Bị “hành xác” đi lại dịp Tết, kêu ai?

Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) những ngày cận Tết. Anh: Như Ý
Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) những ngày cận Tết. Anh: Như Ý
TP - Liệu năm nay, CSGT có phát hiện được những vụ việc xe nhồi nhét, để khách ngồi dưới sàn, trong cốp xe hay “chặt chém” với giá ngất ngưởng như mọi năm? Hành khách làm gì để phòng xa và ứng biến khi gặp nạn trên đường?

CSGT không được xử lý kiểu “xét giấy”

Thượng tá Cao Minh Phượng - Phó Trưởng phòng CSGT Nghệ An, địa bàn có con em làm ăn xa vào diện đông nhất cả nước cho biết, mấy ngày này liên tục đi xuống các bến xe, kiểm tra thực địa trên QL 1A.

Thượng tá Phượng cho rằng, với sự phát triển của dịch vụ vận tải, hiện tượng khách bị nhét trong khoang hàng như “vật nuôi” chắc không còn. Nhưng vài ngày tới tình hình sẽ căng thẳng, hiện tượng nhồi nhét khách sẽ xảy ra. Hai lỗi sẽ được CSGT Nghệ An tập trung xử lý trong cao điểm này là chở quá số người quy định và tự ý “bung” giá vé. CSGT Nghệ An nhận tin báo về vi phạm qua số 0383 839 222.

Trưởng phòng CSGT Thanh Hóa, ông Lưu Thiện Minh cũng cho biết, đã triển khai lực lượng tuần tra trên cả QL 1A và đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh. Ông Minh chỉ đạo lực lượng CSGT khi kiểm tra xe khách phải lên tận xe thông báo và đếm số lượng khách.

“Anh em không lên xe kiểm tra là sai quy trình. Hành khách phát hiện xe vi phạm hoặc anh em tác nghiệp không đúng hãy thông báo về đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa số 037.725 725 725” – ông Minh nói.

Trao đổi với Tiền Phong, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó phòng Hướng dẫn luật và điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT) cho biết: Theo quy định, với các xe trên 24 chỗ ngồi, khi dừng xe, CSGT bắt buộc phải lên tận xe để thông báo lỗi và đếm khách. Đối với các dòng xe nhỏ hơn (điều kiện lên xe khó hơn), CSGT có thể ở dưới hoặc lên xe tùy tình hình.

Trong dịp Tết, Cục CSGT đã cử 9 đoàn kiểm tra để chấn chỉnh, đôn đốc lực lượng CSGT địa phương. “Hiện chưa phát hiện trường hợp nào sai sót về nghiệp vụ. Anh em làm tích cực, trách nhiệm cao, xử lý kiên quyết. Hiện tượng chở quá số người quy định chưa phổ biến nhưng cần cảnh giác trong những ngày tới” – Thượng tá Luyện nói.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, ngoài nhận phản ánh về dịch vụ hành khách, số đường dây nóng của Ủy ban ATGT Quốc gia (0989.088.719 - 0913.227.844 - 0995.918.666) cũng tiếp nhận và xử lý các trường hợp về “tác nghiệp” của CSGT, thanh tra giao thông.

Ứng phó khi nhỡ chuyến, ốm đau và… say xỉn

Ông Huỳnh Cường, GĐ Xí nghiệp Vận dụng toa xe khách Hà Nội (thuộc Cty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội, đơn vị trực tiếp điều hành hoạt động của tàu) cho biết: Tình trạng nhỡ chuyến dịp Tết nhiều hơn ngày thường. Khi gặp trường hợp này, hành khách phải lập tức thông báo với nhân viên nhà ga đề nghị sắp xếp đi chuyến tiếp theo.

“Để lỡ tàu là lỗi của khách nhưng khi nhận được thông báo của ga, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để thu xếp cho hành khách. Loại chỗ ngồi bổ sung không tương xứng với chỗ ngồi đã mua nhưng không phải trả tiền” - ông Cường nói.

Tết cũng là dịp khách dễ bị ngộ độc thức ăn, cảm lạnh trên tàu. Lúc này, khách, người đi cùng cần khẩn trương báo cho nhân viên toa xe để điều động nhân viên y tế. Các nhân viên Y tế trên tàu có thể chăm sóc, cấp thuốc với các bệnh lý thông thường; thậm chí có thể đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên tàu. Gặp các ca bệnh khó, nhà tàu sẽ phát thanh trên toàn đoàn tàu, kêu gọi sự hỗ trợ của các hành khách là bác sỹ.

Ông Cường khuyến cáo, các hành khách bị các bệnh mãn tính như huyết áp, xuất huyết dạ dày... cần chuẩn bị thuốc trên các chuyến đi. Khi để quên hành lý trên tàu hoặc sân ga cần liên lạc với nhân viên nhà ga hoặc gọi điện đến số điện thoại chăm sóc khách hàng - 0963335767.

Với hàng không, việc nhỡ chuyến hầu như không thể xử lý theo phương án của ngành đường sắt. Nếu đến quá sát giờ bay, hành khách chỉ trông cậy vào quầy Thủ tục giờ chót để được hỗ trợ vào máy bay nhanh hơn.

“Trong giai đoạn cao điểm Tết, việc ùn tắc thường xuyên xảy ra ảnh hưởng đến thời gian di chuyển ra sân bay của hành khách. Vì vậy, Vietnam Airlines (VNA) khuyến cáo, hành khách phải có mặt tại sân bay 3 tiếng trước giờ khởi hành thay vì 2 tiếng như thường lệ” - đại diện VNA cho biết.

Tết cũng là lúc tiệc tùng, chúc tụng nên hành khách đi máy bay cần dừng lại trước khi “quá chén”. VNA và các hãng hàng không sẽ không phục vụ những hành khách mất khả năng làm chủ hành vi, thực hiện những hành vi gây rối.

Dù không dùng máy thử nồng độ cồn nhưng nhân viên hàng không được đào tạo kỹ năng cụ thể để phát hiện những người không làm chủ được hành vi. VNA sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm soát hành khách có biểu hiện say xỉn ngay từ dưới sân bay.

CSGT không cung cấp số đường dây nóng

Để đảm bảo nhu cầu đi lại dịp Tết, nhiều cơ quan ban ngành vào cuộc quyết liệt, công khai. Thậm chí, Uỷ ban ATGT Quốc gia công khai nhiều số đường dây nóng, yêu cầu Sở GTVT, CSGT các địa phương công bố và dán số đường dây nóng tại bến xe, trên thành xe. Tuy nhiên, có những địa bàn, CSGT lại thận trọng một cách khó hiểu.

Liên lạc với ông Đinh Trọng Soạn, Phó trưởng Phòng CSGT Ninh Bình, vị này nói: “Không trao đổi với thông tin với người chưa lưu số trong danh bạ điện thoại”. Ngay cả số đường dây nóng của CSGT Ninh Bình (điều mà một hành khách bình thường cũng cần), ông Soạn cũng từ chối cung cấp.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.