Bến xe Hà Nội - “Năm cửa ô đón chào”!

Bến xe Mỹ Đình sau khi được mở rộng đã tạo diện mạo mới cho hoạt động bến xe tại Thủ đô. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bến xe Mỹ Đình sau khi được mở rộng đã tạo diện mạo mới cho hoạt động bến xe tại Thủ đô. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Các cửa ngõ phía Nam, phía Tây và phía Bắc đều có dự án xây dựng các bến xe khách liên tỉnh với diện tích lên đến 10ha/bến, đầu tư hiện đại. 

Quy hoạch và xây dựng bến xe nhằm giảm ùn tắc là điều đã được TP Hà Nội tính đến từ lâu. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên những năm qua ở Thủ đô rất ít dự án bến xe được nhà đầu tư quan tâm. Trong bối cảnh đó, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vẫn mạnh dạn đầu tư các dự án bến xe, từng bước hiện thực hóa một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XV đề ra “… đột phá trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đó chú trọng hạ tầng giao thông đô thị…”. 


“Cú hích” từ bến Mỹ Đình

Năm 2004, bến xe Mỹ Đình chính thức đi vào hoạt động. Lúc đó để di chuyển các tuyến xe khách từ bến xe Kim Mã về bến Mỹ Đình phải vận động, thuyết phục các doanh nghiệp vận tải mới chấp nhận di chuyển. Tuy nhiên, cũng có những nhà xe do e ngại bến mới, không có khách nên đã bỏ tuyến hoặc chuyển sang hoạt động ở bến mới. 

Khó khăn là vậy, nhưng chỉ vài năm sau, bến xe đã phát triển vượt bậc. Lượng hành khách đi lại nhiều hơn, nhu cầu mở tuyến cũng lớn hơn. Các doanh nghiệp làm ăn ở bến Mỹ Đình đều rất hiệu quả, với những con số ấn tượng về hành khách. Nhưng kéo theo đó bến xe Mỹ Đình đã bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu quá tải. Trong các dịp lễ, Tết, số lượng hành khách và xe đổ vào bến dày đặc, khiến cho việc điều hành giao thông hết sức khó khăn, diễn biến phức tạp về an ninh trật tự phía bên ngoài bến xe. 

Phục vụ 2,5 triệu lượt xe ra vào bến

“Năm 2014 các bến xe trên địa bàn thành phố do Transerco quản lý đã phục vụ trên 2,45 triệu lượt xe ra vào bến với trên 40,2 triệu lượt khách. Hiện nay, các bến đang tiếp tục được đầu tư nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tăng tiện ích cho khách hàng như: hành lang có mái che, ứng dụng công nghệ để quản lý xe ra vào bến, camera và thẻ kiểm soát tự động, thí điểm hệ thống bán vé từ xa, đặt chỗ”. 

Ông Nguyễn Huy Quang

“Giọt nước tràn ly”, tháng 9/2013, Chính phủ đã có văn bản giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp Bộ GTVT chỉ đạo Sở GTVT Hà Nội và các cơ quan chức năng của thành phố căn cứ các quy định của pháp luật, nghiên cứu ý kiến đề xuất của các cơ quan, đơn vị liên quan để có phương án quản lý các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh đến bến xe Mỹ Đình, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải.

Đầu năm 2014, sau nhiều lần họp bàn, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và của Transerco, “liều thuốc” giải cứu Mỹ Đình đã được bốc! Dự án mở rộng bến xe Mỹ Đình có tổng mức đầu tư 55 tỷ đồng, với diện tính tăng thêm 1,3 ha, nhằm xây mới bãi đỗ xe, sân đường, nhà dịch vụ bến… “Khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, bến Mỹ Đình sẽ trở thành bến xe khang trang, hiện đại, văn minh, sạch sẽ mang đến sự hài lòng cho cả các nhà xe và hành khách”, ông Nguyễn Huy Quang, Phó Tổng Giám đốc Transerco nói.

Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, hiện việc mở rộng diện tích bến xe đã xong, các đơn vị thi công đang hoàn thiện phần lắp đặt hạ tầng và làm đường ra vào. Đến 31/1 việc mở rộng bến xe sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Theo đó, từ 1/2 bến xe Mỹ Đình từ 19.000 m2 sẽ được mở rộng thành 32.000m2; công suất cũng từ 900 lượt xe/ngày được nâng lên 1.700 lượt xe/ngày. “Với diện tích và công suất này, bến xe Mỹ Đình sẽ đoạn tuyệt với căn bệnh quá tải kéo dài lâu nay”- ôn Toàn nhấn mạnh.

Bến xe Mỹ Đình sau khi mở rộng đã đạt tiêu chuẩn bến xe khách loại 1. Bến có cổng ra, cổng vào riêng; việc kiểm soát xe ra vào, đi lại trong bến được áp dụng công nghệ giám sát qua camera. Công nghệ và quy trình hoạt động mới giúp việc kiểm soát được hoàn chỉnh; cùng với đó taxi, xe ôm được bố trí đón trả khách ở khu vực đường riêng. 

“Chắc chắn tới đây Mỹ Đình sẽ thay đổi hoàn toàn từ chất lượng đến dịch vụ. Điều này cho thấy, nếu chúng ta quan tâm và đi trước một bước thì sẽ tạo ra những diện mạo tốt cho các bến xe”, ông Toàn nói.

“Năm cửa ô đón chào”!

Bến xe Hà Nội - “Năm cửa ô đón chào”! ảnh 1 Phối cảnh bến xe Yên Thường (Gia Lâm) đang được Transerco chuẩn bị đầu tư
Từ thực tế của Mỹ Đình cho thấy, việc quy hoạch, xây dựng bến xe để đi trước, đón đầu trong phát triển, mở rộng không gian đô thị là hết sức quan trọng. Đây cũng chính là vấn đề được Transerco quan tâm và chú trọng. Năm 2012, với sự quyết tâm, Transerco đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội cho phép được nghiên cứu, lập và thực hiện xây dựng 4 bến xe khách tại các điểm đầu mối, cửa ngõ đi vào trung tâm thành phố. 

Theo đó, các cửa ngõ phía Nam, phía Tây và phía Bắc đều có dự án xây dựng các bến xe khách liên tỉnh với diện tích lên đến 10ha/bến, đầu tư hiện đại. Điều đáng mừng là thành phố đã chấp thuận và giao cho đơn vị này nghiên cứu lập dự án để đầu tư xây dựng các bến xe khách liên tỉnh, gồm: Bến xe khách phía Nam (xã Duyên Hải, huyện Thường Tín), bến xe khách phía Đông (xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm) và bến xe khách phía Tây (xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức) bằng nguồn vốn tự huy động của Transerco. 

Về tiến độ triển khai các dự án, ông Nguyễn Huy Quang cho biết, năm 2015 sẽ tiếp tục triển khai chuẩn bị đầu tư các dự án chiến lược xây dựng mới các bến xe quy hoạch ở các cửa ngõ Thủ đô. Trước mắt Transerco sẽ tập trung huy động các nguồn vốn để xây dựng bến xe khách phía Đông (xã Cổ Bi). “Nếu được xây dựng và hoàn thiện bến xe trên sẽ góp phần giảm tải rất nhiều cho khu vực cửa ngõ phía Đông bắc Thủ đô. Bởi từ bến xe trên chạy về các tỉnh như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn hết sức thuận tiện”, ông Quang nói.

Ông Quang cũng cho rằng, khác với đầu tư vào đô thị, nhà cửa, đầu tư vào bến xe cũng khá rủi ro. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, đi trước đón đầu, Transerco đang cố gắng thực hiện để góp phần cải thiện giao thông đô thị, giảm ùn tắc cho các khu vực nội đô và cửa ngõ. 

Kết thúc năm 2014, ngoài các dự án nói trên, Transerco đã hoàn thành giải phóng mặt bằng nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông tĩnh như Yên Viên (Gia Lâm), Đền Lừ (Hoàng Mai), Tam Hiệp (Thanh Trì), Thanh Lâm (Mê Linh)… Đây thực sự là những bước đi đầy chủ động nhằm hướng tới những mục tiêu dài hạn cho chặng đường tiếp theo của doanh nghiệp này.

MỚI - NÓNG