Bệnh viện Bạch Mai vẫn quá tải bệnh nhân sởi

Bệnh viện Bạch Mai vẫn quá tải bệnh nhân sởi
TP - Ngày 25/4, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong ngày có thêm 2 bệnh nhi tử vong có liên quan đến sởi, nâng số tử vong lên 125 trường hợp.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đi kiểm tra tình hình điều trị bệnh sởi tại 3 bệnh viện (BV) gồm Nhi T.Ư, Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới T.Ư và tặng quà cho bệnh nhân nặng, bác sĩ, nhân viên y tế.

Tại BV Nhi T.Ư, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc BV cho biết, lượng bệnh nhân vào khám đã giảm hơn một nửa so với 10 ngày trước, khi Bộ trưởng lần đầu thị sát tại đây. Hiện mỗi ngày BV tiếp nhận 5-7 ca sởi nặng từ tuyến dưới chuyển lên, so với 30 trẻ thời gian trước.

Tính đến chiều qua (25/4), có 20 ca bệnh nhân mới nhập viện. BV còn 307 ca sởi đang điều trị, số tử vong do sởi, liên quan đến sởi giảm. Bộ trưởng yêu cầu thời gian tới BV phải tiếp tục thực hiện phân tuyến bệnh nhân, đặc biệt phải huy động mọi nguồn lực để cứu chữa cho bệnh nhân sởi nặng, hạn chế tối đa số tử vong.

BV Bệnh nhiệt đới T.Ư đang điều trị cho 75 bệnh nhân sởi, trong đó có 28 bệnh nhi, không còn bệnh nhân phải nằm ghép, hết bệnh nhân thở máy. Bộ trưởng đề nghị BV Bệnh nhiệt đới T.Ư thời gian tới phải tổ chức chỉ đạo tuyến, tập huấn cho các bệnh viện tuyến dưới về truyền nhiễm để giảm bệnh nhân ngay từ tuyến ban đầu. Ngày 25/4 có thêm 22 bệnh nhân mới nhập viện vì sởi.

Khoa Nhi (BV Bạch Mai), PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa cho biết, số bệnh nhân sởi tiếp nhận mới, ca nặng đang điều trị vẫn ở mức cao nhưng tình trạng quá tải đã giảm. Hiện khoa đang điều trị cho 79 bệnh nhân sởi, 8 ca nặng đang phải thở máy. Ngày 25/4 có 7 bệnh nhân mới nhập viện, trong đó có 3 ca chuyển từ tỉnh thành khác về. Máy móc và thuốc men hiện đầy đủ tuy nhiên bệnh nhân phải nằm ghép từ 2-3 trẻ 1 giường. Các bác sĩ còn phải kê thêm giường bệnh ra ngoài hành lang.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo tăng cường thêm 20 giường bệnh cho Khoa Nhi ngay trong chiều cùng ngày. Bà Tiến cũng chỉ đạo, sử dụng các loại thuốc tốt nhất bằng mọi giá để cứu sống bệnh nhi, đặc biệt cần theo dõi và chú ý cả dinh dưỡng cho trẻ.

Phú Yên: Phát hiện 2 ca đầu tiên mắc sởi

Ngày 25/4, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Ngọc, cho biết, Phú Yên hiện có 21 ca nghi mắc bệnh sởi, đã lấy mẫu 13 trường hợp gửi Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm, bước đầu phát hiện hai ca mắc sởi, 1 mẫu âm tính và 10 mẫu còn lại đang chờ kết quả. Hai trường hợp mắc sởi là anh Đào Thanh Hào (26 tuổi, ở xã An Hải, huyện Tuy An) và chị Nguyễn Thị Kiều Chi (27 tuổi, ở phường 2, TP Tuy Hòa).

Cao Bằng: Thị sát công tác phòng chống dịch sởi

Ngày 25/4, lãnh đạo ngành Y tế tỉnh Cao Bằng thị sát, kiểm tra công tác phòng chống dịch sởi tại một số cơ sở y tế trên địa bàn. Theo báo cáo, đến nay, toàn tỉnh có 27 trường hợp ở huyện Bảo Lâm, Thông Nông, Nguyên Bình, Quảng Uyên, Hòa An và TP Cao Bằng có dấu hiệu sốt phát ban, nghi sởi; trong đó có hai người lớn. Hai người này vừa từ Hà Nội trở về có dấu hiệu như sốt phát ban.

Kinh nghiệm chống sởi bằng đông y

Trước tình trạng sởi bùng phát, nhiều phụ huynh lo lắng, tuy nhiên theo bác sĩ Trần Văn Năm- Viện phó Viện Y học cổ truyền TPHCM cho biết, ngoài cách tiêm vắc- xin chủng ngừa, các phương pháp chống sởi bằng đông y dễ dàng mà đem lại hiệu quả.

Người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực y học cổ truyền cho rằng, ngoài phòng bệnh bằng vắc- xin, cũng có nhiều phương thuốc y học cổ truyền chữa trị hiệu quả. “Chúng ta có thể sử dụng các dược liệu thuộc 3 nhóm đặc tính sau: Nhóm kháng sinh thực vật có tác dụng hạ sốt, lợi tiểu gồm: Kim ngân hoa, cây sài đất, cỏ mực, cỏ mần trầu, gừng tươi, cây kinh giới, rễ tranh; Thứ hai là nhóm dược liệu có tác dụng tăng sức đề kháng như: Lá hoặc rễ cây đinh lăng, bố chính sâm, sâm đại hành, mạch môn, thiên môn; Và cuối cùng là nhóm thảo dược chống dị ứng như : Lá tía tô, rau má, bạc hà”- bác sĩ Năm nói. Về cách thức sử dụng, sử dụng 1 hoặc 2 loại dược liệu trong mỗi nhóm trên đem trộn đều với nhau. Mỗi vị dùng từ 15 – 20g tươi, đem thuốc nấu nước hoặc sắc uống trong ngày như uống nước bình thường bệnh sẽ giảm nhanh hạn chế các biến chứng.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.