Bí ẩn ngôi làng 'chết chùm'

Bí ẩn ngôi làng 'chết chùm'
Ông Tâm bảo, chưa thể biết nguyên nhân, chỉ biết là hôm nay người này chết thì kiểu gì mấy ngày nữa cũng có vài người rủ nhau 'đi'.

Bí ẩn ngôi làng 'chết chùm'

Ông Tâm bảo, chưa thể biết nguyên nhân, chỉ biết là hôm nay người này chết thì kiểu gì mấy ngày nữa cũng có vài người rủ nhau 'đi'.

Hầu như năm nào, Tạ Xá (Cẩm Khê, Phú Thọ) cũng có những giai đoạn lao đao vì cả làng nhốn nháo lo ma chay, tang lễ. Hết thảy đều là người làng người nước, không họ hàng thì cũng chung ngõ, chung đường.

Ông Nguyễn Xuân Tâm, cựu Chủ tịch xã Tạ Xá, thừa nhận hiện tượng chết đôi, chết ba đã xảy ra từ rất lâu rồi mà không ai lý giải nổi. Ông chậm rãi cho biết: “Đúng là có chuyện ấy thật. Chúng tôi chưa thể lý giải được, chỉ biết là nếu hôm nay ông A chết, thì nay mai, nội trong 3-4 ngày, kiểu gì cũng có thêm ông B hay bà C chết. Cứ như là các vị rủ nhau đi ấy. Thế mới lạ kỳ”.

Ông Nguyễn Xuân Tâm, cựu Chủ tịch xã Tạ Xá, thừa nhận hiện tượng chết đôi, chết ba đã xảy ra từ rất lâu rồi mà không ai lý giải nổi
Ông Nguyễn Xuân Tâm, cựu Chủ tịch xã Tạ Xá, thừa nhận hiện tượng chết đôi, chết ba đã xảy ra từ rất lâu rồi mà không ai lý giải nổi.
 

“Ông cụ đẻ ra tôi hồi trước đã nhắc chuyện “chết chùm” như thế này nhiều. Ông cụ còn bảo là anh cứ nghiệm thử xem, kiểu gì cũng đúng. Mà đúng thật. Từ mấy chục năm trước, khi chúng tôi còn nhỏ, làng đã phải cái dớp ấy rồi. Đến nay vẫn thế!”, một vị trung niên thừa nhận ông đã âm thầm theo dõi cái quy luật đáng sợ này.

Một cụ khác chen ngang: “Chỉ nói chuyện năm nay thôi cũng đủ sợ. Đầu tiên là ông Mỡ chết. Ông Mỡ chết thì kéo theo thằng Tuyến. Bà Mỡ vừa chết xong lại đến thằng cháu mới sinh được vài ngày, rồi tới lượt thằng Đô và một ông nhà ở trên dốc”.

Rồi như để dẫn chứng thêm, cụ ông tóc bạc nói: “Chẳng phải ai xa, chính bố đẻ tôi đây này, chết được 2 hôm, chưa kịp sang ngày thứ 3 thì bên nhà ông Đại tự nhiên có con chim lợn kêu oang oác. Ngay nửa đêm hôm ấy bố ông Đại chết còn gì”…

Ông Hùng là tay kèn chủ lực của đội bát âm, vì tuổi cao, nên ông đã nghỉ việc, nhưng trí óc ông vẫn còn thông tuệ lắm. Ngồi trong gian nhà lợp lá cọ, ông Hùng hồi tưởng lại: “Có một dạo làng chết nhiều quá, chết liên tục, cứ đám nọ dồn toa đám kia, vừa mới nhận lời thổi ở nhà này, con nhà người khác đã khóc như ri mời tôi quá bộ sang giúp cho bố cháu. Lại có lúc nhà đầu xóm còn chưa hạ huyệt, nhà cuối xóm đã nổi trống báo tang. Chúng tôi cứ gọi là vắt chân lên cổ cũng không kịp”…

Đột ngột, ông Hùng đứng dậy dẫn đường ra nghĩa địa để minh chứng lời mình. Ở một góc, 2 ngôi mộ mới đắp nằm rất gần nhau, 2 cây thánh giá vẫn còn cắm thẳng tắp, chưa hề xiêu vẹo. Một ngôi vẫn nguyên vòng hoa. Ông Hùng giải thích, với người công giáo, mộ còn nguyên thánh giá thế kia là mộ mới chôn. Hai người xấu số kia mới về với đất chưa đầy nửa tháng, mà cũng chỉ cách nhau đúng 3 ngày.

Ông Hùng bảo, đây không phải là hiện tượng "trùng tang", là những người chết trong cùng một nhà, một họ, mà ở đây những người chết liền nhau lại chẳng mấy khi là máu mủ ruột rà. Toàn người dưng cả, thế mà cứ gọi nhau đi.

Theo nhận định của các nhà khoa học, nguyên nhân gây ra nhiều cái chết liên tiếp ở Tạ Xá có thể do nằm trong vùng đất có tia đất xấu
Theo nhận định của các nhà khoa học, nguyên nhân gây ra nhiều cái chết liên tiếp ở Tạ Xá có thể do nằm trong vùng đất có tia đất xấu.
 

Ông nói thêm: “Cái kiểu chết này oái oăm lắm. Như ở gần nhà tôi ấy, có bà cụ già đến 80 tuổi rồi, bệnh tật, ăn một chỗ, nằm một chỗ... Thế mà cụ chẳng làm sao. Cái người bị run rủi hóa ra lại là thanh niên, say rượu, trên đường đi về thì ngã chết”.

Trạm trưởng Trạm y tế Hoàng Kim Báo ngoài nhiệm vụ sơ cứu, chữa trị cho những bệnh nhân ốm đau, chỉ huy đỡ đẻ, tiêm chủng phòng bệnh trẻ em, chăm sóc bà mẹ mang thai… thì anh còn là người sao chép và lưu giữ sổ tử, với những thông tin cơ bản như tên người chết, ngày chết, nguyên nhân chết...

Cuốn sổ mà anh Báo cẩn thận gỡ từng mép giấy lưu thông tin về những người ở Tạ Xá qua đời từ năm 2005 đến nay. Chỉ lướt qua vài trang giấy đã ố vàng, những con số trong đó khiến không ít người phải sững sờ vì số lượng người chết chùm ở làng này.

Ngày 7/10/2005, cháu Mai Ngọc Đoạt mới 36 tháng tuổi chết vì đuối nước. Ngày 14/10/2005, bà Nguyễn Thị Ước chết vì tai biến mạch máu não. Đến ngày 17/10/2005, ông Nguyễn Văn Tiếp chết vì nguyên nhân tương tự. Sau đó 2 ngày, bà Nguyễn Thị Nhân, 90 tuổi chết vì suy nhược.

Sang tháng 11/2005, liên tiếp trong các ngày mùng 3, mùng 6 và mùng 9, bà Lê Thị Thay chết vì suy kiệt, anh Hoàng Văn Thi bị giết và cháu Nguyễn Thị Hiệp bị chó dại cắn cũng không qua khỏi. Chưa hết, ngày 3/12/2005, ông Nguyễn Văn Tỵ (104 tuổi) chết vì tuổi già thì chỉ 2 ngày sau, ông Hoàng Văn Khanh (64 tuổi) cũng chết vì tai biến mạch máu não. Còn trong năm 2008, chỉ trong vòng 7 ngày, làng Tạ Xá đã có 5 đám tang.

Tất nhiên, chết đôi, chết chùm ở Tạ Xá không phải là tuyệt đối. Trong cuốn sổ tử của làng, vẫn có những trường hợp chết một thời gian tương đối dài (có khi một vài tuần, có khi cả tháng) mà không… lôi kéo hay rủ thêm ai khác. Nhưng rõ ràng trong phạm vi một đơn vị hành chính nhỏ như một xã mà liên tiếp năm nào cũng xảy ra rất nhiều cái chết theo kiểu bộ đôi, bộ ba thì quả là hiện tượng khác thường.

“Quả thực khi nhìn lại cuốn sổ tử mà tự tay tôi ghi chép có nhiều trường hợp chết liền nhau. Nhưng tất cả những cái chết nguyên nhân đều được chú thích đến từng chi tiết và hiện tượng chết chùm chỉ là ngẫu nhiên. Tạ Xá từ trước đến nay người chết chủ yếu đều là những người có tuổi hay tiền sử bệnh tật. Còn số người chết trẻ mấy năm nay có vẻ tăng, thực chất đều do tai nạn giao thông và… rượu”, anh Hoàng Kim Báo cho biết.

Chị Nguyễn Thị Lợi, vợ anh Đô thì kể chồng chị nghiện rượu chẳng qua cũng vì đi đám nhiều quá, thành quen. Làng Tạ Xá cỗ bàn cứ gọi là triền miên. Ông chú vừa mới mất còn chưa kịp hết cúng tuần lại giỗ đầu bà thím. Vừa say mềm ra ở đám bốc mộ nhà này đã lại thẻ hương, chai rượu đi 49 ngày nhà khác. “Có dạo liền một tháng, làng chết đến hơn 10 người, mà ngoảnh đâu cũng thấy họ hàng bà con”.

Trong sổ tử của trạm xá xã Tạ Xá ghi rất rõ, anh Hoàng Văn Đô chết vì xơ gan, một di chứng của nghiện rượu dài ngày, nhưng trong sâu thẳm tâm tư của chị Lợi, anh chết, cơ bản vẫn bởi anh thuộc dòng dõi của họ Hoàng.

Theo thống kê của chị Lợi thì họ Hoàng đúng là đang trải qua một năm khủng khiếp. Chỉ trong vòng 3 tháng, nhà chị mất đi 4 mạng người. Đầu tiên là ông chú Hoàng Văn Mỡ, sau một đêm ngủ dài không bao giờ dậy nữa. Cúng 49 ngày cho ông chưa được 2 tuần, đến lượt bà vợ ông Mỡ cũng theo chồng. Đúng một tháng trước, người anh em nội tộc của chồng chị Lợi là anh Hoàng Văn Tuyến qua đời ở tuổi 42. Cũng như anh Đô, anh Tuyến là nạn nhân của rượu.

Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ - tin học ứng dụng (UIA) và Tiến sĩ Vũ Văn Bằng, những người nổi tiếng với các công trình nghiên cứu về tia đất, lý giải về hiện tượng lạ gây hoang mang cho người dân Tạ Xá nhiều năm nay. Cả ông Khanh và ông Bằng đều nghiêng về nhận định, những cái chết liên tiếp ở Tạ Xá nhiều khả năng chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, do ô nhiễm môi trường hoặc bức xạ xấu từ tia đất, cái mà người dân vẫn cứ ám ảnh nó là “long mạch”.

“Thường thì ở các làng xã Việt Nam, hiện tượng chết tập thể xảy ra do nguyên nhân mầm bệnh. Có thể là do thuốc trừ sâu, chất độc từ thời chiến tranh còn phát tán, ngấm vào đất, vào nước để lại di chứng đến tận thế hệ bây giờ. Nhưng theo tôi, chuyện làng Tạ Xá thì không phải nguyên nhân ấy. Bởi số người chết cùng vì một bệnh, như ung thư chẳng hạn, là rất ít. Vả lại, có người chết trẻ, nhưng cũng có người 80, 90 tuổi, thậm chí 101 tuổi mới chết”, ông Khanh chia sẻ.

Ông Bằng từng dùng máy đo tia đất của mình để “bắt mạch” các vụ tai nạn trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hay khoan thăm dò mỏ nước ngầm rất thành công. Song ông Bằng cũng chỉ có thể khẳng định là sẽ đưa làng này vào danh sách những điểm cần được đo tia đất để xác định nguyên nhân.

Theo lý thuyết của ông Bằng, tia đất xuất hiện ở khắp nơi, có tia đất tốt, có tia đất xấu. Rất có thể tia đất ở Tạ Xá là tia đất xấu, khi nó phát tác trong một thời điểm nào đó sẽ làm cho nhiều người bị ảnh hưởng cùng lúc, nhẹ thì đau đầu, chóng mặt, nặng có thể trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tử vong. Trực tiếp như làm cho sức khỏe suy sụp, nhiều bệnh bùng phát trở nên trầm trọng, đặc biệt nguy hiểm cho người già hay trẻ em. Còn gián tiếp như tạo nên những trạng thái tinh thần không tỉnh táo, minh mẫn, gây ra tai nạn trong lúc đang lái xe, lao động.

Theo Pháp Luật & Xã Hội

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG