Đến năm 2020:

Bệnh viện công sẽ không được cấp kinh phí

Chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
Chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
TP - Đến năm 2020 sẽ tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý và khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ y tế. Khi đó, các bệnh viện sẽ không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động như hiện nay mà sẽ dùng nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh.

Ngày 7/4, tại hội nghị cung cấp thông tin về điều chỉnh giá dịch vụ y tế gắn với lộ trình bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: Hiện giá dịch vụ y tế đang được tính với 3 yếu tố là chi phí thuốc, vật tư trực tiếp, chi phí điện nước, xử lý chất thải, chi phí duy tu bảo dưỡng thiết bị. Đến năm 2016 sẽ tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, năm 2018 sẽ thêm chi phí quản lý.

Ông Nam Liên cho biết, khi giá dịch vụ được tính đúng, tính đủ, các bệnh viện sẽ không còn được ngân sách cấp kinh phí hoạt động như hiện nay.

Bộ Y tế thừa nhận, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ gây ảnh hưởng nhiều nhất tới đối tượng không có thẻ BHYT. Hiện nay, giá thấp nên nhiều người không thuộc diện được hỗ trợ mua thẻ BHYT không tham gia BHYT mà tự bỏ tiền túi ra chi trả. Khi giá dịch vụ y tế tăng, bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn. Vì thế, tham gia BHYT sẽ được BHYT thanh toán một phần chi phí, tránh được rủi ro.

Như vậy, giá dịch vụ y tế tăng chỉ thực sự tác động mạnh đến những người chưa có thẻ BHYT, hiện chiếm khoảng 30% dân số cả nước, tương đương 27 triệu người.

Bệnh viện công sẽ không được cấp kinh phí ảnh 1 70 % người có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng. Ảnh: Thái Hà.

70% người có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng


Giá dịch vụ y tế tăng cũng không tác động nhiều đến một số nhóm đối tượng, trong đó có người cận nghèo. Cụ thể, người cận nghèo đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% để tham gia BHYT (hiện có 40% có thẻ BHYT.

Khi đi khám, đối tượng này được BHYT thanh toán 95%, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước ngày 31/12/2014 chỉ được hưởng 80%, đồng chi trả 20%) nên mức độ tác động không nhiều. Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% bị ảnh hưởng nhưng không nhiều vì nếu chưa tính đúng tính đủ bệnh nhân phải trả thêm một số khoản chi phí, nhưng khi tính đúng tính đủ thì người bệnh sẽ không phải trả những khoản này nữa.

Mặt khác, từ 1/1/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm trở lên khi đi khám chữa bệnh đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ bản thì chỉ thanh toán tối đa 6 tháng lương cơ bản.

Giá dịch vụ y tế tăng chỉ thực sự tác động mạnh đến những người chưa có thẻ BHYT, hiện chiếm khoảng 30% dân số cả nước, tương đương 27 triệu người. 

Trước việc giá dịch vụ y tế sẽ tiếp tục tăng, người dân đang rất lo lắng về gánh nặng kinh tế, chi phí khám chữa bệnh tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nam Liên, hiện nay khoảng 70% dân số đã tham gia BHYT nên dù giá dịch vụ y tế có tăng thì mức tác động từ điều chỉnh viện phí lần này không lớn. Những trường hợp phải đồng chi trả thì chỉ đóng thêm 5% hoặc 20% của số tăng thêm nên cũng không phải là gánh nặng quá lớn. Những nhóm đối tượng được BHYT thanh toán 100% đương nhiên không bị ảnh hưởng.

Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cho hay, trước đây, do giá dịch vụ y tế thấp, chưa quy định rõ nên nhiều trường hợp người bệnh phải tự mua hoặc thanh toán một số loại vật tư để thực hiện dịch vụ. Việc điều chỉnh giá viện phí lần này đã tính một số vật tư thông dụng, người bệnh không phải tự mua hoặc trả thêm nên giảm bớt thời gian, thủ tục hành chính phiền hà.

Cơ quan BHYT cũng thanh toán với mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của người bệnh có thẻ BHYT đối với các dịch vụ mà trước đây giá thấp, bệnh viện phải thu thêm của người bệnh phần quỹ BHYT không thanh toán.

Bệnh viện chịu áp lực lớn

Khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ, bệnh viện không được ngân sách cấp kinh phí hoạt động mà phải dựa vào nguồn thu của hoạt động khám chữa bệnh. Lúc đó, bệnh viện muốn tồn tại và phát triển được thì phải nâng cao chất lượng chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận: “Chúng tôi chịu áp lực rất lớn với sự thay đổi giá dịch vụ y tế. Bởi lẽ bệnh viện buộc phải nâng cao chất lượng hoạt động. Đây là vấn đề sống còn của bệnh viện, lấy bệnh nhân làm trung tâm vì nếu không có bệnh nhân sẽ không có nguồn thu. Ban lãnh đạo bệnh viện còn lo lắng từ 2 phía để làm sao vừa làm hài lòng bệnh nhân vừa nâng cao chất lượng đời sống cho nhân viên y tế”.

Bác sĩ Phạm Văn Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình chia sẻ: “Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cũng là áp lực để ban giám đốc bệnh viện siết chặt kỷ luật với mong muốn phục vụ bệnh nhân, những khách hàng đặc biệt được tốt hơn”.

MỚI - NÓNG