Bi tráng Lèn Hà

Hang Lèn Hà đang là một trong những địa chỉ đỏ thu hút du khách thập phương
Hang Lèn Hà đang là một trong những địa chỉ đỏ thu hút du khách thập phương
TP - Mái nhà sập lửa rừng rực cháy/Lá gồi khô mới lợp hai ngày/Chằng buộc kỹ chẳng thể nào bay mái/Sập xuống trùm lên che kín cửa hầm/Chỉ mỗi chị Lung phía ngoài thoát chết/Còn chín người bị bom lửa cháy thui/Hai chị Lan - Loan nằm ở mé ngoài/Các ngón tay chân bị lửa bom đốt rụng/Số trong hầm thân thể còn nguyên vẹn/Khi chạm vào da thịt tuột bong ra…  

A lô A69 đây!

Tình cờ đọc được những câu thơ mộc mạc về sự hi sinh thầm lặng của 13 chiến sỹ thông tin A69, cách đây 47 năm của một nhà thơ không chuyên, đã thôi thúc tôi tìm đến Lèn Hà. Mong muốn của tôi được anh Lê Công Hữu, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa hưởng ứng. Anh Hữu cho biết, mỗi khi rỗi việc anh vẫn thường lên Lèn Hà để thắp hương cho các anh các chị. Cứ mỗi lần lên Lèn Hà, anh lại có một cảm giác thật lạ, vừa ấm cúng, vừa nhẹ nhõm sau bao bộn bề công việc.

Cái nắng đầu hè phía miền biên viễn của Quảng Bình như đổ lửa, gió Lào táp vào mặt rát bỏng… Lèn Hà là tên một cái hang cạn nằm ở lưng chừng một hòn núi đá vôi thuộc xã biên giới Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Nếu không có cái bảng chỉ dẫn “Lèn Hà 300m” dựng ở ngay cạnh đường Hồ Chí Minh, thì khó có thể tìm ra Lèn Hà nếu không phải người bản địa.

Giữa ngút ngàn rừng núi, nổi lên là hai ngôi nhà ngói đỏ tươi, dùng làm nơi lưu giữ những kỷ vật và thờ phụng các liệt sỹ đã hi sinh tại Lèn Hà. Đón chúng tôi là chị Hoàng Thị Luân, hướng dẫn viên duy nhất khu Di tích lịch sử quốc gia này. Giữa rừng núi hoang vu, ký ức một thời bi tráng về Lèn Hà cứ thế ùa về qua lời kể của chị Luân.

Bi tráng Lèn Hà ảnh 1  Anh Lê Công Hữu, Bí thư Huyện ủy Tuyên Hóa vẫn thường xuyên lên Lèn Hà thắp hương để tìm cho mình cảm giác ấm cúng, an lành

Năm 1967, Cục thông tin liên lạc thành lập trung đoàn 134 nay là lữ đoàn 134 và mở rộng tuyến dây trần vào sâu các tỉnh phía Nam quân khu 4. Tại đất lửa Quảng Bình, các trạm thông tin A69, A70, A72 và các trạm nhánh A71, A76 được thành lập. Và những chiến sỹ của A69 đã chọn Lèn Hà làm nơi đóng quân. Ở đây là một khối núi đá vôi cao chừng 400m, ở lưng chừng núi có một hang đá rộng hơn 420m2, được cán bộ chiến sỹ của trạm cải tạo đặt máy móc điện đàm.

Trạm thông tin A69 có nhiệm vụ tiếp chuyển thông tin mệnh lệnh chỉ thị của Bộ Quốc phòng từ Hà Nội tới các chiến trường ở miền Nam, tiếp chuyển thông tin sang nước bạn Lào…

Dù chiến trường đang ngày đêm khốc liệt nhưng những người con ưu tú của đất Bắc đến từ các miền quê Hòa Bình, Cao Bằng, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa… đã tụ về A69, quân số lúc cao nhất là 33 cán bộ chiến sỹ. Riêng tiểu đội Tải ba tổng đài được biên chế 13 nữ, tuổi đời chỉ mới mười sáu, đôi mươi.

Mặc cho giặc Mỹ điên cuồng đánh phá, mặc cho khắc nghiệt của thời tiết, Trạm thông tin A69 vẫn ngày đêm tiếp chuyển hàng ngàn, hàng triệu phiên liên lạc tới các mặt trận trên khắp các chiến trường giúp cho các chiến dịch giành thắng lợi. Trong đó có các chiến dịch tiêu biểu như Đường 9 Nam Lào, Cánh đồng chum, thành cổ Quảng Trị 1972… “A lô, A69 đây” được phát đi từ Lèn Hà, với chất giọng nữ miền Bắc trở thành quen thuộc trên các mặt trận đánh Mỹ ngày ấy.

Những ước mơ dang dở

Bằng nhiều thủ đoạn, giặc Mỹ đã định vị được Trạm thông tin A69. Vào lúc 13 giờ 25 phút, ngày 2/7/1972, khi cả trạm đang chuẩn bị vào giờ làm việc buổi chiều, máy bay Mỹ bất ngờ ập tới ném pháo khói vào nhà ăn chỉ điểm, để B52 ném bom rải thảm. Một quả bom tấn đã nổ chính giữa nhà hội trường, tiếp theo là bom bi, bom napan, bom nổ chậm được chúng vãi như trấu xuống Lèn Hà.  

Những người sống sót kể lại rằng: Sau bữa cơm trưa 3 nữ chiến sỹ Thanh, Vang, Nghiêm lên hang vào phiên trực. Có tiếng máy bay gầm rú trên đầu, nghĩ đó là âm thanh quen thuộc thường ngày nên mọi người không để ý. Bỗng “bụp, bụp, bụp” liên tiếp mấy tiếng nổ phát ra phía dưới chân lèn, kèm theo là những cột khói đen ngòm đùn lên mỗi lúc một to bao trùm cả dãy nhà ăn, nhà ở, hội trường của trạm. Hình như có tiếng của anh Trình trạm trưởng hét to phía dưới “bom chỉ điểm chúng sắp đánh đấy”.

Ngay lúc đó, một loạt bom đinh tai nhức óc ập xuống, sức ép xô nghiêng bộ tải ba to kềnh như chiếc tủ đứng. Theo phản xạ cả ba chị đeo nguyên cả tổ hợp tai nghe nhào lên đỡ khối máy. Đang loay hoay chống đỡ, một loạt bom nữa vang lên, lần này tiếng nổ nhỏ hơn nhưng ánh chớp sáng lòa. Sau này mọi người mới biết loạt bom đầu là bom phát quang, loạt sau là bom cháy. Khi phát hiện địch thả bom khói chỉ điểm anh Trình là trạm trưởng vội kéo theo anh Xây và anh Chấn, là 2 nhân viên kỹ thuật, cùng chạy lên hang để hỗ trợ máy và sẵn sàng khắc phục sự cố, nhưng khi chạy đến chân lèn thì địch thả loạt bom napan, các anh hy sinh ở ngay chân lèn.

Lửa đã bùng lên ở khu lán dưới chân lèn, từ trên hang mọi người cảm nhận được hơi nóng quạt lên từ những ngôi nhà đang rừng rực cháy. Nghe rõ cả tiếng người hô hoán, tiếng con gái kêu la. Lúc đó, chị Thanh định chạy xuống cứu đồng đội, thì bên cạnh, chị Lung người bị bỏng nặng đang lết trên mặt đất. Chị Thanh vội vàng vào rừng tìm cây chuối, lấy nhựa đắp lên người chị Lung nhưng chị đã hi sinh vì vết bỏng quá nặng. Mọi người trên hang chưa hết bàng hoàng thì đại đội phó Hựu lên cho biết, ngoài chị Lung ra còn 9 chiến sỹ nữ và 3 chiến sỹ nam nữa hy sinh, tổng số 13 người. 

Hy sinh mất mát là thế, nhưng với tinh thần tất cả cho nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc, các chiến sỹ còn lại của trạm đã gạt nước mắt, nén đau thương lao vào khắc phục sự cố. Chỉ sau một giờ đồng hồ, tuyến thông tin đã được thông suốt trở lại, tiếp tục đảm bảo thông tin kịp thời an toàn bí mật và chính xác cho đến ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Các anh các chị hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, bỏ lại những ước mơ dang dở. Mới 15 tuổi, chị Chu Thị Mạnh, cứng đầu bỏ học trèo lên cây dọa tự tử để gia đình đồng ý cho vào A69. Chị Mạnh, chị Liên cùng quê Phú Thọ, hy sinh ở tuổi 16 trăng tròn khi đang ngồi trên vọng gác, tay cầm chắc điện đàm.

Hành trang mang theo vào chiến trường của chị Lan Anh là quyển sổ lưu bút tuổi học trò, chiếc khăn quàng đỏ và con búp bê. Chị tình nguyện vào chiến trường là để được gặp bố, bởi khi chị mới lên 2 thì bố vào chiến trường. Biết tin con gái chuẩn bị vào bộ đội, đang chiến đấu ở quân khu 4, ông đã vội vã bắt tàu ra Bắc để được gặp con gái. Khi tàu vừa tới ga Hàng Cỏ thì cũng là lúc chuyến tàu chở chị Lan Anh bắt đầu chuyển bánh. Chợt nhận ra bố mình, chị chỉ kịp với gọi tên: Con Lan Anh đây bố! Bố ơi!/ Bố ơi! Bố ơi! Con ở trên này/Con ở trên này đây Bố ơi/Con tàu vẫn vô tình lăn nhanh bánh/Bố ngơ ngác chẳng nghe con mình gọi/Buổi chiều đó cũng là lần cuối/Chị thấy cha mà cha chẳng thấy mình/Trên con tàu chuyển bánh lăn nhanh/Chị nức nở đầm đìa tiếc nuối... Và niềm mong ước được gặp bố đã theo chị vào cõi vĩnh hằng.

Trước khi ngã xuống, cô gái Vũ Thị Lan 22 tuổi, quê Thái Bình đã chiến đấu tại A69 được 4 năm. Thủ trưởng đã đồng ý cho chị về quê tổ chức đám cưới vào tuần sau cùng chiến sỹ tên Hưng, cũng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn. Nhận được tin người yêu hy sinh anh Hưng đã xung phong ở lại A69 Lèn Hà thay chị Lan tiếp tục nhiệm vụ.

Trong số các chiến sỹ hy sinh thì duy nhất anh Xây mới có gia đình, vợ vừa sinh con trai được 1 tháng tuổi. Hôm nhận được tin vợ sinh con trai anh đã hét vang rừng: Tao có thằng cu chống gậy rồi! chống gậy rồi!/Có thằng cu chống gậy rồi chúng mày ơi/Giọng anh vui mắt tràn trề hạnh phúc/Khi có con trai nối dõi đầu lòng/Niềm vui của anh cả trung đội đều mừng/Mừng cho anh được làm cha sớm/Bom Mỹ chẳng cho anh niềm vui trọn vẹn/Đem bom phát quang phạt anh đứt ngang đầu/Đồng đội tìm mãi chẳng thấy đâu/ Ba ngày sau bên mé hào đầu anh mới thấy…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.