Biên chế tăng thêm 96.000 người: Phải gắn trách nhiệm người đứng đầu

Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Quảng Ninh.
Đoàn giám sát của Quốc hội làm việc với tỉnh Quảng Ninh.
TP - Theo báo cáo Đoàn giám sát Quốc hội, để xảy ra những bất cập, hạn chế trong công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, có trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong các công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; trong xây dựng, ban hành văn bản, tổ chức thực hiện; trong giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.

Vì sao chưa kỷ luật ai?

“Địa chỉ” trách nhiệm được chỉ ra, nhưng một câu hỏi đặt ra là, việc tăng biên chế xảy ra, nhưng vì sao lại chưa có ai chịu trách nhiệm, chưa ai bị kỷ luật? Lý giải về việc này, nhiều ý kiến cho rằng, do chưa có quy định, chế tài cụ thể, nên ở những nơi vượt biên chế vẫn không ai bị kỷ luật. Qua rà soát, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính mới đây cũng khẳng định, chưa có ai được khen, cũng chưa ai bị kỷ luật. Ông cho rằng, một chủ trương khi thực hiện mà không có khen, có chê, có kỷ luật thì rất khó. Và xu hướng chung vẫn là “xin tăng biên chế”.

Khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp được đưa ra trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, sẽ lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu, lãnh đạo các cơ quan, người giữ chức vụ chủ chốt do Quốc hội, HĐND bầu, hoặc phê chuẩn.

Cùng với đó, nguyên tắc về phân công quản lý nhà nước để thực hiện tinh giản biên chế sẽ là “một cơ quan làm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”. Trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra theo hướng gắn quyền hạn với trách nhiệm.

Sẽ hợp nhất một số cơ quan, đơn vị hành chính

Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện sẽ theo hướng hợp nhất một số cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Tiến hành thí điểm hợp nhất một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nhau, như hợp nhất ba văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND, UBND cấp tỉnh thành một; công tác thanh tra và kiểm tra thành một cơ quan; tổ chức và nội vụ thành một cơ quan; Văn phòng các tổ chức đoàn thể, chính trị thành một đầu mối.

Trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh việc sáp nhập, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đụng đến con người luôn là vấn đề rất nhạy cảm, tâm tư, không đơn giản để thực hiện. Tuy nhiên, với tình trạng bộ máy cồng kềnh hiện nay, phải thực hiện trên cơ sở có lộ trình, kế hoạch cụ thể. “Cần phải lấy ý kiến rộng rãi trong dân, trong chính đội ngũ công chức, viên chức để tạo ra sự đồng thuận”, ông Hòa lưu ý.

Cùng chia sẻ về cái khó khi thực hiện tinh giản biên chế, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng, khi thành lập bộ phận mới “ai cũng phấn khởi”, nhưng khi tinh giản, sắp xếp lại, nhiều người sẽ tâm tư. Một giải pháp được Hà Nội kiến nghị Chính phủ là cho xây dựng cơ chế “tự nguyện tinh giản”.

Qua đó, nếu cán bộ, công chức tự nguyện xin nghỉ, làm việc khác thì nhà nước có cơ chế hỗ trợ, hay người ở lại hỗ trợ người đi ra, như mô hình một số nước thực hiện, rất nhân văn. Cụ thể, có bốn cơ chế đặc thù được Hà Nội nêu ra, xin ý kiến Thủ tướng để thực hiện chủ trương khuyến khích sự tự nguyện.

Theo Bí thư Hà Nội, điều quan trọng là phải thực hiện minh bạch, đồng thời làm tốt việc tuyên truyền để cán bộ công chức thấy sắp xếp bộ máy là hợp lý, hợp tình và cùng chia sẻ, hy sinh vì lợi ích chung.

Năm 2016, tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện gần 270 nghìn người. Trong đó có 11 địa phương sử dụng vượt biên chế công chức là: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An. 

MỚI - NÓNG