Bi hài nghề khóc mướn đám tang

Bi hài nghề khóc mướn đám tang
'Ới ông ơi, sao ông nỡ bỏ cháu', tiếng khóc thảm thiết vang lên. Đứa cháu thật của người đã khuất mới được vài ba tuổi, đang chơi hồn nhiên bên ngoài.
Thông thường, mỗi đám tang, tiền công cho nhóm chỉ từ 1,5 - 2 triệu đồng cho 2 ngày khóc nhưng tính cả tiền “đặt đĩa” cũng được vài triệu.
Thông thường, mỗi đám tang, tiền công cho nhóm chỉ từ 1,5 - 2 triệu đồng cho 2 ngày khóc nhưng tính cả tiền “đặt đĩa” cũng được vài triệu..

Đêm khuya, đám con cháu người đã khuất gà gật bên chiếc áo quan sau cả ngày dài đau khổ, kiệt sức, chỉ còn vài người trong nhóm khóc thuê vẫn trễ nải buông vài tiếng ơ hờ.

Từ lâu, nghề khóc thuê đã xuất hiện trong một số đám tang ở các làng quê. Mỗi nhóm thường từ 3-5 người, được gia đình người quá cố bỏ tiền thuê để khóc than, vật vã cho không khí… bớt cô quạnh.

Người thân của người đã khuất thể hiện sự tiếc thương, sầu thảm dành cho người vừa qua đời một cách thật lạ lùng. Vì một lý do nào đó, họ bỏ tiền ra thuê hẳn một nhóm người về “tiếc thương” thay cho họ.

Cũng chính vì sự thuê mướn này mà không ít chuyện bi hài, trớ trêu đã xảy ra ngay bên cạnh quan tài người vừa nhắm mắt.

Ngồi ngay đầu hồi, 3 người đàn ông gồm 2 nhị, một trống cứ thay nhau khóc lóc thảm thiết: “Ới ông ơi, ông đi ăn đâu, ở đâu mà ông bỏ cháu thế này…”. Thảm thiết đến độ người đi đường nghe tiếng khóc, cứ ngỡ người vừa nằm xuống chí ít cũng ngoài bảy, tám mươi. Nào ngờ, mới hưởng dương được 46 cái xuân xanh, vì bệnh tật ông về với đất khi mới “lên chức” ông ngoại được vài ba năm.

Cháu ông, nó vẫn đang hồn nhiên chơi ngoài kia, chả có tí nước mắt nào. Mẹ nó vừa bỏ 10.000 đồng thuê người ta “khóc hộ cho cháu nó một tiếng”.

Rồi lại một giọng khác lại vang lên: “Ới anh ơi, vợ chồng tình nghĩa keo sơn. Giờ đây đứt gánh giữa đường, em trông cậy vào ai”.

Oái oăm thay, bà “vợ xịn” của người chết còn đang bận tíu tít ngoài ngõ đưa đón khách viếng tang, bận lo cái chuyện xã giao để thiên hạ không “ma chê, cưới trách”, còn việc khóc than, tiếc thương chồng, bà đã thuê người khác lo rồi.

Đến anh hàng xóm đang vặt lông mấy con gà ngoài sân làm cỗ, cũng tranh thủ chạy qua “chiếu khóc” bỏ tờ 20.000 đồng xanh mét kèm vài thông tin: “Tôi hàng xóm, phải gọi “ông ấy” bằng anh, chơi với nhau từ bé”.

Tức thì, một tiếng khóc cất lên ai oán, nỉ non, thảm thiết: “Ối anh ơi, nhớ thuở chăn trâu, cắt cỏ, bắn bi. Mà nay anh đã bỏ em đi thế này”, vừa khóc, bàn chân ông “khóc sĩ” vừa se sẽ giậm giậm theo nhịp nhị cò ke.

Cứ thế, “cuộc khóc” kéo dài đến tận đêm khuya. Từ cháu khóc ông, vợ khóc chồng, em khóc anh, đến họ hàng xa “bắn ba lần đại bác”, cũng kịp bỏ ra vài đồng để được người ta khóc giúp lên cái loa treo tít mít trên ngọn cây xoan.

Đĩa tiền trên “chiếu khóc” đầy lên, ước chừng cũng hơn triệu bạc, người ta phải dùng quả cau chẹn nó xuống cho gió khỏi thổi bay.

Đêm khuya, khi khách đã vãn, ba ông “thợ khóc” được chủ nhà mời cơm. Xếp lại đàn cò, cây nhị, xếp lại những “đau thương, mất mát”, ba ông giờ ngồi bốc xôi, gặm thịt gà và lúc này để cho đỡ “buồn”, người ta khóc bằng băng cát-sét.

Tranh thủ lúc vãn, anh Nguyễn Văn Lộc, trưởng nhóm khóc thuê quê ở Cao Dương (Thanh Oai, Hà Nội), tâm sự, cái nghề này nó cũng kén người lắm, không phải ai muốn là làm được.

Thức đêm, thức hôm khóc lóc, vật vã, nhiều khi sáng dậy cổ khản đặc nói còn chả ra hơi, phải ngậm muối, ngậm thuốc cho nó đỡ rát.

Rảnh thì tập tành cật lực, từ âm điệu “giọng khóc” sao cho sầu thảm, bi ai, đến cách kéo nhị, trống phách sao cho đúng nhịp. Có người đi đám ma theo nhóm để học, khóc đến mấy năm mà vẫn không thành tài, đành bỏ nghề”.

Đến như bản thân anh Lộc, ngoài 40 tuổi, 10 năm đi khóc thì có đến 6 năm anh chỉ làm “khóc phụ”. Giờ đây, nhóm của anh có chút “tiếng tăm”, việc “xua đi không hết” thì anh có quyền “làm giá”.

Thông thường, mỗi đám tang, tiền công cho nhóm chỉ từ 1,5-2 triệu đồng cho 2 ngày khóc nhưng tính cả tiền "đặt đĩa" cũng được vài triệu. Nhưng giờ là mùa rét, "mùa tang ma", giá có cao lên đôi chút.

"Ngay như hôm nay, nhóm tôi phải chia làm hai, ba người ở đây, ba người "đi khóc" tận Sơn Tây", anh Lộc tự hào.

Cái chuyện ăn chia cát-xê trong nhóm cũng rành rẽ lắm, trích 20% vào quỹ nhóm để phục vụ mục đích “tái đầu tư”như mua sắm, sửa chữa kèn, sáo, nhị, loa, đài, micrô; 30% cho trưởng nhóm, số tiền còn lại chia đều cho tất cả các thành viên.

Tính từ đầu mùa rét, cả nhóm anh Lộc hành nghề tại gần 30 đám tang khắp các tỉnh miền Bắc, mỗi “khóc sĩ” cũng kiếm được ngót nghét 50 triệu đồng.

Anh Lộc bảo, cái nghề bán nước mắt này ngày càng hấp dẫn vì mức thu nhập khá cao, nên có rất nhiều người quyết tâm vượt qua những dị nghị, đàm tiếu của thế gian để đến với nghề.

Anh bảo, có những địa phương còn mọc lên cả phường, hội, thậm chí là lò luyện người khóc thuê.

Theo Công Lý

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.