Biên chế tăng thêm 96.000 người: Bất lực vì thiếu chế tài?

Đồ họa Trung Dũng, ảnh Như Ý.
Đồ họa Trung Dũng, ảnh Như Ý.
TP - Ông Nguyễn Đức Hà, thành viên Tổ biên tập Dự thảo Nghị quyết Trung ương 6 về tổ chức bộ máy (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, việc tăng thêm 96.000 biên chế chủ yếu tăng ở khối các đơn vị sự nghiệp công lập. Do chưa có chế tài xử lý nghiêm người làm kém nên cuối cùng dẫn đến hòa cả làng.

“Chỗ tôi tốt rồi, giảm thì giảm chỗ khác”

Bế mạc hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, sáng 30/11, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư cho biết, có một số ý kiến đóng góp gửi đến hội nghị đề nghị phân tích rõ thêm trách nhiệm của tập thể và cá nhân để xảy ra tình trạng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cồng kềnh, chồng chéo? Ông Thưởng cho biết, đây là kết quả của cả một quá trình lâu dài, tích tụ những bất hợp lý trong bộ máy nhà nước nhiều năm qua. Đảng cũng đã nhận thức được vấn đề rất sớm và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng bộ máy hành chính ngay từ Đại hội Đảng lần thứ VI. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa cao.

Theo ông Thưởng, nguyên nhân được Nghị quyết số 18 “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” chỉ rõ là: Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa đầy đủ, toàn diện về tầm quan trọng, tính cấp thiết và những yêu cầu đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là về những hạn chế, yếu kém đang tác động trực tiếp đến vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng và niềm tin của nhân dân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng, quy định của Nhà nước về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế vẫn còn thiếu kiên quyết, chưa đồng bộ; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, lợi ích cục bộ; tư tưởng bao cấp, tâm lý dựa dẫm, trông chờ vào Nhà nước còn khá phổ biến.

Đặc biệt, theo Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, một số cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu ở các cấp chưa có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động thiếu quyết liệt. “Khi nói chung, ai cũng đồng tình rằng bộ máy cồng kềnh, bất hợp lý, phải làm mạnh mẽ, nhưng đi vào thực hiện thì nhiều cơ quan đơn vị nói rằng chỗ tôi làm tốt lắm rồi, không phải tinh giản, đã cố gắng, nỗ lực, đáng lý phải tăng lên, nếu giảm thì giảm chỗ khác”, ông Võ Văn Thưởng nêu rõ.

Về việc xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách đối với những cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện phải sắp xếp, cơ cấu lại và tinh giản biên chế, ông Võ Văn Thưởng cho biết, trong Nghị quyết cũng đã nêu rõ “có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp”. Bộ Chính trị cũng đã giao cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ 21 nhiệm vụ, trong đó có việc sửa đổi Nghị định có liên quan theo hướng các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động quyết định và chịu trách nhiệm về việc giảm biên chế; thực hiện nghiêm chính sách theo quy định và bảo đảm kinh phí để thực hiện kể từ năm 2018. “Chắc chắn quyền lợi của người lao động thuộc diện tinh giản biên chế sẽ được quan tâm giải quyết”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Biên chế tăng thêm 96.000 người: Bất lực vì thiếu chế tài? ảnh 1 Bộ máy cơ quan hành chính ngày càng phình to nhưng không thấy ai bị kỷ luật. Ảnh: Như Ý.

Chưa có chế tài nên hòa cả làng

Trước đó, đề cập đến mâu thuẫn sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế, ông Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cho biết “không giảm mà còn tăng lên”. “Theo Nghị quyết 39 mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 - 150.000 người nhưng thực tế không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người”, ông nhấn mạnh. Trưởng Ban Tổ chức T.Ư cũng đặt câu hỏi về việc, có ai bị kỷ luật hoặc khen thưởng vì để tăng, giảm biên chế không?. “Chúng tôi rà soát thì chưa thấy ai được khen, chưa thấy ai bị kỷ luật”, Trưởng ban Tổ chức T.Ư nói.

Giải thích thêm về vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Hà, thành viên Tổ biên tập Dự thảo Nghị quyết Trung ương 6 về tổ chức bộ máy (Ban Tổ chức Trung ương) cho biết, việc tăng thêm 96.000 biên chế chủ yếu tăng ở khối các đơn vị sự nghiệp công lập. Bên cạnh đó, thời gian qua, có thành lập thêm một số cơ quan, tổ chức dẫn đến làm tăng thêm số lượng biên chế. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, nhất là người đứng đầu, nhiều cấp ủy, nhiều cấp chính quyền chưa quyết liệt. “Chúng ta cũng chưa có cơ chế khen thưởng những anh làm tốt, chưa có chế tài xử lý nghiêm người làm kém nên cuối cùng dẫn đến hòa cả làng”, ông Hà nói.

Để nâng cao trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 6, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Võ Văn Thưởng đề nghị các cấp uỷ, tổ chức đảng tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết một cách thường xuyên. Cấp ủy, người đứng đầu các địa phương, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, biểu dương, khen thưởng những đơn vị làm tốt, nhắc nhở, phê bình, xử lý theo quy định của Đảng đối với các đơn vị, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.

Người Việt ăn thiếu rau, uống quá nhiều rượu bia

Đề cập đến Nghị quyết T. Ư 6 “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới” và “về công tác dân số trong tình hình mới”, sáng 30/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, người Việt ăn thiếu rau, thiếu hoa quả nhưng lại thừa muối. Còn về hút thuốc và uống rượu bia thì cũng rất cao. Dẫn số liệu từ các dự án quốc tế, Phó Thủ tướng cho biết, có gần 45% người dân uống bia rượu và hơn 22% uống ở mức nguy hại. “Người Việt Nam uống rượu bia đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Thái Lan, đứng thứ 10 châu Á và 29 thế giới. Cái này rất không tốt, chúng ta không thể không nhìn vào”, Phó Thủ tướng nêu.

MỚI - NÓNG