Bệnh nhân nằm ghép, bệnh viện chờ xây

Không chỉ nằm ghép, tại BV Ung bướu TPHCM bệnh nhi còn nằm ở gầm giường. Ảnh: L.N
Không chỉ nằm ghép, tại BV Ung bướu TPHCM bệnh nhi còn nằm ở gầm giường. Ảnh: L.N
TP - Trong khi các khu đất dành để xây bệnh viện mới cỏ mọc um tùm thì tại các giường bệnh, 2-3 bệnh nhân vẫn chen nhau nằm chung một giường. Giải quyết quá tải bệnh viện ở TPHCM đang gặp không ít rào cản khi những dự án giảm tải cứ giậm chân tại chỗ kéo dài cả chục năm qua.

“Đứng hình”...11 năm

Các hành lang Bệnh viện Ung bướu TPHCM trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, gần như ken cứng bệnh nhân và thân nhân nuôi bệnh. Ở các khoa nội trú, 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường, có bệnh nhân nằm dưới nền nhà và điều trị trong...gầm giường. Chỉ cách bệnh viện này vài bước chân, khu 47 Nguyễn Huy Lượng là dự án “Khu khám bệnh và điều trị kỹ thuật cao” của bệnh viện Ung bướu vẫn hoang tàn. 11 năm nay án binh bất động như vậy.

Dự án ra đời vào năm 2004 do bệnh viện này làm chủ đầu tư có quy mô 7 tầng, gắn trách nhiệm giảm tải được UBND TPHCM phê duyệt với tổng đầu tư 46 tỷ đồng. 4 năm sau nó vẫn còn trên giấy, chỉ khác, lần này bệnh viện đã điều chỉnh mức đầu tư tăng lên hơn 76 tỷ đồng vì vật giá thay đổi. Mãi đến năm 2012, dự án vẫn “đứng im” nên bệnh viện xin hủy dự án lập lại dự án mới. Thời điểm này, UBND TPHCM quyết định giao Sở Y tế TPHCM làm chủ đầu tư thay bệnh viện. Sự thay đổi này cũng không sáng sủa gì hơn khi từ đó đến nay, dự án này lại vẫn giậm chân tại chỗ.

Ông Huỳnh Văn Biết- Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, năm 2014 sở đã được UBND TPHCM phê duyệt dự án với tổng kinh phí đầu tư là 204 tỷ đồng cho phần xây dựng cơ bản. Dự kiến tháng 10/2014 khởi công dự án nhưng sau đó “trục trặc”. Thế là dừng. Mới đây, theo ông Biết, Bệnh viện Ung bướu TPHCM trình kế hoạch đề xuất toàn bộ dự án sẽ chuyển sang phương án vay vốn kích cầu với tổng kinh phí lên 668 tỷ đồng. Theo đó, bệnh viện chia dự án thành 3 dự án nhỏ. Dự kiến tháng 10 tới dự án sẽ được khởi công. Hiện các thủ tục vẫn đang được giải quyết nhưng không ai dám chắc mọi thứ lại suôn sẻ.

Mịt mù...giảm tải

Hơn 10 giờ sáng 21/7, tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM vẫn đông nghẹt người. Bà Trần Thị Hồng, 67 tuổi ở Bình Thuận được người thân đưa đến khám từ 5 giờ sáng nhưng ngồi mỏi gối đến 10 giờ mới được gọi tên. “Bác sĩ còn nói giờ số người chờ thay khớp háng lên lịch mổ đã tới hàng trăm nên có thể phải chờ cả tháng”- bà Hồng thở dài.

Hình ảnh mệt mỏi, đợi chờ của bà Hồng là ví dụ thực tế cho khoảng 4 nghìn bệnh nhân đến thăm khám, điều trị nơi đây mỗi ngày. Và, nó đã kéo dài cả hơn chục năm nay nhưng chưa thể giải quyết được. Lãnh đạo bệnh viện này cho biết tình hình có khá hơn khi hai khoa vệ tinh của bệnh viện đặt tại Bệnh viện An Bình và Đa khoa Sài Gòn đã “gánh” bớt cho khoảng 200 bệnh nhân nơi đây mỗi ngày. “Tuy nhiên, diện tích bệnh viện chỉ chừng ấy, số giường kê cũng có hạn nhưng người bệnh thì ngày một đông nên quá tải vẫn quá tải”- người này nói và hy vọng rằng bệnh viện mới ở huyện Bình Chánh sẽ sớm khởi động để chuyển về đó mới chấm dứt cảnh “nằm ngang, nằm dọc” như hiện nay.

Thế nhưng, hy vọng đó còn rất mù mịt. Khởi động từ năm 2009, dự kiến đến năm 2011 sẽ động thổ nhưng đến tháng 4/2012, UBND TPHCM mới ký với Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa hợp đồng xây dựng - chuyển giao để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị xây Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình mới với tổng mức đầu tư dự kiến là 1.130 tỷ đồng, trên khu đất rộng 3,5 ha ở khu đô thị Nam thành phố thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Trở lại khu đất rộng hơn 5,5 ha, ở ấp Cây Dầu, quận 9, án ngữ trên mặt tiền xa lộ Hà Nội, nơi từ năm 2008 được “ấn” dùng để xây Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vẫn những tấm tôn bao quanh còn bên trong cỏ mọc um tùm. Hình ảnh này khiến nhiều người chạnh lòng khi thấy cảnh chen chúc đến ngộp thở tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM ở quận Bình Thạnh. Tháng 4 vừa qua, bệnh viện này dự kiến sẽ khởi công xây dựng, tuy nhiên, đến nay dự án vẫn án binh bất động. Lý do, theo Sở Y tế TPHCM, vì vướng thủ tục về vốn và lùm xùm nhiều câu chuyện về thiết kế, đấu thầu thi công.            

“Đất thì bỏ hoang, còn người bệnh và chúng tôi cứ mong ngóng dự án được khởi động nhưng khó quá. Các anh nói ngân sách thành phố không thiếu, nhưng mỗi khi chúng tôi đề cập đến dự án này thì Sở Y tế trả lời ngân sách thành phố không có. Vì vậy mà chúng tôi mới phải bỏ dự án cũ để xin chuyển sang dự án mới bằng nguồn vốn kích cầu”- Bác sĩ Lê Hoàng Minh- Giám đốc BV Ung bướu TPHCM khẩn thiết trong một cuộc họp với HĐND TPHCM bàn về dự án Khu khám và điều trị kỹ thuật cao vừa qua.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.