Bệnh nhi 6 tháng tuổi tử vong do bác sỹ tắc trách?

Bệnh nhi 6 tháng tuổi tử vong do bác sỹ tắc trách?
Ngày 11/5, cháu Lê Hoàng Sơn, 6 tháng tuổi, đã tử vong tại bệnh viện Bạch Mai sau 3 ngày nằm viện điều trị. Gia đình cho rằng, các bác sĩ đã chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chữa trị.
Bệnh nhi 6 tháng tuổi tử vong do bác sỹ tắc trách? ảnh 1
Bệnh án của cháu Sơn dày cả chục trang.

Chiều 15/5, bệnh viện Bạch Mai đã có buổi giải trình về ca tử vong này.

“Bác sĩ không cho uống thuốc” (?)

Trong cuộc trao đổi với phóng viên, anh Chiến (chú của cháu Sơn) cho rằng, khi nhập viện cháu Sơn chỉ được khám qua loa. Trong mấy ngày nằm viện, các bác sĩ chỉ cho bệnh nhân truyền nước, không dùng thuốc để chữa trị.

Cũng theo anh Chiến, khi bệnh nhân được đưa tới phòng cấp cứu, các bác sĩ không thường xuyên túc trực trong phòng để theo dõi diễn biến bệnh tình. Một điều nữa, sau khi cháu mất gia đình không được giải thích thoả đáng về nguyên nhân. Vì vậy gia đình đã có lời qua tiếng lại với phía bệnh viện.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó chủ nhiệm khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai (người được bệnh viện uỷ nhiệm giải trình), sau khi bệnh nhân mất, gia đình đã xin giữ hoặc sao bệnh án, nhưng bệnh viện cho rằng điều này là sai nguyên tắc nên không đồng ý.

Một số thành viên gia đình bệnh nhân đã to tiếng và bệnh viện phải mời công an phường đến giữ gìn trật tự, đồng thời thực hiện niêm phong bệnh án.

Bệnh viện tiếp tục giải thích cho người nhà của bệnh nhân đã mất: nếu có thắc mắc, cần phải giải phẫu tử thi mới có chẩn đoán cuối cùng... Gia đình không muốn thực hiện điều này và đã tổ chức mai táng cho cháu nhỏ sau đó.

Diễn biến bệnh quá phức tạp

Theo bệnh án, cháu Lê Hoàng Sơn, ở Mai Động, Hà Nội, nhập viện ngày 8/5/2006, lúc đó bệnh nhi đã ở ngày thứ 15 của bệnh. Trước đó, ngày 24/4, cháu bị sốt cao 40 độ C, co giật nên đã được gia đình đưa vào bệnh viện Thanh Nhàn.

Trong quá trình điều trị ở bệnh viện này, cháu đi ngoài 3-4 lần/ngày, phân nhiều nước. Cháu Sơn xuất viện sau 4 ngày nằm điều trị tại bệnh viện.

Sau khi ra viện, cháu đỡ đi ngoài nhưng vẫn sốt 38-39 độ C nên gia đình phải đưa cháu đến bệnh viện Thanh Nhàn khám lại. Ở đây cháu được bác sĩ điều trị cho uống thuốc Oracefal và Zitromax. Sau khi uống thuốc hai ngày, cháu nổi mẩn đỏ toàn thân nên gia đình ngừng cho uống thuốc, lúc này cháu vẫn tiếp tục đi ngoài.

Cháu bé nhập viện Bạch Mai với các triệu chứng sốt, đi ngoài nhiều (trên 10 lần/ngày) và nổi ban toàn thân. Các xét nghiệm ban đầu cho thấy: máu bình thường, bạch cầu không tăng; CRP (sơ bộ xác nhận nhiễm vi rút, vi khuẩn) âm tính.

Do bệnh nhân đã tiêu chảy đến 15 ngày và vẫn sốt nên đã được bác sĩ chỉ định làm thêm xét nghiệm về phân và cấy máu (để xác định có nhiễm trùng máu hay không).

Cháu bé được điều trị truyền dịch để hồi phục nước điện giải và dùng thuốc tiêu chảy, nhưng sau 1-2 ngày, bệnh càng ngày càng nặng (có ngày đi ngoài tới 40 lần). Đến 8h45 ngày 11/5, các bác sĩ trong khoa (bác sĩ Dũng cùng 4 bác sĩ khác) tổ chức hội chẩn.

Theo bác sĩ Dũng, lúc đó cháu bé trông rất khoẻ nhưng khám kĩ thì tình trạng rất nặng: chân tay lạnh, tim nhanh, da nổi vân tím, gan to, ban toàn thân, miệng tưa. Xem toàn bộ xét nghiệm thì thấy xét nghiệm nấm đường ruột dương tính (giải thích nguyên nhân tiêu chảy kéo dài).

Cho dù lúc đó đã có kết quả cấy máu là âm tính nhưng các bác sĩ vẫn tiếp tục thuyết phục gia đình cho cấy máu lần hai. Các bác sĩ đã quyết định cho dùng kháng sinh, sau khi chẩn đoán về khả năng nhiễm trùng và cho trợ tim mạch. Gia đình bệnh nhân được thông báo rằng, cháu bé đã ở tình  trạng rất nặng.

Đến 10h30, bệnh nhân bắt đầu suy hô hấp và đến 14h cháu mất. Chẩn đoán lúc mất là tiêu chảy kéo dài, nhiễm canidida đường ruột và có thể nhiễm trùng máu - chờ kết quả cấy máu. Vài ngày sau, cấy máu lần 2 có kết quả dương tính, trực khuẩn màu xanh có tên pseu aeruginosa (loại khuẩn rất mạnh).

Phía bệnh viện nói gì?

Bác sĩ Dũng cho rằng bệnh lí của bệnh nhân không có gì đặc biệt, không thể gọi là bệnh lạ. Tuy nhiên, diễn biến của bệnh có những điểm khác biệt đã làm cho các bác sĩ khó chẩn đoán, đưa ra phương thuốc chữa trị, nhất là mọi việc chỉ diễn ra trong vòng vài ngày.

Riêng triệu chứng phát ban đã khiến các bác sĩ rất khó trong việc xác định là ban dị ứng hay ban  nhiễm trùng nên không thể dùng kháng sinh lập tức.

Phía bệnh viện cũng cho rằng, không thể nói các bác sĩ thiếu quan tâm, bỏ mặc bệnh nhân khi quá trình diễn biến của bệnh nhân được ghi rất chi tiết. Chỉ qua 3 ngày, cuốn bệnh án của bệnh nhân đã dày tới vài chục trang, trong đó có rất nhiều xét nghiệm. Cũng theo ông Dũng, không phải bệnh nhân không được uống thuốc mà đã được điều trị bằng 5 loại thuốc và tất cả còn được ghi trong bệnh án.

Bác sĩ Dũng khẳng định, kết quả cấy máu lần hai đã làm cho mọi sự trở nên “rõ ràng”, tránh cho việc các bên đôi co mà không có bằng chứng thuyết phục. Theo đó, chỉ cấy máu dương tính mới là “chứng cớ” đầy đủ nhất để xác định được nhiễm trùng máu.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao kết quả của hai lần cấy máu lại khác nhau, bác sĩ Dũng cho rằng có thể do lần đầu vi khuẩn chưa vào máu hoặc có thể đã vào nhưng chưa đủ để biểu hiện ra, nhưng ông nghiêng về khả năng thứ hai.

Ông Dũng cũng khẳng định, bệnh viện sẵn sàng đón tiếp gia đình để giải đáp bất cứ thắc mắc gì liên quan đến ca tử vong. 

Theo Kim Tân - Hồng Hải
Dân trí

MỚI - NÓNG