Biến đổi khí hậu, nước biển dâng thực sự hiện hữu

Các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể. Ảnh ĐN.
Các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể. Ảnh ĐN.
TPO - Các nghị sỹ cho rằng, nếu không có hành động cụ thể, biến đổi khí hậu có thể khiến người dân gặp rủi ro, nguy hiểm cho nhiều hộ gia đình và nguồn thu của chính phủ, gia tăng nghèo đói, vì thế gây nên sự bất ổn về xã hội, trầm trọng tình trạng bất bình đẳng.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng thực sự hiện hữu

Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 Diễn đàn Nghị viện châu Á – Thái Bình Dương (APPF-26), sáng 20/1, các đại biểu tham dự Phiên họp toàn thể về các vấn đề hợp tác và phát triển trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thảo luận chủ đề: Tăng cường hành động chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, các nguồn lực cho phát triển bền vững, đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch trong khu vực.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Uông Chu Lưu nêu, Quốc hội và nghị sỹ các nước châu Á – Thái Bình Dương nhận thức sâu sắc về những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Thời gian qua, các nước châu Á – Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng, thông qua nhiều chương trình, dự án cấp quốc gia nhằm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Các nước châu Á – Thái Bình Dương cũng thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, biến đổi khí hậu, nước biển dâng không còn là nguy cơ tiềm ẩn mà thực sự đã hiện hữu. Ngay tại Hà Nội, mùa hè năm 2017, nhiệt độ đạt mức cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm qua. Không riêng ở Việt Nam, rất nhiều nơi trên thế giới đã và đang chứng kiến những bất thường của thời tiết; thiên tai, thảm họa nhiều hơn. Nhiều mô hình dự báo nhiệt độ khu vực châu Á -Thái Bình Dương đến năm 2030 sẽ tăng 0,5-2 độ C.

Tác nhân gây ra biến đổi khí hậu không chỉ công nghiệp mà còn từ nông nghiệp và sinh hoạt. Không chỉ từ nhà máy lớn, từ hóa chất trên ruộng đồng hay nạn phá rừng mà còn từ cả những thói quen lựa chọn phương tiện đi lại, sử dụng điện, nước của mỗi người dân. Nhấn mạnh ảnh hưởng không biên giới của những tác nhân biến đổi khí hậu, Phó Thủ tướng khẳng định mọi quốc gia, nền kinh tế có quyền lợi và trách nhiệm nỗ lực hạn chế các tác nhân có hại cũng như khắc phục hậu quả và phòng ngừa.

Chính vì thế, cần phải làm cho toàn xã hội, từng người dân đều hiểu và bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ đến những việc đòi hỏi công nghệ và nguồn lực lớn. Như từng bước loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tiến tới phát triển nền kinh tế các-bon thấp và tăng trưởng xanh thông qua những thay đổi toàn diện trong tiếp cận, phương thức sản xuất, phương thức canh tác.

Theo Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) Martin Chungong, thời gian qua, IPU đã phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) xây dựng bộ công cụ tự đánh giá cho các nghị viện thành viên để rà soát, nhận diện được "lỗ hổng" trong thể chế; từ đó đưa ra những biện pháp thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời thể hiện cam kết đối với việc xử lý tác động của biến đổi khí hậu.

Theo ông Martin Chungong, các quốc gia cần quan tâm nhiều hơn đến y tế công cộng; khai thác nguồn năng lượng khác thay vì sử dụng nguyên liệu hoá thạch đồng thời giáo dục cộng đồng về vấn đề sức khoẻ…để ứng phó hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.

Thảo luận tại phiên họp, các nghị sỹ cho rằng, nếu không có hành động cụ thể, biến đổi khí hậu có thể khiến người dân gặp rủi ro, nguy hiểm cho nhiều hộ gia đình và nguồn thu của chính phủ, gia tăng nghèo đói, vì thế gây nên sự bất ổn về xã hội, trầm trọng tình trạng bất bình đẳng.

Chính vì thế, các quốc gia thành viên cần phải nhận diện những cơ hội cho phát triển bền vững trong bối cảnh ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu, từ đó tạo thuận lợi cho các nước chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đồng thời yêu cầu có hành động cấp bách của các quốc gia và các bên liên quan, trong đó nghị viện giữ vai trò chủ chốt.

Hình thành các tuyến, tour du lịch xuyên quốc gia

Việc huy động các nguồn tài trợ, nguồn lực để thực hiện hiệu quả chương trình nghị sự phát triển bền vững là một vấn đề then chốt, phần nào quyết định sự thành công của mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua chức năng quyết định ngân sách, phân bổ ngân sách, nghị viện giữ vai trò quyết định thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Các nghị viện phải đảm bảo đưa những cam kết quốc gia và các ưu tiên phát triển bền vững vào quy trình lập ngân sách. Những thỏa thuận quốc tế giúp nghị viện nhận diện những mục tiêu mới trong từng giai đoạn, giám sát những khuôn khổ hợp tác cấp quốc gia và khu vực về tài chính vì phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, nghị viện phải tạo thuận lợi cho quy trình hoạch định, thực hiện và đánh giá mức đóng góp tài chính của mỗi quốc đối với mục tiêu ứng phó toàn cầu đối với biến đổi khí hậu.

Đại diện đoàn Trung Quốc cho rằng, thế giới đang có biến chuyển sâu sắc, đối mặt với thiếu thốn nguồn lực, vì thế phải có chiến lược phát triển toàn diện ở khu vực cũng như quốc tế. Theo đó, các quốc gia cần tăng cường sự sẵn sàng phối hợp, tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, mở cửa thị trường, giảm gánh nặng nợ, đóng góp vào sự phát triển thế giới; tăng cường hợp tác đa phương, quản trị tài chính để hỗ trợ phát triển.

Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đa văn hóa với tiềm năng to lớn cho phát triển du lịch. Do đó, đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của khu vực và của mỗi quốc gia, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa các nước.

Đề cập đến du lịch, ngành “công nghiệp không khói” trong giao lưu văn hoá, Phó Thủ tướng khẳng định du lịch không chỉ tạo nhiều việc làm, sinh kế, giúp xóa đói giảm nghèo cho nhiều người dân mà còn thúc đẩy tìm hiểu, giao lưu văn hóa; tạo cơ hội hợp tác trong lĩnh vực khác.Để thúc đẩy, phát triển du lịch, cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách visa, vận tải, hạ tầng cơ sở, bảo đảm môi trường du lịch an toàn, thân thiện...

Kết nối di sản giữa các quốc gia, hình thành các tuyến, các tour du lịch xuyên quốc gia; thiết lập mạng lưới các điểm đến du lịch, tăng cường chia sẻ các mô hình tốt về du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, thiên nhiên, ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch... nhằm tạo điều kiện để du khách dịch chuyển thuận lợi, an toàn là hết sức quan trọng.

Đặc biệt cần phải bảo vệ môi trường thiên nhiên khi phát triển các cơ sở du lịch, hạn chế tối đa những hành vi tiêu cực làm xói mòn các giá trị văn hoá, tàn phá các di sản văn hóa, thiên nhiên.

MỚI - NÓNG