Bí quyết ở làng hơn 200 năm nấu rượu trong nồi đồng

Hơn 200 năm nay, người Kim Long vẫn chỉ nấu rượu trong những nồi đồng. Ảnh: Hoàng Táo.
Hơn 200 năm nay, người Kim Long vẫn chỉ nấu rượu trong những nồi đồng. Ảnh: Hoàng Táo.
Thôn Kim Long, xã Hải Quế (Hải Lăng, Quảng Trị) có nghề truyền thống nấu rượu hơn 200 năm. Bên cạnh việc nấu rượu bằng nồi đồng, người làng này còn có những bí quyết khác, làm cho thứ rượu nấu ra thơm ngon nức tiếng trong và ngoài địa phương…

Kim Long có nhiều truông cát, nước dễ vào khó thoát; mùa mưa lụt nước dai dẳng ở lại; việc chăn nuôi, trồng trọt vào mùa này vì thế gặp nhiều bất lợi, khó khăn; từ thuở xa xưa, bà con đã phải kiếm tìm thêm nhiều nghề phụ ngoài sản xuất nông nghiệp để mưu sinh. Một trong những nghề phụ ấy nổi lên như một lẽ tự nhiên là nghề nấu rượu, bởi lẽ nguồn nước ở đây trong xanh, ngọt mát.

Anh Nguyễn Xuân Vũ, Phó Chủ nhiệm HTX Kim Long cho biết, nghề này ra đời và phát triển đến nay chừng đã hơn 200 năm. Sách Đại Nam nhất thống chí được biên soạn thời vua Tự Đức, ở quyển thứ tám, mục Thổ sản, cũng ghi: "Rượu Kim Long ở Hải Lăng, Quảng Trị ngon hơn, có thuế".

Tuy nhiên, nghề nấu rượu ở Kim Long cũng gánh chịu không ít thăng trầm. Trong ký ức của những người già từng chống chèo qua thời thực dân Pháp đô hộ, câu chuyện cấm nấu rượu ở đây vẫn còn đâu đó nỗi buồn. Sau khi cấm người dân nấu rượu, Pháp rảnh tay lập lên hãng rượu Xi-ka độc quyền với khu vực sản xuất rộng trên 2ha trong thôn.

Ông Nguyễn Dỏng, Trưởng ban điều hành làng Kim Long, kể lại: “Ngày đó, thực dân Pháp bắt bà con xây 6 cái giếng ở các địa điểm khác nhau của làng để lấy nước. Cha tui hồi ấy từng phụ trách những người gánh rượu thuê cho hãng xuống sông Vĩnh Định để chở đi bằng thuyền vào Huế trước khi lên tàu lớn sang Pháp, rồi xuất bán ra khắp thế giới”. Uất hận trước tình cảnh này, năm 1946, dân làng Kim Long đã nổi lên đập phá tan tành hãng rượu Xi-ka, giành lại tự do cho dòng rượu nấu từ hạt gạo trên đồng và nước ngầm truông cát của làng…

Hiện tại, làng rượu Kim Long là một trong hai làng nghề đầu tiên tại Quảng Trị được công nhận là làng nghề truyền thống, với đầy đủ tiêu chí theo quy định của Chính phủ. Làng có 300 hộ làm nghề nấu rượu, với sản lượng 3-5 lít/hộ/ngày, ước tính thu về hàng năm khoảng 2 tỷ đồng. Rượu nấu ra do các hộ tự phân phối đi nhiều tỉnh thành cả nước tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Thúy, một hộ dân nấu rượu ở làng cho biết: “Để cơm lên men phải mất 5 ngày đêm ngâm ủ. Người nấu phải thức giấc từ 4h đến gần trưa; cứ 3kg gạo mới nấu được một lít rượu. Dù thu nhập không cao nhưng cũng đỡ được phần nào cho con cái ăn học”. Hỏi chị, sao không chuyển sang phương thức nấu công nghiệp để nguồn thu cao hơn?

Chị Thúy trải lòng: “Tuy nấu công nghiệp cho nhiều rượu nhưng làm mất hương vị truyền thống. Nghề nối truyền thấm thoắt cũng đã qua gần chục đời rồi; mình phải tôn trọng, giữ gìn những gì cha ông đã cất công tìm ra, truyền lại”.

Vài năm lại đây, người Kim Long canh tác thêm loại gạo đỏ, gạo thảo dược để nấu rượu. Anh Vũ bấm đốt ngón tay: “Hiện tại, rượu Kim Long thành phẩm có 4 loại, gồm: rượu gạo, rượu nếp, rượu đỏ, rượu thảo dược, nồng độ khoảng 45%”.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, làng rượu Kim Long với 300 gian bếp vẫn luôn hồng lửa. Trên mảnh đất này, biết bao thế hệ đã nối tiếp nhau đắp lò nấu rượu, bao nhiêu người lấy nghề nấu rượu làm kế sinh nhai, và nấu ra chất men say đắm lòng người, trở thành một nét văn hóa đặc sắc của riêng miền đất Kim Long!

Theo Theo Công an nhân dân
MỚI - NÓNG