Bị lừa XKLĐ : Nhiều nông dân trở thành con nợ

Bị lừa XKLĐ : Nhiều nông dân trở thành con nợ
TP - Hàng chục người bị lừa sang Nga. Được chuộc về nước, gia đình họ trở thành con nợ. Tuy nhiên, những kẻ lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Bị lừa XKLĐ : Nhiều nông dân trở thành con nợ ảnh 1
Mai (áo phông) và gia đình các nạn nhân

Chị Cao Thị Loan (SN1981, xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) kể: Tháng 2/2004, Nguyễn Sỹ Khoa (trú tại huyện Hưng Nguyên) bảo với tôi: “Anh có người họ hàng là chị Lê Thị Oanh, cán bộ  Xí nghiệp may phục vụ cho Lãnh sự quán Việt Nam tại Nga.

Chị đang cần hai lao động biết may mặc nếu sang thì chỉ phải nộp 15 triệu đồng, còn 15 triệu sẽ trừ dần vào tiền lương hàng tháng (Tổng cộng là 30 triệu). Lương ban đầu khoảng 500-700USD/tháng, chưa kể làm thêm, thời gian hợp đồng từ 3 đến 5 năm”. Nghe những lời ngon ngọt trên, gia đình Loan đã thế chấp nhà vay tiền nộp cho Khoa để cho con xuất ngoại. Cùng đi, có chị Hòa - vợ của Khoa.

Sang bên kia, Loan được thị Oanh đón về nhà. 10 ngày sau Oanh làm thủ tục đóng khẩu cho Hòa còn Loan thì không. Vì theo Oanh nói, vi-sa của Loan là vi-sa du lịch chỉ có thời hạn ba tháng. Đến lúc này Loan mới biết mình bị lừa.

Một tháng sau Oanh tìm cách ép Loan bán dâm cho một người tên Long. Rất may trước những lời khẩn cầu thống thiết của Loan, người đàn ông này đã đồng ý trả Loan lại cho thị Oanh.

Oanh đưa Loan xuống xưởng may “lậu” của mình. Làm việc tại đây được  gần một tháng thì Loan và công nhân trong xưởng bị Công an Nga bắt và phạt mỗi người 1.000 rúp.

Sau đợt này xưởng may của thị Oanh được chuyển đến một địa điểm khác. Được một thời gian thì Loan và hơn 20 công nhân khác lại bị bắt lần thứ hai.

Loan nhớ lại: “Chúng tôi phải chịu khổ cực trong nhà giam, khoảng 3 tháng sau thì được tha. Sau đó, thị Oanh còn đòi chúng tôi phải nộp cho thị tiền bảo lãnh là 700USD”.

Vẫn với chiêu cũ, Khoa đã thuyết phục thêm 10 gia đình ở Việt Nam đóng tiền để y đưa con em họ sang Nga “xuất khẩu lao động”. Mọi thủ tục hoàn tất, trước khi đi anh ta còn dặn dò đủ điều nên gia đình các nạn nhân cũng thấy yên tâm phần nào.

Sang đến Nga, thị Oanh đón và đưa tất cả các cháu về cơ sở sản xuất của mình. Nhưng tất cả mọi chuyện đã quá muộn, chỉ còn biết làm việc theo sự hướng dẫn của Oanh để tích cóp tiền trả nợ.

10 nạn nhân bị lừa sang Nga “XKLĐ” gồm: Lê Thị Nga, sinh 1985 (Hưng Xá - Hưng Nguyên); Trần Thị Mai, sinh 1981, Cao Thị Thương, sinh 1970, Lê Thị Đức, sinh 1979, Lê Thị Thanh, sinh 1970, Cao Thị Loan, sinh 1981 ( Hưng Thông – Hưng Nguyên); Nguyễn Thị Xoan sinh 1978, Hồ Thị ánh, sinh 1982 (Nam Cát-Nam Đàn); Nguyễn Thị Xuân (Hưng Long-Hưng Nguyên) và Hoàng Thị Điệp (TP Thanh Hóa).

Nhưng vì là cơ sở “chui” nên liên tục bị cảnh sát Nga kiểm tra. Hàng chục nạn nhân cũng đã hơn một lần phải nếm trải cuộc sống tăm tối.

Theo người nhà các nạn nhân,10 người được Khoa làm thủ tục đưa đi làm 3 đợt. Đợt cuối khoảng tháng 10/2004 gồm có Lê Thị Nga và Lê Thị Thanh. Một người đàn ông tên Cường đón họ tại sân bay, rồi đem bán với giá 950USD.

Sau khi có “hàng”, đối tượng này đưa “hàng” lên xe và rao bán, nhưng không có ai mua. Cuối cùng ông ta mới bán cho thị Oanh với giá 750USD. Thị Oanh đưa về xưởng may của mình.

Do sự kiểm soát chặt của cảnh sát Nga nên công việc của cơ sở may hoạt động khó khăn. Thị Oanh mới nảy ra ý định đòi tiền chuộc từ phía gia đình các cháu. Đầu tiên là Nga.

Thị nối đường dây điện thoại cho Nga và bắt Nga nói với gia đình theo sự sắp xếp của thị. Nga điện về bảo: “Bố ơi ta bị lừa rồi. Bố phải gửi 750USD sang cho chị Oanh không thì chị sẽ bán con vào nhà thổ...”.

Ông Lê Văn Bá - bố của Nga nói: “Thương con. Không thể để con mình phải phiêu bạt làm gái nơi xứ người, nên gia đình tôi đành vay mượn tiền chuộc cháu về”.

Nga là nạn nhân được về nước đầu tiên. Sau khi nhận được tiền chuộc của gia đình Nga, thị Oanh lại lần lượt bắt ép những người khác phải gọi điện về Việt Nam, đòi tiền chuộc.

Về phía gia đình các nạn nhân, họ kéo đến nhà Khoa để đòi người nhưng Khoa vẫn thờ ơ. Nhờ có sự can thiệp của Công an Hưng Nguyên (Nghệ An) thì Khoa mới chịu làm cam kết để đưa các cô gái về nước. Tiền chuộc nhiều nhất là 1.800USD, ít là 1.500USD.

Tính đến ngày 14/3/2005 hầu hết các nạn nhân đã về nước. Riêng Lê Thị Thanh tất cả tài sản đã cầm cố khi đi nên gia đình không có tiền chuộc, hiện giờ lưu lạc ở đất khách quê người.

Mộng thoát nghèo không thành, hàng chục gia đình lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bà Nguyễn Thị Hiến - mẹ Hồ Thị ánh hàng ngày phải nai lưng đi đóng gạch thuê để kiếm gạo và trả nợ.

Chồng bộ đội xuất ngũ, bị bệnh thần kinh chẳng làm được gì. Hàng tháng lại không có chế độ hay khoản phụ cấp nào nên cuộc sống đã khó khăn nay càng thêm khó khăn.

Được biết, nhiều nạn nhân đã có đơn gửi CQĐT tố cáo sự việc này. Nhưng cho đến nay, những kẻ lừa đảo vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.

MỚI - NÓNG