Bệnh viện phía Bắc tập huấn phòng dịch Ebola

Trung tâm kiểm dịch quốc tế giám sát thân nhiệt của khách nhập cảnh tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hải
Trung tâm kiểm dịch quốc tế giám sát thân nhiệt của khách nhập cảnh tại sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoàng Hải
TP - Ngày 13/8, Bộ Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tỉnh phía bắc về các biện pháp phòng chống, cách ly và xử lý khi có các trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola. 

Nội dung tập huấn tập trung vào giám sát bệnh dịch, chẩn đoán, điều trị và dự phòng. Trong đó mục tiêu của giám sát là cố gắng phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên dựa vào bệnh cảnh lâm sàng và yếu tố dịch tễ; đồng thời tiến hành xét nghiệm để chẩn đoán ca bệnh đầu tiên. 

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Giám đốc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, những người có nguy cơ nhiễm virus Ebola nhất là các bác sĩ, nhân viên y tế, người nhà chăm sóc bệnh nhân, người chôn cất tử thi, thợ săn… mà không được bảo hộ theo đúng quy định, nguyên tắc của ngành y tế.

Việc xét nghiệm phải được tiến hành trong các phòng xét nghiệm bảo đảm an toàn sinh học cao nhất (bậc 4), có áp lực dương trong các quần áo, trang bị cá nhân cho bác sĩ để phòng khi có sự cố, các sinh phẩm bắn ra ngoài mà không tiếp xúc trực tiếp với cơ thể người thực hiện xét nghiệm. 

TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, quan trọng nhất là dựa trên những hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC). 

Bộ Y tế sẽ tổ chức tập huấn cho hệ dự phòng biết cách lấy mẫu dự phòng (máu, dịch tiết của người bệnh) nghi ngờ có nhiễm virus Ebola và vận chuyển mẫu đúng cách để tránh lây lan bệnh cho cộng đồng cũng như nhân viên y tế. 

Sau đó chuyển các mẫu này về Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư và Viện Pasteur TPHCM để chuyển đi nước ngoài phân lập virus Ebola. Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn 1 (chưa có trường hợp mắc bệnh). Mục tiêu cơ bản của giai đoạn này là giúp cho hệ dự phòng giám sát chặt chẽ thông qua kiểm dịch biên giới, kiểm dịch cửa khẩu hàng không, cửa khẩu đường bộ và đường thủy.  

TS Kính cho biết thêm, bệnh do virus Ebola có triệu chứng rất giống triệu chứng của nhiều bệnh khác như sốt xuất huyết Dengue, bệnh do Streptococcus suis, aeromonas, nhiễm trùng do não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn, leptospira và sốt rét có biến chứng.

Tuy nhiên, với những dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng cập nhật thường xuyên, bác sĩ vẫn có thể dễ dàng phân biệt và nhận biết được bệnh do virus Ebola gây ra trong quá trình điều trị. 

Cảnh báo nơi nuôi động vật hoang dã

Ngày 13/8, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Công ước về buôn bán quốc tế các loại động thực vật hoang dã nguy cấp) đề nghị tiêu hủy ngay động vật hoang dã (ĐVHD) chết không rõ nguyên nhân, cách ly cá thể ốm yếu..., giám sát chặt ĐVHD nhập khẩu, nhất là từ châu Phi để kiểm soát dịch Ebola.

Cites Việt Nam cho hay, theo nghiên cứu của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), trên 70% các bệnh truyền nhiễm gần đây ở người có nguồn gốc lây lan từ ĐVHD (như hội chứng viêm đường hô hấp cấp-SARS, H5N1, AIDS...).

Đặc biệt, bệnh Ebola (hiện tỷ lệ chết trên 90%, đang bùng phát tại các nước trung và tây Phi, có nguy cơ lây lan sang các nước châu Á và Việt Nam) có nguồn gốc lây nhiễm từ các loài linh trưởng, cầy, dơi và chim di cư, do con người tiếp xúc trong quá trình săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, tiêu thụ.

Chủ động phòng ngừa tại cửa khẩu Lạng Sơn

Chiều 13/8, UBND tỉnh Lạng Sơn có văn bản số 814/UBND gửi các ngành chức năng địa phương, trong đó nhấn mạnh công tác ứng phó tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc.

Ông Hoàng Văn Hải, Tổ trưởng tổ Kiểm dịch y tế quốc tế cửa khẩu Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), cho biết: Tại cửa khẩu này, mỗi ngày có khoảng gần 1.000 người làm thủ tục xuất nhập cảnh. Đến nay vẫn chưa phát hiện ra trường hợp nào có thân nhiệt sốt cao trên 38 độ C. 

Cùng với các cửa khẩu khác trên địa bàn như: Tân Thanh, Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Chi Ma (huyện Lộc Bình), lực lượng Kiểm dịch y tế quốc tế Hữu Nghị trực 24/24 giờ, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ khách, phương tiện xuất nhập cảnh. 

Song song với việc phát huy tối đa các máy đo thân nhiệt đã được trang bị; đơn vị áp dụng tờ khai y tế đối với công dân 5 nước, gồm 4 nước khu vực tây Phi (Nigieria, Sierra Leon, Guinea, Liberia) và Hong Kong nếu họ quá cảnh qua Trung Quốc để vào Việt Nam. Kiểm tra, rà soát lại các phòng cách ly tại khu vực cửa khẩu, các phương tiện máy móc tiệt trùng cố định và di động tại khu vực.

Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Lạng Sơn cho biết, đơn vị tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mức độ nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết do vi rút Ebola, giúp người dân biết cách phòng dịch

Xử lý người tung tin dịch Ebola xuất hiện ở Việt Nam

Chiều 13/8, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một lãnh đạo Cục An ninh chính trị nội bộ (A83 - Bộ Công an) cho biết, thời gian gần đây, một số đối tượng đã tung tin đồn nhảm về dịch Ebola xuất hiện tại Việt Nam. A83 đã vào cuộc để làm rõ và xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.

Cũng trong hôm qua, Công an Hà Nội đã làm việc với Vũ Hương Thảo (23 tuổi) và Nghiêm Thùy Trang (30 tuổi, cùng trú tại Hà Nội) - chính là những người phát tán thông tin “Việt Nam đã có người nhiễm virus Ebola tại Bệnh viện Bạch Mai” trên mạng internet. Minh Đức - 

L.D

MỚI - NÓNG