Bị dân phong tỏa, nhà máy ngắc ngoải

Người dân lấp đất đá, dựng chòi canh phong tỏa lối vào nhà máy luyện gang.
Người dân lấp đất đá, dựng chòi canh phong tỏa lối vào nhà máy luyện gang.
TP - Cho rằng Nhà máy luyện gang Vạn Lợi gây ô nhiễm môi trường, người dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh (xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng) lấp đất, lập chốt chặn các cổng nhà máy. Sự việc kéo dài đã 3 năm, vẫn chưa được các cơ quan chức giải quyết dứt điểm.

Nhà máy luyện gang này hiện “chết lâm sàng”, hệ thống dây chuyền, thiết bị hoen gỉ. Nhà máy muốn bán nguyên liệu trả nợ, dân cũng “cấm cửa”.

Lập “chiến lũy” phong tỏa nhà máy

Nằm kề hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh (xã An Hồng), Nhà máy luyện gang Vạn Lợi có quy mô cả chục héc-ta. Con đường chính nằm phía trước nhà máy hai đầu đường bị phong tỏa bằng đất đá cùng chiếc lán quây bằng bạt nylon. Mỗi đầu bị chặn đều có dòng biểu ngữ chắn ngang: “Toàn dân xã An Hồng quyết tâm bảo vệ môi trường”. Cả một nhà máy với những ống khói cao vút nằm bất động, những khối dây chuyền, thiết bị phơi dưới nắng mưa đã hoen gỉ hệt như một bãi thép phế liệu khổng lồ.

Bên trong lán chặn ở cổng phụ của nhà máy, ba người phụ nữ đã cao tuổi ngồi trên tấm phản gỗ. Những người phụ nữ này cho hay họ đang đảm nhiệm việc canh chừng, nếu thấy nhà máy có hoạt động thì đánh kẻng báo động cho dân làng tập hợp.

“Trước đây nhà máy hoạt động, khói bụi bay khắp làng, len lỏi vào từng nhà. Chúng tôi kiến nghị chính quyền giải quyết nhưng chả cải thiện gì nên dân làng tự chặn” - bà Mận nói. Sau khi nhà máy để xảy ra một số sự cố môi trường ảnh hưởng tới đời sống người dân, từ tháng 5/2014, rất nhiều người dân hai thôn Phạm Dùng, Khánh Thịnh đã tập trung đổ đất đá, dựng lán chặn cả 3 lối vào nhà máy. “Chỉ khi nào chính quyền bắt nhà máy này di dời chúng tôi mới cho mở đường cho đi”-bà Mận nói.

“Cấm vận” đủ đường

Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Nhà máy luyện gang Vạn Lợi, cho biết đã hơn 3 năm nay, nhà máy có tổng mức đầu tư 1.300 tỷ này lâm vào tình trạng ngắc ngoải chờ chết. Toàn bộ cổng vào bị phong tỏa, nhà máy buộc phải đóng cửa ngừng hoạt động. Cả nhà máy rộng thênh thang chỉ có một nhóm sáu bảo vệ thay phiên nhau canh giữ. Hệ thống dây chuyền thiết bị, máy móc khổng lồ không hoạt động phần lớn đã hư hỏng, hoen gỉ. Hơn 3.000 tấn quặng, than cốc phục vụ sản xuất mà doanh nghiệp vay ngân hàng nhập về chất thành đống như quả núi ngoài khoảng sân suốt hơn 3 năm qua.

Theo ông Vinh, để thu hồi nợ, ngân hàng đã ủy quyền cho nhà máy bán số quặng, than cốc tồn đọng trả nợ nhưng bị người dân phong tỏa nên doanh nghiệp bó tay. Mới đây, hôm 23/5, khi chiếc máy xúc của nhà máy ra cổng định san gạt đất đá mở đường cho xe vào chở hàng, người dân lại tập trung ngăn cản.

Theo hình ảnh ông Vinh cung cấp, khi chiếc máy xúc tiến ra cổng, hàng chục người dân đã gây áp lực, có người cầm chai thủy tinh chứa chất lỏng hắt vào máy xúc doạ đốt. “Cứ có xe tải tới họ ra ngăn, dọa đốt nên khách hàng chào thua, dù việc bán nguyên liệu không liên quan gì tới ô nhiễm môi trường cũng bị cấm vận luôn” - ông Vinh nói.

Vận động dân dỡ bỏ phong tỏa

Ông Vinh cho biết trước thảm cảnh nhà máy luyện gang rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, suốt mấy năm qua nhà máy đã kêu cứu khắp nơi nhưng tình hình không có biến chuyển. Theo ông Vinh, doanh nghiệp này đã đặt mua vật tư, thiết bị để triển khai việc khắc phục ô nhiễm nhưng do bị “phong tỏa” nên không thể đưa vật tư, thiết bị vào nhà máy để lắp đặt.

Nhà máy rơi vào tình trạng phá sản, ngân hàng, chủ nợ liên tiếp hối thúc đòi nợ, người lao động gây áp lực vì bị nợ lương tới cả chục tỷ đồng. “Chúng tôi sẵn sàng tuân thủ các chỉ đạo của cơ quan chức năng, kể cả di dời, đóng cửa nhà máy. Nhưng chúng tôi mong muốn các hoạt động không ảnh hưởng tới môi trường như việc bán nguyên liệu này không bị cản trở”-ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Xuân Tám, Trưởng thôn Khánh Thịnh, cho biết kể từ khi người dân tự phát phong tỏa nhà máy, xã, thôn đã nhiều lần vận động nhưng người dân không hợp tác. Đánh giá về việc người dân phong tỏa doanh nghiệp vận chuyển nguyên liệu đi bán, ông Tám cho rằng đây là hành động không đúng bởi hoạt động này không ảnh hưởng tới môi trường.

Ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện An Dương, cho biết chính quyền các cấp đang tích cực triển khai việc vận động để người dân đồng thuận dỡ bỏ vật cản. Theo ông Quân, tới đây, lãnh đạo UBND thành phố sẽ trực tiếp đối thoại với người dân, tìm hướng giải quyết đảm bảo quyền lợi của người dân cũng như quyền lợi của doanh nghiệp. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.