Đối thoại với ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hóa):

Bí thư Tỉnh ủy nhận khuyết điểm

Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến trò chuyện với ngư dân Sầm Sơn tại buổi đối thoại. Ảnh: Hoàng Lam
Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến trò chuyện với ngư dân Sầm Sơn tại buổi đối thoại. Ảnh: Hoàng Lam
TP - Liên quan việc ngư dân thị xã Sầm Sơn tụ tập trước cổng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa nhiều ngày qua, phản đối việc thu hồi bãi neo đậu tàu thuyền ở Sầm Sơn để làm dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”, sáng 7/3, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến trực tiếp đối thoại với ngư dân.

Trước khi đối thoại, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khái quát một số dự án đầu tư phát triển kinh tế, du lịch tại Sầm Sơn; trong đó nêu chủ trương, chính sách việc triển khai dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”.

Theo ông Quyền, để phát triển toàn diện thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều dự án với tổng mức đầu tư khoảng 3.300 tỷ đồng. Ngoài các dự án có nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh Thanh Hóa còn kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển Sầm Sơn như: Tập đoàn FLC, HUD4… Trong các dự án kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp, có dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”. Dự án này có 13 hạng mục công trình, như: Công trình phục vụ nhu cầu du khách tắm biển; khu giải trí, khu thể dục thể thao, khu điêu khắc, khu vườn hoa, khu quảng trường tâm linh… Dự án có tổng mức đầu tư 316 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức BOT. Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành trước 30/3/2016.

Sau khi hoàn thành, nhà đầu tư quản lý trong phạm vi các ki ốt phục vụ tắm biển; UBND thị xã Sầm Sơn quản lý các công trình công cộng; người dân Sầm Sơn tiếp tục đăng ký kinh doanh phục vụ hoạt động cho du lịch Sầm Sơn. Số ngư dân bị ảnh hưởng bởi dự án này là 705 hộ, chủ yếu là các hộ dân có các bè mảng công suất 8 CV, 9CV, 20CV. Ngày 1/3/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ các ngư dân.

Bí thư Tỉnh ủy nhận khuyết điểm

Sau khi ông Nguyễn Đức Quyền khái quát tình hình triển khai dự án, có 13 ý kiến của người dân hỏi, trao đổi trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Hầu hết các ý kiến đều tập trung vào việc đề nghị ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa khi triển khai dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”, để lại từ 500 m đến 1.000m chiều dài bờ biển cho ngư dân tiếp tục nghề đánh bắt cá ven biển. Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề về việc quy hoạch nghề cá của ngư dân, giải quyết việc làm cho người lao động nhiều tuổi, người có trình độ thấp; không xóa bỏ bè, mủng có công suất thấp…

Sau khi tổng hợp ý kiến của người dân, Bí thư Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh: Để xảy ra việc người dân thiếu thông tin, tập trung khiếu kiện trong những ngày qua ở một số cơ quan trên địa bàn tỉnh, tôi nhận thấy  mình có khuyết điểm, trách nhiệm trước nhân dân Sầm Sơn. “Tôi xin khẳng định, biển, bờ biển là của đất nước chúng ta, của người dân, trong đó có nhân dân Sầm Sơn, nhưng nhà nước quản lý bằng các quy định hiện hành, không có chuyện tỉnh thu biển, bờ biển để giao cho bất cứ doanh nghiệp nào nếu không đúng các quy định của pháp luật”, ông Chiến nói.

Theo ông Chiến, những năm qua, Nhà nước và các nhà đầu tư đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển Sầm Sơn, du lịch Sầm Sơn. Trong quá trình triển khai dự án nhằm đưa bãi biển Sầm Sơn trở thành một trong những bãi biển đẹp nhất trong cả nước, có một số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân, nhưng đa số người dân chưa đồng tình với chính sách. Lãnh đạo tỉnh cho rằng chủ trương của Nhà nước, của tỉnh là hoàn toàn đúng. Đây là chủ trương đã có từ lâu (11 năm) nhưng chính sách thì mới ban hành ngày 1/3/2016, cho nên người dân chưa thấy được lợi ích từ chính sách này. Tỉnh đã rà soát lại tất cả các văn bản chỉ đạo di dời bến thuyền của Sầm Sơn. Các văn bản thể hiện rõ chỉ đạo tìm bến đỗ mới và xây dựng kỹ thuật tại bến mới, đảm bảo yêu cầu cho ngư dân neo đậu thuyền, bè, mủng; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân phù hợp; tổ chức tuyên truyền, vận động, thống nhất với bà con ngư dân, khi đủ điều kiện cần thiết mới tổ chức chuyển sang bến mới.

“Từ những lý do trên, tỉnh Thanh Hóa quyết định hộ dân nào đồng ý với chính sách của tỉnh thì nhận tiền hỗ trợ và thực hiện các quy định trước ngày 15/4/2016.  Hộ dân nào chưa thông với chủ trương, chính sách của tỉnh thì cứ ra khơi, khai thác bình thường như trước đây. Bởi vì tỉnh chưa có quyết định di chuyển bến neo đậu này. Ngoài ra, đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân; điều tra, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định”, ông Trịnh Văn Chiến nói.

Với cách giải quyết, trả lời của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đã nhận được sự đồng tình của nhiều ngư dân Sầm Sơn. Theo ghi nhận của Tiền Phong, ngay sau khi kết thúc buổi đối thoại, tại cổng UBND tỉnh và một số cơ quan khác đã không còn tình trạng ngư dân tụ tập đông như những ngày qua. 

Do chưa đồng ý với chủ trương, chính sách của tỉnh về việc triển khai dự án tại thị xã Sầm Sơn, từ ngày 26/2- 6/3/2016, hàng trăm người dân ở thị xã Sầm Sơn đã tập trung trước cổng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và một số cơ quan khác đòi gặp người có trách nhiệm để giải quyết vấn đề. Ngày 3/3, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án hình sự “gây rối trật tự công cộng”.

MỚI - NÓNG