỗi ngày từ khắp các tỉnh miền Trung, chuyện những chuyến xe 115 từ bệnh viện đi ra không còi hụ không có gì xa lạ. Ai đó kể, mới khi sáng có cô gái bị tai nạn giao thông vào cấp cứu, cũng được đưa về rồi…    

Lâu lâu, lại xuất hiện chiếc xe 115 dừng bánh làm thủ tục để chở bệnh nhân vào. Từ khi bị phong tỏa chống dịch COVID-19 kể từ 0 giờ sáng qua (28/7), chỉ những ca cấp cứu nguy kịch mới được nhập vào Bệnh viện Đà Nẵng. Một nhân viên trong bộ đồ cách ly trực sẵn gần đấy lập tức đeo bình phun thuốc khử khuẩn quanh chiếc xe.  

…Tôi đứng treo chân bên thằng bạn học từ thời cấp 2, mỗi đứa một bên hàng rào sắt cách ly, giữa cái nắng nực nội. Lúc nãy đi ngang đường, tình cờ thấy nó đứng trước nhà, bên trong vùng phong tỏa, sát cạnh hàng rào sắt. Nó vẫn nghiêm chỉnh bộ đồ bỏ áo trong thùng như đang đi làm, nhưng kỳ thực từ sáng sớm tới giờ vẫn chỉ nhấp nhổm đứng ngồi ngó ra. Nó là bác sĩ khoa Nhi Bệnh viện quận Hải Châu. Bệnh viện đang neo người, do một số y bác sĩ bị đưa đi cách ly sau khi tiếp xúc với ca bệnh COVID-19 đầu tiên tại Đà Nẵng mấy ngày trước.

“Anh em đang phải trực “giã gạo” liên tục, còn mình lại bị ngồi nhà thế này…”, nó càu nhàu. Hỏi nó, sao không tìm cách sơ tán ra ngoài trước giờ “giới nghiêm”, nó cười mếu: “Tại bà già quyết không chịu rời nhà đi đâu cả, bảo chết tao cũng chết ở đây! Đành chịu”. Giờ thì nó ở với mẹ và đứa con út trong vùng phong tỏa, còn vợ thì ở lại trực luôn tại Trạm Y tế phường Thuận Phước cách nhà chừng cây số. Nó bảo tình huống cách ly nghiêm ngặt thế này, chỉ có Chủ tịch thành phố mới có thể giải quyết cho nó về lại bệnh viện để làm việc.

Bên trong thành phố bị cách ly ảnh 1 Bệnh viện C cách ly đặc biệt
“Mới đứng lên được một chút, nay lại đổ bể thế này”

Nhưng nỗi bồn chồn nhất của bạn tôi, lại là chuyện con gái út chừng hơn tuần nữa sẽ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Liệu con cái nằm giữa vùng cách ly, phong tỏa thế này sẽ thi thố ra sao đây?!...

Vậy là từ 0h đêm 28/7, Đà Nẵng lại bước vào trạng thái cách ly xã hội đặc biệt như   mấy tháng trước. Nhưng giờ đây đến thời điểm này, trên toàn quốc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ chỉ “đơn độc” có mỗi Đà Nẵng! Trạng trái “bình thường mới” đã không còn, đúng hơn là tạm ngưng lại. Các chuyến bay, chuyến tàu, xe đã “bỏ qua” Đà Nẵng. Hồi trưa, ghé ga Đà Nẵng. Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Đà Nẵng Lê Văn Chiến đang chỉ đạo việc xuất tiền cho hành khách đến trả vé. Anh bần thần: “Mới đứng lên được một chút, nay lại đổ bể thế này!”. Chị Lê Thị Tuyến, Đội trưởng đội khách vận ga Đà Nẵng, chìa tôi xem tờ giấy viết tay. Trên đó ghi số hiệu của 11 chuyến tàu mà khách đã trả vé từ sáng đến giờ, lên tới 866 người, với số tiền phải hoàn lại cho khách là trên 300 triệu đồng. “Từ chiều tối nay, nhà ga đóng cửa, chỉ để lại một vài nhân viên phục vụ khách đến trả vé”, anh Chiến buồn bã nói.

Một bà cụ nhờ tôi lấy bút viết lại dãy số Chứng minh nhân dân giúp bà thật to trên mẩu giấy, để tiện cho việc vào quầy nhận lại tiền vé. Rồi bà cụ hấp háy mắt, hỏi nhỏ tôi vẻ bí mật: “Bây giờ tui tìm cách vào Tam Kỳ (Quảng Nam), rồi từ đó lên tàu vào Long Khánh có lọt không?”. Tôi gạt đi, khuyên bà ở lại, chứ đi kiểu đó là vi phạm pháp luật. Bà cụ rầu rĩ: “Giờ tui điện cho con trai từ Vũng Tàu chạy ra đón, nhưng cũng không biết có đi được không nữa. Con cháu tui ở Đà Nẵng đầy ra, ở 15 ngày cũng chả sao, nhưng sợ bao giờ mới hết dịch để về được nhà đây?!”.

Tôi thoáng chạnh lòng. Nhớ tới “Nhật ký phong tỏa bệnh viện” đọc lúc sáng trên facebook của bác sĩ Đặng Văn Trí hiện đang bị phong tỏa trong Bệnh viện C. Có đoạn thế này: “Đã 4 ngày đi qua, kể từ khi chúng tôi nhận được 3 chìa khóa và khi cả 3 cổng vào Bệnh viện đều đóng lại; dẫu biết là “tạm thời” nhưng tất cả đều chạnh lòng… Và, tất cả chúng tôi đều sống “cuộc sống 4 mới” để hoàn thành thiên chức thiêng liêng của các thầy thuốc là đánh thắng đại dịch COVID-19. Đầu tiên là “cách sống và làm việc mới”: Tất cả chúng tôi đều làm việc gần như là 24/24 và liên tục để sắp đặt và tái thiết lại môi trường làm việc mới khi chúng tôi làm việc trong môi trường khắc nghiệt hơn; đôi lúc cảm thấy “mất nhịp sinh học” và thoáng quên mất thứ ngày…”.

Loanh quanh thế nào tôi ra đến bờ biển Đông. Biển cũng đã bị phong tỏa, vắng ngắt. Khối tượng đá trắng “Mẹ Âu Cơ” của điêu khắc gia Lê Công Thành nơi công viên Biển Đông giờ đã bị chăng dây phía ngoài ngăn người xuống biển. Những sợi dây báo hiệu giới hạn bằng nilon mảnh và dài, gió biển như muốn hất tung. Sống cả đời ở Hà Nội, nhưng quê hương của ông lại chính ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, gần nơi mấy bệnh viện đang bị phong tỏa. Người nghệ sĩ lừng danh ấy đã tạ thế hồi đầu năm ngoái ở tuổi 87, khi chưa biết đến đại họa COVID đang hành hạ loài người như lúc này. Nơi công viên biển vắng ngắt, từng đàn bồ câu vẫn bay lượn như thường.

Đàn chim câu ấy từng do nghệ nhân chim câu người Đà Nẵng Phạm Tài Thu gây dựng và huấn luyện từ hơn chục năm qua, ngày ngày những cánh chim vẽ lên bờ biển Đông khung cảnh hòa bình tuyệt đẹp. Nay thì cha đẻ của bầy chim ấy cũng vừa mới rời xa đời sống này. Những con người mang đến vẻ đẹp cho cuộc sống đang dần mất đi. Như chính đời sống mỗi ngày bề bộn, thưa vắng nỗi an lành.

Bên trong thành phố bị cách ly ảnh 2 Công viên Biển Đông vắng
Như bao phen đương đầu bão tố

Tôi hôm qua có lúc cũng chợt như mất cảm giác về thời gian, giữa thành phố duy nhất của cả nước đang trong vòng cách ly, phong tỏa này. Khi chạy xe trên những đường phố vắng tanh, những hàng quán đóng cửa, những đám đông đeo khẩu trang và tách rời xa nhau hơn. Để chợt nhớ tới những đại lộ, vỉa hè đường phố hoang vắng và mất dần tăm tích giữa sương mù ký ức trong văn chương Patrick Modiano.  

Dù lệnh cách ly xã hội mới ban hành chưa đầy 24 tiếng đồng hồ. Gần nhà tôi có cái quán nhậu nho nhỏ, trong hẻm, không nhớ tên quán là gì. Đợt cách ly xã hội dịch COVID trước, ngoài quán có ghi mấy chữ “Quán vẫn bán mồi đem về” trên tờ giấy. Thế rồi sau đó quán hút khách hơn. Hôm qua chạy ngang, thấy dòng chữ kỳ lạ đó đã chính thức được đặt tên cho tên quán, trên bảng hiệu hẳn hoi.    

Đà Nẵng trong lịch sử luôn ở tuyến đầu. “Thuyết âm mưu” về nguồn chủng virus mới cố tình được đưa từ bên ngoài vào, nếu là thực, thì quả thật kẻ thù bên ngoài và bọn phản quốc trong nước đã chọn một nơi thật lợi hại, là Đà Nẵng. Trung điểm du lịch, trung độ cả nước với sức lan tỏa rất lớn. Đến chiều tối qua, con số bệnh nhân COVID-19 đã lên tới 22 ca chỉ trong vòng hai ngày, tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, nay lại thêm Quảng Nam. Hàng chục ngàn trường hợp F1, F2, rải khắp các khu dân cư…

Nhưng thành phố này vẫn đang trong tâm thế hết sức bình tĩnh, tuân thủ nghiêm mọi mệnh lệnh chống dịch. Như đã từng bao phen đương đầu bão tố nơi mảnh đất khắc nghiệt suốt chiều dài lịch sử. Bức tranh “Có thành phố vượt qua bão tố” lan truyền trên mạng xã hội, như một minh họa sống động về Đà Nẵng lúc này. Những đội đặc nhiệm tinh nhuệ của Bộ Y tế và các bệnh viện lớn cả nước hiện đã trực chiến tại Đà Nẵng. Bức ảnh đoàn y bác sĩ  của Bệnh viện Bạch Mai và Chợ Rẫy lặng lẽ tiến vào Bệnh viện Đà Nẵng từ sáng sớm qua đã gây cảm xúc mạnh cộng đồng mạng.

Và không chỉ Đà Nẵng, miền Trung, cả nước những ngày qua, và những ngày tới cũng bước vào cuộc chiến đấu mới, để chiến thắng. Dẫu sẽ cam go hơn nhiều so với những tháng ngày trước đó…

Đà Nẵng trong lịch sử luôn ở tuyến đầu. “Thuyết âm mưu” về nguồn chủng virus mới cố tình được đưa từ bên ngoài vào, nếu là thực, thì quả thật kẻ thù bên ngoài và bọn phản quốc trong nước đã chọn một nơi thật lợi hại, là Đà Nẵng. Trung điểm du lịch, trung độ cả nước với sức lan tỏa rất lớn. Đến chiều tối qua, con số bệnh nhân COVID-19 đã lên tới 22 ca chỉ trong vòng hai ngày, tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, nay lại thêm Quảng Nam. Hàng chục ngàn trường hợp F1, F2, rải khắp các khu dân cư… 

Đà Nẵng, 28/7/2020 

T.T

MỚI - NÓNG