Biến đổi khí hậu ở VN: Hiểm họa ngày càng rõ

Biến đổi khí hậu ở VN: Hiểm họa ngày càng rõ
TP - Sáu trận lụt liên tiếp chưa từng có xuất hiện ở miền Trung. Đợt triều cường lớn nhất trong vòng 48 năm qua ở TPHCM và nhiều tỉnh Nam Bộ. Dịch tiêu chảy cấp bùng phát phức tạp và bất thường khiến ngành y tế nước ta lúng túng...

>> Đợt lũ lịch sử 2007
>> Hôm nay, triều cường tại TPHCM đạt đỉnh 1,48m

Tạo hóa nổi giận

Sáu trận lụt liên tiếp chưa từng có trong lịch sử nước ta đã xảy ra ở miền Trung mới đây. Cơn bão số 6 có đường đi bất thường trên Biển Đông, khiến Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương dự báo nhầm liên tiếp mấy ngày đầu, cho đến khi nó suy yếu thành áp thấp.

Theo TS Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, cơn bão số 07 có đường đi kỳ dị nhất từ trước đến nay, di chuyển theo hướng tây nhằm vào lãnh thổ Việt Nam với cường độ cao rồi đột ngột quay ngược 180 độ khi chỉ còn cách bờ chưa đầy 200 km và đang lang thang ngoài Biển Đông.

Đúng lúc cả miền Trung gồng mình sẵn sàng với bão số 7 cấp 11 đang tiến vào bờ, chúng tôi ghé qua huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Lần đầu đến đây nên ai nấy nhắc đến tìm bưởi Phúc Trạch,  trước để thưởng thức và sau là viết bài cho số Tết Nguyên đán. Ai dè, ông Phạm Mạnh Tường, chủ một doanh nghiệp có 450 ha rừng ở Hương Khê nói ráo hoảnh: “Còn chi bưởi Phúc Trạch mà mần”.

Đúng một năm sau hội thi bưởi với khí thế làm ăn lớn và hội nhập, người ta bắt đầu nhận thấy rõ hiện tượng giảm năng suất và dẫn tới mất mùa bưởi Phúc Trạch.

Nhóm nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Rau - Quả Trung ương (IFVR) được huy động để tìm nguyên nhân. Mấy năm trời, nguyên nhân mờ mịt mà các số liệu về mất mùa lại ngày càng rõ.

Thống kê cho thấy, khoảng 2/3 số cây năm 2005 và 2006 không cho thu hoạch. Các cây còn lại năng suất chỉ bằng 1/10 năm 2000, khi tổ chức hội thi.

Các cơ quan quản lý, khoa học (kể cả Trung ương và địa phương) băn khoăn và cũng đưa ra nhiều lý giải khác nhau. Một số đề tài, dự án thực hiện dựa trên những lý giải khác nhau đó. Song hiện tượng mất mùa vẫn tiếp diễn đến mùa bưởi năm 2007.

Một doanh nghiệp Đài Loan vội vàng vào cuộc. Họ hy vọng trúng lớn vì trình độ hơn hẳn khoa học Việt Nam. Họ tuyển chọn, phục tráng lại giống, đầu tư thâm canh theo quy trình kỹ thuật, áp dụng các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh triệt để. Thế mà không hiểu sao, đến mùa vẫn không có quả mà hái. Trái mùa, cây lại ra hoa và trỗ quả vừa nhỏ vừa chua.

Thờ ơ đến khó hiểu

Điều đáng chú ý, khi xem xét các hiện tượng cực đoan xuất hiện ngày càng dày đặc thời gian gần đây ở nước ta, hầu như không thấy cơ quan quản lý nào đề cập đến tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Hầu như khắp nơi, từ địa phương đến trung ương đều đối phó với tác động của biến đổi khí hậu theo cách gặp đâu đối phó đấy.

Về chuyện tiêu chảy cấp, tại một cuộc họp ngày 12/11/2007, Thứ trưởng Y tế Trịnh Quân Huấn thừa nhận, “đây là vụ dịch phức tạp và bất thường. Trong khi ngành y tế tập trung phòng bệnh tại khu xảy ra lũ lụt thì dịch lại bùng phát ở nơi không có lũ lụt là Hà Nội”.

Căn bệnh thông thường trở nên bất thường đến mức cả ngành y tế lúng túng như gà mắc tóc trong việc truy tìm nguyên nhân. Suốt gần như cả vụ dịch, các nhà dịch tễ đổ lỗi cho mắm tôm và dùng thiết bị hiện đại nhất để tìm thủ phạm mà không tìm ra.

Trong khi đó, cả nước lại đối mặt với dịch sốt xuất huyết (SXH) được cảnh báo có thể lớn nhất trong lịch sử như lời của BS Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội nói với Tiền phong cách đây một tháng.

Về thiên tai, đợt triều cường lịch sử ở TPHCM và nhiều tỉnh Nam Bộ hồi cuối tháng 10/2007, được nhiều người ghi nhận là lớn nhất trong vòng 48 năm qua. Nhưng hầu như không ai, nhất là các nhà quản lý, đi truy tìm nguyên nhân sâu xa của vấn đề, ngoài nguyên nhân đê bao chưa được gia cố, tiền chưa đầu tư đầy đủ.

Tại cuộc gặp chiều 21/11 ở TP Hà Tĩnh, ông Võ Tá Đinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Tĩnh cho biết: sắp tới tỉnh được cấp 40 tỷ đồng/ năm nâng cấp 27 tuyến đê biển để đê có thể chịu được bão cấp 10 thay vì cấp 9 như lâu nay. Nhưng khi hỏi vì sao lại phải nâng cấp sức chịu đựng của đê, người đứng đầu cơ quan quản lý môi trường tỉnh lại lập luận đơn giản rằng vì có tiền nên mới gia cố.

Biến đổi khí hậu ở VN: Hiểm họa ngày càng rõ ảnh 1
Làng mạc Quảng Nam ngập chìm trong trận lũ lịch sử hồi giữa tháng này.
Ảnh: Trần Tuấn

Dường như không có chuyện tính đến tác động của biến đổi khí hậu và phải tính đến chuyện thích nghi với ấm nóng toàn cầu. Dường như không thấy ai cắt nghĩa nguyên nhân sâu xa của trận lũ lịch sử tháng 8/2007 ở huyện Hương Khê và trận bão số 5 cấp 12 lịch sử đổ bộ vào Hà Tĩnh cuối tháng 8/2007 trong các cuộc gặp gần đây với các lãnh đạo ban ngành Hà Tĩnh.

Một nhà khoa học chua xót, dường như cũng dễ hiểu khi thấy một địa phương cụ thể như Hà Tĩnh đang chạy theo phong trào chuyển đổi hàng nghìn ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ sang rừng sản xuất.

Phong trào máy móc đó, làm suy yếu thêm lá chắn tự nhiên cho tỉnh nghèo miền Trung trong việc thiết lập hệ thống ứng phó với biến đổi khí hậu như cảnh báo của nhiều người Hà Tĩnh tâm huyết.

Ông Nguyễn Hoàng Trạch (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh) và nhiều lãnh đạo đương chức cũng như đã nghỉ hưu các cấp chính quyền tỉnh này cũng luôn trăn trở về điều này.

Không thể bàng quan hơn nữa

Cấp trung ương dường như cũng không khá hơn gì. Cách đây mấy kỳ họp của Quốc hội khoá XI, GS Nguyễn Ngọc Trân là người đầu tiên lên tiếng tại diễn đàn quốc hội. Sau đó, theo nhà sử học Dương Trung Quốc: “trong tất cả các kỳ họp tiếp theo, kỳ nào tôi cũng tranh thủ cơ hội phát biểu vấn đề này mà nghe chừng không mấy chuyển biến”.

Nhân việc Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thị sát Nam Cực và coi biến đổi khí hậu là vấn đề khẩn cấp, đại biểu Dương Trung Quốc đã phát biểu thẳng thắng ở hội trường rằng: “Phải chăng sự thờ ơ ấy là biểu hiện một thứ tư duy nhiệm kỳ, một tập quán cố hữu nước đến chân mới nhảy”.

Tiếp đó khi thông qua nghị quyết của Quốc hội, một lần nữa ông lại nêu vấn đề và đựơc Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên ghi nhận là sẽ bổ sung vào nghị quyết.

Chưa hết, ông gần như là người duy nhất gửi câu hỏi chất vấn đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nội dung về biến đổi khí hậu.

Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong lá thư gửi đến hội thảo lần đầu tiên dành cho báo chí về biến đổi khí hậu do Đại sứ quán Anh phối hợp với Mạng lưới Báo chí Trái đất (EJN/Internews) và Diễn đàn Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) tổ chức ở Nghệ An - Hà Tĩnh từ 20 -22/11/2007, cũng cảnh báo về sự chậm chễ trong nhận thức và hành động đối với vấn đề đang được cả nhân loại quan tâm.

“Tôi thực sự rất lo lắng khi thấy vấn đề này chưa được các nhà khoa học, các cơ quan hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo, và dư luận xã hội ta quan tâm thích đáng.

Cần nhấn mạnh rằng các công trình nghiên cứu quốc tế và trong nước đều chỉ rõ nước ta là một trong những nước đứng ở tuyến đầu của hiểm họa biến đổi khí hậu toàn cầu”.

MỚI - NÓNG