Bệnh lạ ở Quỳ Hợp, Nghệ An

Bệnh lạ ở Quỳ Hợp, Nghệ An
Mấy tháng qua, người dân tại bản Nạt, Châu Cường, Quỳ Hợp, Nghệ An luôn sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi bởi gần chục người trong bản đang khỏe mạnh đột nhiên mắc những chứng bệnh kỳ lạ.
Bệnh lạ ở Quỳ Hợp, Nghệ An ảnh 1
Dòng suối chảy qua bản Nạt đang bị ô nhiễm 

Người thì mất ngủ triền miên; có người đứng ngồi cũng chẳng yên. Người bệnh sợ tiếp xúc, họ thơ thẩn đi quanh làng hoặc ra suối ngồi một mình.

Hội chứng lo âu

Từ TP Vinh, chúng tôi vượt hơn 100km về xã Châu Cường. Bản Nạt cách trung tâm xã khoảng 3 cây số. Những thửa ruộng bậc thang đã qua mùa gặt, hanh khô. Bản Nạt vắng hoe. Không khí lo âu bao trùm lên thôn xóm.

Trưởng bản Lương Văn Viện bảo: “Đã có 9 người mắc bệnh lạ. Mỗi người một kiểu nặng nhẹ khác nhau. Nhưng triệu chứng chung là tâm trạng bất an, mất ngủ kéo dài. Có người lên cơn suốt ngày nói lảm nhảm, đi lang thang trong đêm khuya”.

Con đường núi nhấp nhô dẫn đến căn nhà của anh Lộc Văn Hà. “Có lẽ chú ấy đi ra suối rồi. Mấy tháng nay thường vậy, đi ra suối ngồi một mình hàng giờ đồng hồ - Người anh vừa lui cui nhóm lò vừa kể - Ban đầu chú Hà thấy sợ hãi và lo lắng vô cớ, ăn uống thất thường nên sút cân, gầy rộc đi”.

Những đêm dài trằn trọc trên giường không thể chợp mắt được đã trở thành cực hình đối với anh Lộc Văn Hà từ 2 năm nay.

Bên cạnh, hoàn cảnh gia đình anh Vi Văn Tâm - Lương Thị Thịnh còn khổ hơn nhiều: Cả vợ lẫn chồng đều mang bệnh. “Một buổi chiều, anh ấy đi qua 8 nhà nhưng chẳng vào nhà ai. Trở về, đột nhiên tuôn ra những chuyện ma quỉ. Rồi từ đó sinh chứng bất an, lo lắng” - Chị Thịnh kể.

Nhiều đêm không ngủ được, anh Tâm hết loanh quanh trong nhà lại ra đường. Gần đây, hễ nằm hoặc ngồi một lát toàn thân đã mỏi nhừ, lên cơn co giật, đứng dậy thì lại hết. Đi viện, người ta chẩn đoán anh bị ức chế thần kinh, điều trị một tháng trở về bản Nạt, bệnh lại tái phát.

Bệnh lạ ở Quỳ Hợp, Nghệ An ảnh 2
Bệnh nhân Hà Quyết Thắng

Trong khi người chồng đang khốn đốn vì bệnh thì đến lượt vợ trở chứng. Chị Thịnh cảm thấy mệt mỏi, toàn thân đau nhức và khô cứng.

“Càng uống thuốc, cơ bắp tôi càng co quắp, cứng như que củi, rất khó cử động. Thêm vào đó nhiều đêm thức trắng, đầu cứ căng lên vì lo lắng. Không hiểu vì sao”. - Người đàn bà nghèo khổ cúi đầu buồn bã.

Ông Hà Quyết Thắng vừa đi điều trị ở Bệnh viện tâm thần Nghệ An về, đôi mắt thất thần kể: “Tôi đang làm lụng, sống bình thường thì bỗng một hôm thấy choáng váng, đau đầu. Mất ngủ triền miên không rõ lý do.

Vài năm nay tôi hay lo sợ. Sợ hãi cả những điều không rõ ràng. Ví dụ, nghe ai nói chuyện gì đó thì tôi cứ nghĩ là người ta đang nói về mình, sợ người ta làm hại mình. Mỗi ngày, nỗi sợ vô lý đó càng lớn dần, khiến tôi sợ run lên. Trong bản, nhiều người cũng mắc bệnh như tôi”.

“Những lúc đó ông thường làm gì ?” - Tôi hỏi ông Thắng. Ông yếu ớt nói: “Tôi muốn đi đâu đó cho yên ổn. Thậm chí có lúc tôi muốn tự tử”. Giấy ra viện cấp cho bệnh nhân Hà Quyết Thắng (ngày 13/2/2005) ghi: Loạn tâm thần phân liệt. Hiện tại, ông Thắng đang điều trị ngoại trú.

Chủ tịch xã Châu Cường Lô Văn Cầm nói: “Hôm trước tôi vào nhà một người quen, thấy anh này trần truồng đi lại trong nhà. Khi tôi xuất hiện, anh cũng chẳng thèm mặc quần áo và cũng không biểu lộ sự ngượng ngùng gì”.

Ông Cầm đưa tôi xem danh sách bệnh nhân mắc chứng bệnh này tại bản Nạt. Ngoài những người tôi vừa tiếp xúc kể trên, còn có: Lộc Văn Thoại; Vi Thị Mai; Vi Thị Thương; Lộc Văn Chung; Vi Thị Tâm. Tất cả có 9 người, độ tuổi từ 31- 45.

Vì sao?

Bệnh nhân Hà Quyết Thắng lý giải nguyên nhân gây bệnh một cách bí hiểm: “Đầu bản có một cây Bộp cổ thụ. Khoảng năm 2000 cây cổ thụ bị chặt hạ. Từ đó mới sinh ra căn bệnh này”(!?). Nhưng theo ông Lô Văn Cầm: “Khả năng do uống phải nguồn nước ô nhiễm, sinh bệnh”.

Báo cáo số 12 BC-UB ngày 22/11/2005 “v/v phát hiện các bệnh lạ tại bản Nạt” của UBND xã Châu Cường gửi cơ quan chức năng thì cho biết: “Phía tây bản Nạt giáp xã Châu Hồng, phía đông giáp khu vực khai thác quặng thiếc khe Đòi Liên Hợp, phía nam giáp khe nước chảy từ xã Châu Thành xuống.

Châu Cường là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135/CP của huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An. Dân số: 4.825 người. Mức thu nhập bình quân chỉ đạt 80.000đ/người/tháng. Số hộ đói nghèo chiếm 50,5% (theo chuẩn mới).

Qua kiểm tra thực tế bản Nạt nguồn nước bị ô nhiễm nặng. Tỷ lệ dân số mắc các loại bệnh là 21,43%. Đặc biệt trong vòng 3 năm nay xuất hiện một số bệnh lạ nghi bệnh tâm thần. Người bệnh có trạng thái tâm lý không ổn định, hoang mang và sợ sệt, da khô, người gầy yếu…

Đoàn kiểm tra của Trung tâm y tế huyện Quỳ Hợp tạm kết luận: Số bệnh nhân này phát sinh từ việc người dân sử dụng nước ô nhiễm để sinh hoạt, nguồn nước này tràn từ trên đồi xuống giếng nước ăn”.

Bí Thư Đảng ủy xã Quang Cảnh Dung cho biết thêm: “Dòng Nậm Huống bắt nguồn từ Châu Thành chảy về Châu Cường trước đây trong lành, nay đã chuyển màu đen, đục ngầu. Bởi thượng nguồn khai thác thiếc bừa bãi. Nước bị ô nhiễm chạy qua bản Nạt, dân trong bản sống cạnh dòng sông cũng bị vạ lây”.

Đứng trước “hội chứng lo âu”, chính quyền xã Châu Cường vừa ra sức tuyên truyền trấn an người dân bản Nạt vừa tổ chức cứu trợ những gia đình có bệnh nhân mắc bệnh “nghi là tâm thần”.

Kết quả xét nghiệm vi khuẩn nước (số 399/VSV/YTDP) của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Nghệ An (mẫu nước lấy tại bản Nạt) kết luận: Mẫu nước không đạt tiêu chuẩn vệ sinh của nước ăn uống và sinh hoạt.

Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân gây bệnh ở bản Nạt. Người dân bản Nạt nói riêng và xã Châu Cường nói chung vẫn đang nơm nớp sống trong nỗi lo.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.