Bí thư Hà Nội: Phải xấu hổ khi để phố phường ngập rác

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải
TPO - “Các đồng chí cứ nói thu gom rác thải đạt 98%, tôi không biết là lãnh đạo các quận, huyện, các sở có đi kiểm tra không nhưng mà còn tồn nhiều lắm. Đặc biệt là thứ 7 và Chủ nhật, ngày nghỉ. Cái này nói mãi rồi vẫn chưa chuyển biến”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói.

Sáng 24/9, Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến công tác bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý trật tự xây dựng.

 Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, ý thức bảo vệ môi trường của xã hội nói chung và của một bộ phận người dân còn hạn chế dẫn đến việc xả rác không đúng nơi quy định, không tôn trọng môi trường sống chung. Rác thải sinh hoạt ở một số nơi tồn đọng, nhiều ngày chưa thu gom kịp thời.

“Các đồng chí cứ nói thu gom 98%, tôi không biết là lãnh đạo các quận, huyện, các sở có đi kiểm tra không nhưng mà còn tồn nhiều lắm. Đặc biệt là thứ 7 và Chủ nhật, ngày nghỉ. Cái này nói mãi rồi vẫn chưa chuyển biến”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, ngày nghỉ là ngày người dân đi vui chơi, nhưng đập vào mắt là toàn rác thải, đi ngắm rác thải, thưởng thức rác thải.

“Đặc biệt là đường lên Ba Vì, đường du lịch mà rác thì tấp vào khỏi nói. Ngày nghỉ, người dân đi thưởng thức mấy bãi rác? Mà tiền thì chúng ta vẫn thanh toán đủ. Đây là tồn tại còn nặng. Ý thức trách nhiệm vẫn còn kém. Các đồng chí không cảm thấy xấu hổ là mình để thành phố mình bẩn đến vậy, để phố mình, phường mình bẩn đến vậy. Quận, huyện, thị bẩn đến vậy?”, ông Hải đặt câu hỏi.

Ông Hải cũng nêu thực tế, các dự án triển khai về môi trường nói chung đều rất chậm tiến độ, đặc biệt việc xử lý ô nhiễm các dòng sông của thành phố hiện gặp khó khăn với hình thức đầu tư BT. Ông Hải cho biết, đã bàn với UBND, HĐND nghiên cứu việc bố trí vốn đầu tư công để thực hiện các dự án này.

“Bởi những việc này không thể chờ được. Chúng ta đã chờ nửa nhiệm kỳ nay rồi không triển khai tiếp được. Mấy dòng sông  đều ô nhiễm nặng cả. Đây là việc rất sốt ruột. Phải cân đối vốn thế nào để chúng ta triển khai tiếp”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng nêu vấn đề việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. “Hà Nội hiện còn 113 cơ sở ô nhiễm môi trường phải di dời mà không làm được thì không cách gì bảo vệ môi trường được. Tới đây phải làm kỹ hơn nữa với các quận, huyện, các cơ sở ô nhiễm, phải kiên quyết di dời. Quyền cấp phát giấy phép xả thải là chúng ta. Chúng là là cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn, thế mà người ta xả thải mà chúng ta vẫn ngồi kêu là ai là người cấp phép”, ông Hải nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, các cơ sở phải xử lý cục bộ trước khi xả thải ra môi trường. Nếu cơ quan quản lý không gây sức ép, không tính tới việc thu giấy phép xả thải thì không bao giờ khắc phục được. Kể cả việc khôi phục lại các dòng sông thành công mà nước xả thải vẫn chảy xuống thì không cách gì xử lý được.

Ông Hải cũng nhắc đến thông tin báo chí nói về Hà Nội đứng thứ 2 châu Á sau Bắc Kinh về độ ô nhiễm không khí. Dù không biết thông tin chính xác đến đâu nhưng phải có giải pháp về vấn đề này. Cần tăng cường biện pháp kiểm soát, xử lý tại các khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh, xây dựng nhiều.

Ông Hải yêu cầu các cấp ủy đảng, các cơ quan quản lý phải tăng cường công tác kiểm soát, xử phạt các vi phạm, phải phân công, phân trách nhiệm cụ thể. 

“Đối với người dân, đối với xã hội phải thấm nhuần về bảo vệ môi trường. Các kế hoạch phải chi tiết hóa, phân công, phân nhiệm và kiểm tra thường xuyên để xử lý. Các dải phân cách đường phố ở các quận, huyện chúng ta đi qua rác thải đầy, chúng ta vẫn cứ thấy bình thường như trách nhiệm của thành phố chứ không phải của quận huyện mình. Trong khi đó người ta đến du lịch, mất vệ sinh là bộ mặt quận của mình không ra gì thì mình vẫn còn chưa quan tâm”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng đề nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt việc cấm dùng than tổ ong tại các chung cư. Phải kiểm tra thường xuyên vì tình hình cháy nổ đang diễn biến phức tạp. “Sớm trình, phê duyệt để đưa ra thời điểm chúng ta ngừng sử dụng than tổ ong trên toàn thành phố, trước hết là các quận nội thành”, ông Hải nói.

Ông Hải cũng yêu cầu các sở, ban ngành, quận huyện phải quan tâm, thúc đẩy tiến độ các dự án xử lý nước thải các cụm, khu công nghiệp. “Chúng ta chuẩn bị dự án mất nửa nhiệm kỳ rồi, để nửa nhiệm kỳ sau mới khởi công được thì chết”, ông Hải nói.  

MỚI - NÓNG