Biển của thời... cạn kiệt: Đâu rồi ngư phủ?

Lão ngư Nguyễn Văn Tôn (58 tuổi, ngụ phường Thanh Hải, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đã bỏ tàu lên bờ mưu sinh gần 10 năm nay. Ảnh: Văn Minh
Lão ngư Nguyễn Văn Tôn (58 tuổi, ngụ phường Thanh Hải, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) đã bỏ tàu lên bờ mưu sinh gần 10 năm nay. Ảnh: Văn Minh
TP - Tình trạng thiếu lao động biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch ra khơi của ngư dân. Không chỉ thiếu bạn tàu, thiếu luôn những thợ lành nghề phục vụ cho nghề biển mà nhiều gia đình có truyền thống cũng chới với với nghề…

Ðỏ mắt tìm bạn tàu

Hiện nay toàn tỉnh Bình Thuận có 5.200 chiếc tàu đánh bắt cá, trong đó đội tàu cá ở thị xã La Gi chiếm hơn 30% số tàu toàn tỉnh. Nhu cầu cần lao động biển rất cao trong khi bạn tàu nhảy việc, không mặn mà với nghề là một thực tế dễ thấy. Từ mấy năm nay, cảnh tàu ngóng thuyền viên xảy ra thường xuyên. Nhiều ngư dân có tàu nằm bờ đỏ mắt tìm ngư phủ.

Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận đánh giá, việc thiếu hụt lao động biển là xu hướng chung. “Ngày nay nghề cá kém hấp dẫn, không thu hút người lao động trong khi lực lượng được đào tạo chuyên ngành về khai thác thủy sản gần như không có”- lãnh đạo chi cục này nói. Chưa kể, ngay cả lực lượng lao động phổ thông tham gia nghề cá giờ khó tìm hơn trước.

Nhiều chủ tàu rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi phải lụy bạn tàu. Họ đi “bữa đực, bữa cái”, không mặn mà gắn bó bởi thu nhập bấp bênh. Có người bỏ việc lên bờ, có người nhảy sang tàu khác. Các chủ tàu dùng đủ “chiêu” để giữ chân bạn tàu, nhưng rồi đến giờ ra khơi, bạn tàu vắng bóng.

Chủ tàu Trần Thanh Dũng (52 tuổi, phường Phước Lộc, thị xã La Gi, Bình Thuận) ngồi buồn nhâm nhi ly cà phê đen, nói: “Tàu tui đang neo ngoài cảng, chờ kiếm thêm vài bạn nữa là nhổ neo nhưng cả tuần nay đỏ mắt tìm mà chưa được ai”.

Tàu ông chuẩn bị ra khơi chuyến đầu tiên từ sau Tết Nguyên đán. Ông bảo năm rồi đi thua lỗ phải nằm lại bờ mãi đến nay. Nằm bờ lâu quá, thuyền viên bỏ ông mà đi hết trong khi để ra khơi, cần ít nhất 10 người. Nói cho nhiều vậy chứ, người nhà của ông chiếm một nửa, chỉ thêm 2 thuyền viên nữa là giong buồm, vậy mà...

“Đúng ra giữa tháng 6 tàu tui nhổ neo ra khơi cho kịp con trăng rồi nhưng không ngờ 2 đứa bạn tàu thất hứa, đi tàu khác”, ông Dũng chia sẻ.

Giờ đi biển thu nhập không ổn định nên nhiều thuyền viên nhảy từ tàu này sang tàu khác như cơm bữa.

Không để lụy bạn tàu cũng như làm ảnh hưởng đến lịch ra khơi, ông Bạch Lòng (64 tuổi, ngụ phường Bình Tân, thị xã La Gi, Bình Thuận) dù đã “nghỉ hưu” lên bờ từ nhiều năm nay nhưng vẫn đôn đáo chạy tìm bạn tàu trước mỗi chuyến ra khơi.

Có 4 chiếc tàu đánh bắt xa bờ. Mỗi chuyến ra khơi cũng cần ít nhất 50 người. Thiếu người thì không thể đi. Những tàu này ông giao cho đứa con trai và thuê thêm tài công. Cứ mỗi chuyến ra vào, thuyền viên lại biến động ít nhiều. Ông ở nhà chỉ lo mỗi việc tìm người đi biển cho con trai.

Lão ngư Bạch Lòng nói: “Cũng may làm ăn được nên tìm bạn tàu dễ hơn chút ít so với người ta. Chỉ cần mình lên tiếng là có người tìm đến. Còn chỗ khác, tìm bạn tàu đã khó, giữ chân họ lại càng khó hơn”.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận nhìn nhận, tình trạng thiếu lao động biển hiện nay là đáng báo động. Báo động hơn đó là thiếu những thợ lành nghề biển, kỹ sư biển…phục vụ cho nghề cá.

Nói về thực trạng thiếu bạn tàu, ông Huy cho biết do biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, nguồn lợi thủy hải sản suy giảm nên tàu thuyền đánh bắt xa bờ giờ làm ăn bấp bênh, lợi nhuận không cao như trước. Chính việc này dẫn đến nghề cá không còn hấp dẫn, người lao động tham gia vào nghề cá ngày càng giảm…

Khó giữ nghiệp cha ông

Câu chuyện gắn bó với nghề biển chưa dừng lại trong chính ngôi nhà của nhiều ngư dân.

Phần lớn, các lão ngư mong muốn con cái nối nghiệp đi biển của gia đình. Ngặt nỗi, con cái không mặn mà gắn bó với biển, tìm hướng đi khác. Mấy lão ngư trọn đời với biển cũng không nỡ ép con cái, chỉ dám giữ trong lòng tâm tư pha chút chạnh lòng, chua xót…

Như trường hợp lão ngư Nguyễn Văn Điệu (62 tuổi, ngụ phường Bình Tân, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) là gia đình có truyền thống đi biển từ bao đời nay. Từ đời ông, đến đời cha và nay là đời con nhưng không ai theo nghề đi biển. Đội tàu 2 chiếc được xem là gia sản ông để lại, ông giao phó cho 2 người con rể.

Đây cũng xem là chút an ủi đối với lão ngư cả đời sống với biển. Đội tàu 2 chiếc nhà ông vì vậy không phải thuê mướn, giao cho “người dưng nước lã”. Ông già cũng không tiếc công sức, truyền đạt lại hết kinh nghiệm đi biển cho hai đứa con rể.

Đôi lúc ông nhắc lại với vẻ tự hào: Nghề biển là nghề gia truyền từ bao đời nay ở đây. Nghề cha truyền con nối nên ông muốn con cái theo nghiệp ông bà để lại. Mong muốn là vậy nhưng không nỡ ép con cái phải theo. “Nghề biển bây giờ khó khăn, vất vả và khó làm giàu hơn xưa nhiều. Tôi nghĩ con cái thời nay thực tế, thực dụng hơn”, ông Điệu tự an ủi.

Ông Lê Văn Lắm trăn trở hơn. Hết đời đi biển của ông không biết thằng con trai lớn có nối nghiệp hay không. Bây giờ nó vẫn cùng ông ra biển. Nhưng cái nghề nó bấp bênh quá, về lâu dài chẳng biết nó có chịu nổi không. Riêng thằng con trai thứ đang học đại học ở TPHCM, coi như nó không theo nghiệp ông già rồi!

Hiện nay, đứa con trai út, ông cũng đang cố lo cho nó học thành người, có nghề nghiệp ổn định hơn ở trên bờ chứ cũng không muốn nó theo nghiệp bố làm chi. Thời gian đi biển của ông được tới đâu hay tới đó. Về già lên bờ rồi tính tiếp. “Còn vốn liếng đóng tàu thì thuê người đi đánh bắt tiếp, còn không thì bán chứ biết làm sao”, ông Lắm trầm ngâm.

Dứt khoát hơn các lão ngư khác, ông Ngô Thanh Châu (53 tuổi, ngụ phường Phước Hội, thị xã La Gi, Bình Thuận) không muốn con cái theo nghiệp của ông. Cả đời ông nếm trải đủ khổ cực với nghề. Ông muốn con ông chuyển sang làm những nghề dịch vụ liên quan đến biển để bớt cực nhọc hơn.

Ông Châu có 3 người con đều được nuôi ăn học tử tế. Một đứa lập nghiệp ở TPHCM giờ cũng có chút ít thành đạt về kinh doanh đồ gỗ. Còn hai đứa ở nhà cũng mở tiệm kinh doanh buôn bán ngư cụ. “Về già tôi không đi biển nữa thì thuê người khác đi. Đến khi nào không sống nữa thì chiếc tàu giao lại con cái tự quyết”, ông Châu nói.

Nhận thấy không còn phù hợp với nghề biển, bản thân lão ngư Nguyễn Văn Tôn (58 tuổi, ngụ phường Thanh Hải, TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã bỏ tàu lên bờ mưu sinh gần 10 năm nay dù gia đình ông cũng có 3 đời đi biển.

Biển của thời... cạn kiệt: Đâu rồi ngư phủ? ảnh 1 Đội tàu cá cập cảng tại cảng cá Phan Thiết.  Ảnh: Văn Minh

Ông bỏ tàu lên bờ vào thời điểm nghề cá bắt đầu chuyển đổi dần theo hướng quản lý nghiêm ngặt, không đánh bắt vô tội vạ nữa. Những tàu đánh bắt ven bờ, đánh bắt theo kiểu truyền thống tận diệt, ảnh hưởng môi trường dần dần bị cấm. Chuyển sang hình thức đánh bắt khác ông không đủ vốn, không đủ sức nên lên bờ tìm kế sinh nhai…

Để khắc phục được tình trạng thiếu lao động biển, lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận cho rằng, việc này đòi hỏi chủ tàu cá phải nâng cấp, trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại để giảm nhân lực. “Thay vì tàu cá ngày trước cần 10 lao động, thì nay với trang thiết bị hiện đại trên tàu, chỉ cần 5 người là đủ”, ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, kiêm Chủ tịch Hội nghề cá tỉnh Bình Thuận cho biết.

(Còn nữa)

 
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.