Bí mật đời tư cần được miễn trừ tiết lộ

Bí mật đời tư cần được miễn trừ tiết lộ
TP - Theo ông Nguyễn Hoàng Anh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tiến tới xây dựng Luật tiếp cận thông tin, những thông tin thuộc phạm trù bí mật Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh... là được miễn trừ tiết lộ

“Mong muốn tiếp cận thông tin là hết sức mạnh mẽ, kể cả thông tin công cộng hay tư nhân. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, sau khi Chính phủ thông qua đạo luật về tự do thông tin, chỉ ngay sau khi có hiệu lực, ngày đầu tiên đã có tới hơn 4.000 yêu cầu được đưa ra” - Giáo sư Paul Okojie (Đại học Manchester Metropolitan - Anh) cho biết như trên, tại Hội thảo “Tiếp cận thông tin - Thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của Vương quốc Anh”, diễn ra hôm qua (16/10) tại Hà Nội.

Không thể chống tham nhũng với tình trạng bưng bít thông tin

Dự án Luật về tiếp cận thông tin là một trong những dự án luật nằm trong Chương trình chuẩn bị (dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XII), về sự cần thiết của Dự án Luật này, ông Phạm Quốc Anh (Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam) nói: “Không thể dân chủ hoá, minh bạch hoá hoạt động của các cơ quan Nhà nước và thành công trong việc chống tham nhũng với tình trạng bưng bít thông tin”.

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Robert Gordon cũng cho rằng: “Tiếp cận thông tin là vấn đề đang ngày càng trở nên quan trọng đối với cả hai xã hội Việt Nam và Anh”.

Theo TS Ngô Đức Mạnh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội), mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, nhưng tại Việt Nam, chế độ cung cấp thông tin đến với người dân vẫn chưa đạt hiệu quả cao như mong muốn. Trong nhiều trường hợp, việc khai thác, tìm kiếm thông tin từ cơ quan nhà nước thường bị gây phiền hà.

Ông Vũ Văn Phúc (Phó trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư) cho rằng: “Quyền được tiếp cận thông tin của công dân ở nhiều địa phương, đơn vị còn bị vi phạm nghiêm trọng, mà nguyên nhân chính là do chúng ta chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý cụ thể để điều chỉnh hoặc xử lý. Người dân hầu như không biết rõ những thông tin về quy hoạch, về giải toả, đền bù, về những dự án ưu đãi, hay khoản tiền tài trợ, tiền cứu trợ thiên tai...”.

Ông Nguyễn Quốc Việt (Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp) khẳng định, việc minh bạch hoá pháp luật sẽ bảo đảm quyền tiếp cận thông tin.

Ông Việt phân tích: “Minh bạch ngay trong các quy định pháp luật để người dân dễ hiểu, không hiểu nhầm nghĩa. Các quy định pháp luật phải rõ ràng, cụ thể, không được mù mờ, mơ hồ (ví dụ tội làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng), hay quy định pháp luật cần hết sức hạn chế dùng các từ như “trong trường hợp đặc biệt”, “tùy trường hợp”, hoặc “cơ quan có thẩm quyền”, “theo quy định của pháp luật”... Cách sử dụng những từ ngữ như vậy làm cho pháp luật trở nên khó hiểu, người đọc phải tự tìm câu trả lời”.

Không được xâm hại vô cớ thông tin đời tư

Ông Nguyễn Hoàng Anh (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) cho rằng: “Tiến tới xây dựng Luật tiếp cận thông tin, cần thiết quy định rõ các loại thông tin cần phải được công khai, theo đó chỉ những thông tin thuộc phạm trù bí mật Nhà nước, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh... là được miễn trừ tiết lộ”.

Tiến sĩ Tường Duy Kiên (Viện nghiên cứu quyền con người) cho biết, theo thông lệ, nhiều nước trên thế giới, trong các loại thông tin được miễn trừ cung cấp, bí mật đời tư và an ninh quốc gia thuộc mức độ bảo vệ cao nhất (tuyệt mật).

Cụ thể hơn, giáo sư Paul Okojie nói: “Tại Anh, Bản quy tắc hành nghề về tiếp cận thông tin của Chính quyền có hiệu lực vào 4/4/1994, không áp dụng đối với 15 vấn đề, trong đó có vấn đề thông tin cá nhân mà nếu công bố sẽ dẫn tới xâm hại vô cớ đến đời sống riêng tư”.

Tuy nhiên, trao đổi bên lề Hội thảo, một số chuyên gia cho hay, nhiều nước trên thế giới có đạo luật riêng, hoặc những quy định riêng trong các luật chuyên ngành, để quy định về thông tin liên quan đến những người nổi tiếng.

Theo Bản thuyết minh của Chính phủ, Dự án Luật về Tiếp cận thông tin quy định những loại thông tin, tài liệu nào cần được công khai, quy định những loại tài liệu, thông tin cần bí mật, quy định quy trình cung cấp thông tin, tiếp cận và khai thác thông tin; quy định về chi phí do việc khai thác thông tin, quy định về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc cung cấp thông tin, quy định vấn đề công khai, minh bạch về tài chính.

MỚI - NÓNG