Biển của thời... cạn kiệt

Đội tàu đông đúc neo đậu ở cảng cá thị xã La Gi Ảnh: Văn Minh
Đội tàu đông đúc neo đậu ở cảng cá thị xã La Gi Ảnh: Văn Minh
TP - Tàu đánh bắt xa bờ ngày nay được trang bị máy móc, phương tiện hiện đại hơn xưa… nhưng biển giờ đây không còn là biển bạc. Nghề biển ngày một khó khăn, lên bờ kiếm kế sinh nhai cũng không dễ bởi bao đời đã quen với vị mặn của biển…

Mỗi chuyến ra khơi, chi phí bỏ ra cả trăm triệu đồng, ngư dân chỉ cần trời yên biển lặng, để có chút lãi trang trải cuộc sống. Ngặt nỗi, thời tiết thất thường, tài nguyên cạn kiệt. Những chuyến ra khơi lại càng thêm bấp bênh theo con sóng.

Biển chật tàu đông

Trước thực trạng tàu thuyền tăng tự phát từ nhiều năm nay dẫn đến khai thác cá không bền vững, lần đầu tiên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý tàu cá theo hạn ngạch. Theo đó, cơ quan này giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước.

“Việc cấp hạn ngạch là cơ sở để quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản theo đúng Luật Thủy sản năm 2017, hướng đến phát triển nghề cá có trách nhiệm, bền vững”, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận nói.

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ trước, cả tỉnh Bình Thuận chỉ khoảng hơn 20 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, nay đã lên đến con số là 1.800 chiếc, được trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại. Trước thực trạng bùng nổ tàu đánh bắt xa bờ, tỉnh Bình Thuận đã cấm không cho đóng mới hoặc mua tàu ngoài tỉnh cỡ lớn nữa.

Để tàu ra khơi đánh bắt, phí tổn cho mỗi chuyến lên đến cả trăm triệu đồng. Tốn kém là vậy nhưng lợi nhuận thu về lại bấp bênh, may rủi. Phí tổn là cách nói của dân biển, nó bao gồm các chi phí chủ tàu đầu tư vào cho mỗi chuyến ra khơi như tiền xăng dầu, nước đá ướp cá, tiền mua đồ ăn thức uống mang theo....

Lão ngư Nguyễn Văn Điệu (62 tuổi, ngụ phường Bình Tân, thị xã La Gi, Bình Thuận) chia sẻ: “Bây giờ bám biển không dễ ăn như trước. Mỗi lần tàu nhổ neo ra khơi tốn cả trăm triệu đồng. Thiếu vốn tàu nằm bờ mau hư hỏng. Ra khơi thất thu thì mang nợ”.

Khá giả nhờ cặp tàu lớn (loại 500CV) chuyên đánh xa bờ nhưng nhiều phen ông Nguyễn Văn Điệu xây xẩm mặt mày. Hỏi ra, ông cười khẩy: “Xăng dầu tăng giá làm tui tăng huyết áp. Chỉ cần giá xăng dầu lên vài trăm đồng là đội chi phí lên vài chục triệu”.

Ông nói, hai chiếc tàu này giao cho hai thằng con rể lái. Bạn tàu ít nhất cũng 14 người mới nhổ neo ra khơi. Chi phí đồ ăn thức uống, nước đá, ngư cụ...tất tần tật mỗi chuyến ra khơi cũng bay gần 200 triệu đồng. “Phí tổn rất lớn nhưng thu nhập lại bấp bênh, phụ thuộc vào ông trời, con cá dưới biển”, ông Điệu trầm ngâm.

Biển của thời... cạn kiệt ảnh 1 Ông Nguyễn Văn Điệu (bìa trái) Ảnh: Văn Minh 

Không dư dả như người ta nhưng ông Lê Văn Lắm (48 tuổi, ngụ phường Phước Hội, thị xã La Gi, Bình Thuận) không lấy làm buồn mà tỏ ra rất đỗi tự hào với cái nghề đi biển. Cả đời ông gây dựng được một chiếc tàu cỡ lớn 300CV, hành nghề lưới vây xa bờ.

Chiếc tàu mang số BTh-98015TS của ông được mua lại cách đây khoảng 10 năm thay cho chiếc thuyền thúng câu mực ven bờ. “Giờ đi biển hên xui lắm, bữa đực bữa cái. Chỉ mong đủ ăn đến huề vốn là mừng lắm rồi”, ông nói.

Ông Lắm vừa là chủ tàu vừa là tài công. Những người kiêm nhiệm hai “chức vụ” như ông ở xứ biển này không hiếm. Mấy lão ngư dân rỉ tai nhau: Không phải họ tham “chức tước” gì mà chỉ với mục đích vừa giảm bớt chi phí thuê tài công, vừa quán xuyến công việc trên tàu trơn tru hơn. 
Vốn liếng không có nên ông Lắm chạy vạy vay mượn đủ kiểu để trang trải chi phí cho mỗi chuyến ra khơi. Chi phí nào xin gối đầu được thì gối đầu, cái nào không được thì trả tiền mặt. “Bèo gì cũng phải đổ vào 70 triệu đồng mới nhổ neo ra khơi được. Vì vậy, tàu rời bến cũng chẳng đều đặn, có khi nằm bờ vài tháng”, ông Lắm bình thản nói.

Niềm vui lớn nhất của lão ngư này là khi gặp may hưởng “lộc” của biển để có chút đỉnh trả nợ gối đầu, chia tiền công cho anh em bạn tàu, còn dư chút ít lo cho con cái ăn học. 

Ngư trường cạn kiệt

Chuyến tàu vừa rồi ông chủ Lê Văn Lắm lỗ gần 50 triệu đồng. Đôi mắt ông trũng sâu. Trên đường về nhà, ông vừa đi vừa thở dài: “Chuyến này lỗ nặng. Chuyến tới chỉ biết nhờ trời thôi”.
Ông nhẩm tính, tàu lên cá xong, chia tiền công ít ỏi cho mười mấy bạn tàu, trừ các chi phí lỗ gần 50 triệu. Đây không phải lần đầu rơi vào cảnh này. Người đàn ông nhỏ con, gương mặt đen xạm và nhăn nheo thở dài vời vợi nhìn ra biển.

Ngư dân Lê Văn Lắm đi biển từ lúc trai trẻ độ mười bảy, mười tám tuổi. Vài năm sau, kiêm luôn chức tài công đến tận bây giờ. Chỉ khác ở chỗ, tàu cá được nâng cấp to hơn, hiện đại hơn trước rất nhiều nhờ tiền vay ngân hàng. “Cá biển đang ít dần, theo năm tháng. Nhiều chuyến chạy vòng vòng ngoài khơi mà chẳng gặp đàn cá nào”, ngư phủ trầm tư.

Ông Lắm nói, mỗi tàu ra khơi đều có vài cái bí quyết riêng “đánh hơi” ngư trường mới. “Chỗ này không có cá, nghe ngóng các tàu bạn ở nơi khác. Chỉ những bạn tàu thân thiết lắm họ mới nói cho biết để còn kiếm cơm”, ông Lắm tiết lộ.

Nghe ông Lắm nói tôi chợt nhớ lại câu chuyện lúc sáng trao đổi với lão ngư Nguyễn Văn Điệu. Dù ông rời xa biển lên bờ an phận tuổi già từ mấy năm nay nhưng máu nghề vẫn còn đó. Ông có thể kể về nghề đi biển cả ngày không chán. Ông chậm rãi kể lại cái thời của ông đi biển nó sung sướng lắm. “Thời tôi đi biển là để làm giàu, còn bây đi biển chỉ mong đủ ăn là quý”, ông Điệu đúc kết.

“Hồi trước tàu thuyền làm gì có máy móc hiện đại như bây giờ mà vẫn làm ăn ngon lành. Bạn tàu ai nấy hào hứng kéo lưới đầy ắp cá tôm. Còn nay, cái nghề nó bấp bênh, bữa đực bữa cái”, ông Điệu sẻ chia.(Còn nữa)

Theo đánh giá của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), Việt Nam khai thác đánh bắt thủy hải sản không bền vững. Theo quy định của tổ chức này, không được đánh bắt vượt quá 50% trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Còn quy định của Nhật Bản, khai thác không vượt quá 30% nguồn lợi thủy hải sản.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận cho biết, lâu nay, chúng ta đánh bắt, khai thác vô tội vạ, có lúc lên đến 80-90%, dẫn đến nguồn lợi thủy hải sản mỗi năm mỗi giảm. Từ khi có Luật Thủy sản mới nói đến khái niệm khai thác bền vững, đưa ra giải pháp bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản phù hợp với thế giới.

MỚI - NÓNG