Bếp tình thương ấm bụng dân nghèo

Suất cơm 5 nghìn đầy ý nghĩa. Ảnh: Huỳnh Thủy.
Suất cơm 5 nghìn đầy ý nghĩa. Ảnh: Huỳnh Thủy.
TP - Tạm gác những nỗi lo riêng tư trong cuộc mưu sinh mỗi ngày, các nhóm thiện nguyện ở Đắk Lắk đã chung tay, góp sức tạo nên những bếp ăn phục vụ người nghèo. Tại đó, từng suất cơm giá rẻ và mỗi bát cháo dinh dưỡng đều được chăm chút bằng rất nhiều tình thương để trao tận tay những ai đang cần được giúp đỡ...

Năm nghìn đồng một suất cơm ngon

Đều đặn mỗi sáng thứ Bảy hàng tuần, các mẹ, các chị trong Hội phụ nữ phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lại tề tựu tại trụ sở phường để chuẩn bị 100 suất cơm giá rẻ cho những hoàn cảnh khó khăn, gồm người già neo đơn, trẻ em cơ nhỡ, học sinh, sinh viên nghèo, chị ve chai, anh xe thồ, người bán hàng rong… Riêng những trường hợp đặc biệt được miễn phí hoàn toàn. Suất cơm đủ canh, thịt, cá có giá chỉ 5 nghìn đồng, khiến ai lần đầu được biết đều không khỏi ngạc nhiên.

Cô Trần Thị Mai, bếp chính cho hay: Trước hôm nấu một ngày, mọi người trong Hội họp bàn lên danh sách món ăn, phân công người đi chợ. Tuy nấu suất ăn 5 nghìn nhưng các món ăn phải tương đương suất cơm 20 – 25 nghìn ngoài thị trường, đảm bảo đủ dinh dưỡng, ngon lành, người ăn không bị ngán. Để tiết kiệm chi phí, phần rau củ, chị em tranh thủ đi chợ đêm lấy giá sỉ, rau xanh non không bị dập nát. Còn cá, thịt mình dặn trước người bán, sáng lấy sớm cho tươi. “Sức khỏe người ăn là trên hết. Mình đã xác định bỏ công sức chung tay nấu ăn giúp người nghèo khó thì phải làm đàng hoàng, chứ không làm qua loa lấy lệ được”, cô Mai nói.

Đủ nguyên liệu, mỗi người một việc sơ chế, nấu ăn, quét rác dọn bàn… Đúng 10 giờ 30 phút, cơm, nước được vận chuyển đến Trung tâm Học tập cộng đồng ở số 96 đường Quang Trung, tổ dân phố 2, phường Thống Nhất, bắt đầu phục vụ.

Lần đầu đến ăn thử đĩa cơm 5 nghìn, bác Hoàng 58 tuổi, quê Bình Định, hành nghề bán vé số xúc động: Tôi bán ở tít khu vực Ngã Sáu, nghe người ta nói thứ Bảy ở đây có bán cơm trưa 5 nghìn dành cho người khó khăn. Biết hơn 10 ngày rồi mà tôi cứ ngờ ngợ, ở Sài Gòn, Hà Nội thì có nghe chứ ở đây thì lần đầu. Chưa tin lắm nên bữa ni tôi cuốc bộ mấy cây số xuống xem thực hư thế nào. Quả đúng  cơm ngon giá rẻ thiệt. Ước chi có nhiều điểm bán cơm như vậy, người khó khăn như tôi đỡ được phần nào nỗi thiếu cơm.

Chị Nguyễn Thị Hoa thuê trọ ở phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột làm nghề nhặt ve chai, là “khách ruột” của quán, tâm sự:  “Tuần nào cũng vậy, cứ quán mở cửa là mình ghé ăn ngay. Cơm ngon nóng hổi, thịt cá có đủ không thua kém gì các quán cơm bán ngoài. Bữa nào mình ăn hết vẫn chưa no thì xin thêm. Các cô, chú phục vụ rất tận tình, chu đáo. Hy vọng quán cơm duy trì lâu dài giúp người nghèo khó ấm lòng”.

Đồng hồ điểm 12 giờ trưa, hơn 100 suất cơm đã bán hết, chỉ còn 1 suất cuối cùng thì hai phụ nữ độ ngoài 50, dáng vẻ khắc khổ ghé đến quán cơm. Vui vẻ thưởng thức chung suất cơm đặc biệt, họ hẹn lần sau sẽ đến sớm hơn. Chị Minh Hiền, tình nguyện viên cho biết:  Khoảng 11 giờ, người đến ăn rất đông, có hôm bán hơn 1 tiếng là hết rồi. Các cô nấu thêm  20 – 50 suất vẫn không đủ. Để suất cơm xã hội có ý nghĩa, mình ưu tiên phục vụ đúng đối tượng cần giúp đỡ. Có vậy niềm vui mới được nhân đôi.

Bà Trịnh Như Ngọc, Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho hay: Chương trình “Cơm xã hội” do UBND phường kết hợp với Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên phường phát động, tổ chức nấu 1 bữa trưa thứ Bảy hàng tuần, bắt đầu từ ngày  13/6/2015. Kinh phí hoạt động kêu gọi xã hội hóa, các thành viên trong Hội góp công nấu, phục vụ miễn phí. Mọi đóng góp, thu chi hàng tuần Hội đều ghi chép, báo cáo công khai minh bạch cho mọi người cùng biết.

Phát cháo miễn phí

Xuất phát từ tình yêu thương bệnh nhân nghèo và thân nhân của họ hằng ngày phải chịu đựng cảnh vật vờ “ăn nhờ sống tạm”, Hội Chữ thập đỏ huyện Cư Mgar (Đắk Lắk) tổ chức nấu cháo miễn phí phát tại bệnh viện huyện từ năm 2009. Sau hơn một năm hoạt động, bếp cháo thiện nguyện này đành... tắt lửa do không có địa chỉ ổn định, cạn nguồn kinh phí. Xót lòng, Hội Chữ thập đỏ huyện tiếp tục “gõ cửa” chính quyền địa phương xin kinh phí xây dựng bếp tại Bệnh viện Đa khoa huyện, vận động các nhà hảo tâm chung tay đóng góp gây quỹ. Tháng 1/2013, “Bếp cháo tình thương” này trở lại phục vụ, duy trì được tới nay.

Tình nguyện viên Nguyễn Thị Sử, chuyên bán quần áo ở chợ huyện Cư Mgar, tâm sự : Ngày chưa có bếp, chúng tôi phải nấu ở nhà rồi chở tới bệnh viện. Mùa nắng còn đỡ chứ lúc mưa di chuyển vất vả lắm. Tiền nấu nướng chủ yếu do tình nguyện viên góp nên thiếu trước hụt sau, cầm cự được thời gian rồi nghỉ. Đến bữa, bệnh nhân mang tô đến không thấy cháo, ai cũng nháo nhào hỏi, mình buồn lắm. Từ khi bếp chính thức hoạt động trở lại, chúng tôi tính kỹ để nấu được 2 buổi vào thứ 3 và thứ 6 hàng tuần, mỗi lần từ 100 - 130 suất, tạm đủ  phục vụ bà con.

Để có tô cháo thơm ngon đủ dinh dưỡng kịp trao tay người nhận trong khoảng từ 5 giờ 30 phút đến 6 giờ 30 phút sáng, buổi chiều trước đó các chị đã tập trung đi chợ, sơ chế nguyên liệu, 3 giờ sáng tất bật đến nấu. Tuy thức khuya dậy sớm, lắm lúc hơi khói cay đỏ mắt nhưng các chị vẫn vui cười, bảo không mệt, vì chỉ cần nghĩ tới những người bệnh đang cần giúp đỡ, họ lại có thêm động lực cống hiến.

Cô Đặng Thị Cúc, 66 tuổi, tình nguyện viên lớn tuổi nhất của nhóm, chia sẻ: Cô làm việc này xuất phát từ tình thương những người đã “nghèo lại gặp phải bệnh tật”. Các thành viên ở đây mỗi người một nghề, từ công – nông dân đến viên chức nhà nước, họ có chung bầu nhiệt huyết hết mình ủng hộ việc thiện. Tuy giờ giấc sinh hoạt khác nhau nhưng họ vẫn tranh thủ sắp xếp công việc thay phiên nấu nướng, hy vọng bếp luôn đỏ lửa lâu dài, đồng hành cùng bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Đón nhận cặp lồng cháo nóng hổi trên tay, chị H’Nhang Mlô 52 tuổi người Êđê, ở buôn Huk A, xã Cư Mgar, huyện Cư Mgar đang chăm con tại bệnh viện cho biết: “Con mình bị bệnh tim bẩm sinh phải nằm viện liên tục, nhà nghèo, con đông nên túng lắm. May có bảo hiểm chi trả viện phí, bếp tình thương cho cháo ăn. Mẹ con tôi biết ơn các chị làm bếp nhiều lắm”.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cư Mgar (Đắk Lắk), người phụ trách bếp tình thương, cho biết: Hơn 2 năm hoạt động đến nay, bếp đã nấu cháo phát miễn phí cho trên 25 ngàn lượt bệnh nhân, nấu nước sôi phục vụ 100% cho người bệnh có nhu cầu, tổng trị giá trên 246 triệu đồng. Hiện tại bếp đã vận động được 240 nhà hảo tâm tài trợ. Ngoài góp tiền, họ còn thường xuyên ủng hộ củi nấu, rau, củ, quả… phục vụ cho việc nấu cháo hàng tuần.

Theo số liệu thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đắk Lắk, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 bếp ăn tình thương. Bếp chủ yếu đặt ở các bệnh viện, mỗi tuần nấu từ 2-3 lần cơm hoặc cháo phục vụ cho bệnh nhân, người nhà nghèo khó. Năm 2014 chương trình “Bếp ăn tình thương” trên toàn tỉnh đã cấp phát được gần 77 nghìn suất ăn, trị giá hơn 651 triệu đồng.

MỚI - NÓNG