Biển báo sai chuẩn, người dân vẫn bị xử phạt

Biển báo khu dân cư vào thị xã Chí Linh - Hải Dương không đúng Quy chuẩn 41. Ảnh: Bình Minh.
Biển báo khu dân cư vào thị xã Chí Linh - Hải Dương không đúng Quy chuẩn 41. Ảnh: Bình Minh.
TP - Theo quy định hiện hành, với các tuyến đường nhiền làn, biển báo phải đặt phía trên hoặc cắm cả 2 bên chiều xe chạy. Gần đây, nhiều người phát hiện họ bị xử phạt khi cơ quan chức năng chưa thực hiện đủ quy định này.

Thời gian vừa qua, báo Tiền Phong nhận được đơn thư phản ánh của bạn đọc về tình trạng nhiều biển báo giao thông thuộc địa bàn tỉnh Hải Dương chưa được thay đổi theo Quy chuẩn QCVN41:2016/BGTVT (viết tắt là Quy chuẩn 41) về báo hiệu đường bộ, gây khó khăn cho người tham gia giao thông. 

Đơn cử, mới đây, anh Hà Văn Tân (Lục Nam, Bắc Giang) có đơn khiếu nại quyết định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ. Anh Tân cho biết, ngày 7/5, khi điều khiển xe tải BKS 89A – 08119 trên QL18 theo hướng từ Đông Triều về Chí Linh, đến Km 42 + 200, anh bị CSGT Hải Dương lập biên bản vi phạm do đi quá tốc độ 61/50km/h. Anh Tân được thông báo, đây là khu vực đông dân cư đã đặt biển báo nên có giới hạn tốc độ. Không bằng lòng với kết luận xử phạt, anh Tân quay trở lại và nhận thấy biển báo khu vực đông dân cư chưa được lắp đặt đúng quy chuẩn.

“Theo điều 20 của Quy chuẩn 41, trên những đường có 2 làn chạy trở lên trên cùng một chiều biển phải được treo trên giá long môn hoặc cột cần vươn, nếu không được có thể lắp thêm biển báo phía bên trái của xe chạy. Tại vị trí tôi bị xử phạt, biển báo không được lắp đúng quy định, đây là tuyến đường có nhiều xe tải, container di chuyển, khi tôi đi qua bị xe cao hơn che khuất tầm nhìn nên không thể thấy biển”, anh Tân nói.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trên QL18, đoạn gần phường Bến Tắm (thị xã Chí Linh, Hải Dương), đường gồm có 4 làn ôtô, mỗi chiều 2 làn. Các xe trọng tải lớn thường xuyên di chuyển qua đây, che chắn tầm nhìn sang 2 bên, nhiều khói bụi, việc quan sát biển báo khu đông dân cư ở sát làn đường bên phải khó khăn. 

“Ở đoạn đường này, nhiều tài xế bị xử phạt tốc độ, cãi vã giữa CSGT và người dân đi đường thường xuyên xảy ra. Quy định quá tốc độ lái xe bị xử phạt nặng, người vi phạm cho rằng họ “bẫy” vì biển báo thấp, bé không đúng quy chuẩn”, anh Hoàng, một người dân địa phương cho biết. 

Đề xuất nhiều lần nhưng chưa được điều chỉnh

Thượng tá Hoàng Tiến Nam, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Hải Dương cho biết: Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều biển báo hiệu giao thông chưa được thay thế, sửa đổi theo quy chuẩn 41. “Đường QL18 đoạn đi từ hướng Quảng Ninh về Hải Dương, biển cảnh báo khu vực đông dân cư chưa được thay thế. Tuy nhiên, đây là tuyến đường huyết mạch nối liền 2 tỉnh, nhiều xe tải, container di chuyển nên dù chưa được thay biển báo chúng tôi vẫn phải thường xuyên kiểm tra, xử lý , tránh TNGT đáng tiếc xảy ra”, thượng tá Nam nói.    

 Ông Nam cũng thừa nhận, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn rất nhiều điểm bất cập về biển báo như trên. Trước nghi vấn CSGT cố tình “bẫy” người tham gia giao thông khi liên tục xử phạt ở những điểm biển chưa đúng Quy chuẩn 41, thượng tá Nam cho rằng: Vấn đề “loạn” biển báo cũng khiến tình hình giao thông Hải Dương trở nên phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ mất ATGT đường bộ mà hiện nay chưa có hướng khắc phục triệt để. “Chúng tôi đã đề xuất rất nhiều lần về việc sửa chữa, bổ sung hệ thống các biển báo, vạch kẻ đường, đèn tín hiệu nhằm cải thiện tình hình giao thông. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được cải thiện. Biển báo chưa được thay thế theo đúng quy chuẩn nhưng CSGT vẫn phải xử lý người vi phạm để đảm bảo trật tự ATGT. Nếu trường hợp nào do không nhìn thấy biển báo mà vi phạm thì lái xe có quyền giải trình với lực lượng thi hành công vụ, nếu  giải trình có căn cứ thì họ chỉ bị nhắc nhở”, thượng tá Nam nói.

Đại diện Tổng cục Đường bộ cho hay, Quy chuẩn 41 được ban hành năm 2016, tuy nhiên, do chưa có điều kiện thay thế biển báo ngay nên năm 2017, Bộ GTVT có văn bản hướng dẫn. Theo đó, chỉ áp dụng việc treo biển báo trên giá long môn, cần vươn hay cắm cả hai bên đường theo chiều xe chạy với các tuyến đường rộng, có lưu lượng lớn. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tiền Phong, không chỉ tuyến có lưu lượng lớn như QL 18 nêu trên chưa đạt quy chuẩn, một số tuyến trọng yếu khác như QL 5, thậm chí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng không có biển báo đạt chuẩn.

Luật sư Phạm Văn Phất - Trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm (Hà Nội) cho rằng: Việc biển báo không đúng chuẩn là “đánh đố” người dân khi tham gia giao thông. “Biển báo, vạch kẻ đường không rõ ràng, cơ quan chức năng không thể yêu cầu người dân tuân thủ. Những trường hợp biển báo mờ, nhỏ, bị che khuất, bị thiếu..., cơ quan chức năng chỉ nên nhắc nhở người dân; khi khắc phục biển báo đúng chuẩn mới tiến hành xử phạt”, luật sư Phất nói.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".