Biên tập viên: Thị phi quanh tấm thẻ hành nghề

TP - Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành năm 2016, dự định diễn ra vào ngày 22/3 tại TPHCM. Nhìn lại những công việc đã làm trong năm 2015, chắc chắn việc thi và cấp thẻ hành nghề cho biên tập viên các nhà xuất bản sẽ trở thành một chủ đề nóng. Xung quanh việc này vẫn còn tồn dư khá nhiều vấn đề và những ý kiến khác nhau.

Lần đầu tiên trong lịch sử của ngành xuất bản, biên tập viên bắt buộc phải có chứng chỉ hành nghề. Luật xuất bản 2012 có một số qui định mới, song đáng quan tâm hơn cả là qui định biên tập viên phải có chứng chỉ hành nghề do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp.

Cơ quan quản lý, đương nhiên, nhấn mạnh sự cần thiết và tính đúng đắn của công việc này. Ngược lại, trong giới có nhiều ý kiến lo ngại. Thậm chí có ý kiến cho rằng đây là một loại “vòng kim cô”.

Biên tập viên: Thị phi quanh tấm thẻ hành nghề ảnh 1

Tranh: Khều.

Chứng chỉ nghề biên tập là cái gì?!

Ngay khi khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập chưa diễn ra thì nhà văn Tạ Duy Anh, biên tập viên của NXB Hội Nhà Văn đã có những phản pháo thẳng thừng trên báo Tia sáng: “Sẽ chẳng có tác động tích cực nào, nếu những người làm luật mong muốn điều đó theo cách của họ. Nó chỉ khiến công việc biên tập thêm khó khăn, phiền nhiễu. Chứng chỉ nghề biên tập là cái gì? Chẳng nhẽ nghề biên tập cũng giống như nghề lái xe, thợ cơ khí. Thực lòng tôi cũng chưa biết cái chứng chỉ đó đáp ứng yêu cầu gì, phục vụ mục đích gì. Nếu yêu cầu có chứng chỉ hành nghề với hy vọng nâng cao chất lượng biên tập thì tôi không hiểu. Nếu coi đó là cái vòng kim cô đội lên đầu biên tập, để dễ quản lí, dễ dọa nạt thì cách đó quá nghiệp dư”.

Tạ Duy Anh cho rằng: Điểm yếu của biên tập viên lâu nay là sợ bóng, sợ gió “những cấm kị đôi khi không hề tồn tại”. Chứng chỉ hành nghề chỉ càng làm cho điểm yếu này phình to ra. Theo anh, chỉ có một cách duy nhất để chuẩn hóa biên tập viên đơn giản mà hiệu quả hơn cả là yêu cầu mọi người phải học hỏi nâng cao trình độ và làm theo luật pháp: “Chúng ta có đủ các loại luật để biên tập viên có thể dựa vào, không cần phải thêm một qui định dưới luật nào nữa”.

Trùng quan điểm với Tạ Duy Anh, là ý kiến của cựu Giám đốc NXB Văn học, ông Nguyễn Cừ: “Thẻ hành nghề không cần thiết, biến người làm công việc về lĩnh vực tinh thần thành máy móc thủ công, họ hành nghề không phải như công nhân kỹ thuật, đó là nghề thuộc về sáng tạo nghệ thuật câu chữ. Tự dưng người ta cứ vẽ chuyện, không nên”.

Chúng tôi hỏi chuyện nhiều biên tập viên của các nhà xuất bản, họ là những người đã có thẻ hoặc chờ cấp thẻ và cũng có thể là thí sinh thi rớt, song họ đều ngại đề cập đến chứng chỉ hành nghề. Có lẽ, đúng như nhà văn Tạ Duy Anh đoán bệnh: Sợ bóng, sợ gió.

Tuy nhiên, cũng có những biên tập viên đồng ý trả lời phỏng vấn với điều kiện, được trả lời dài. Đó là nhà báo Nguyễn Trung Dân, Trưởng chi nhánh NXB Hội nhà văn khu vực phía Nam. Anh công nhận Cục Xuất bản đã làm theo đúng Luật xuất bản (sửa đổi) năm 2012 (có hiệu lực từ 1/7/2013). Song Nguyễn Trung Dân cũng phản ứng: “Nghề biên tập viên không phải là một nghề nghiệp có điều kiện (để phải có giấy thỏa thuận điều kiện) như các bộ luật khác đã xác định. Cần phải thấy rằng, thực tế các biên tập viên ở các nhà xuất bản hầu hết không được đào tạo từ một trường lớp chính qui về biên tập. Đa số họ là những nhà văn, nhà báo có tên tuổi, uy tín, lâu năm làm nghề văn, nghề báo, có nhiều kinh nghiệm để biên tập câu chữ, thẩm định tác phẩm đã được các nhà xuất bản tuyển về hành nghề biên tập từ rất nhiều năm. Một số khác đa phần là biên tập viên trẻ, có học chính qui trong các trường đại học chuyên khoa Ngữ văn, Văn chương… họ có bằng cử nhân, thạc sỹ, có người tiến sỹ. Nay chỉ có một khóa bổ túc 10 ngày do Cục Xuất bản tổ chức, mà xác định họ không đủ điều kiện làm biên tập viên để không cấp giấy chứng nhận hành nghề thì quá bất cập và xem thường người lao động hành nghề biên tập. Căn cứ Điều 60 khoản 1 và 2 của Luật Lao động thì khóa học do Cục Xuất bản tổ chức chỉ xem là lớp bổ túc, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động chứ không phải là điều kiện đủ để cho hành nghề hay không (cấp chứng nhận)”.

Riêng vấn đề truất quyền biên tập của biên tập viên khi một năm chỉ cần hai xuất bản phẩm hoặc hai năm liên tục có xuất bản phẩm do mình biên tập sai phạm về nội dung hay bị cấm lưu hành, tịch thu, tiêu hủy, phải từ 2 đến 3 năm sau mới xem xét cấp lại chứng chỉ hành nghề, thì ông Nguyễn Trung Dân ví von: “Nó quả thực là nỗi ám ảnh, sợ hãi như lưỡi gươm Damocles treo trên đầu các biên tập viên. Có lẽ các nhà quản lí muốn được ăn ngon ngủ yên bằng các qui định trên để không có các biên tập viên dám làm trái ý, không có các tác phẩm gai góc dám đặt các vấn đề mà “Ta không muốn nghe, không muốn biết”. Cứ hình dung một xã hội luôn luôn đe nẹt người làm văn, làm báo bằng những biện pháp cắt “nồi cơm” như vậy thì nó sẽ thuận chiều biết bao, sẽ tròn lu. Điều đáng nói là luật chỉ nói đến chế tài chứ không nói đến việc ai, tổ chức nào, hội đồng nào có thể xác định những sai phạm của tác phẩm đã qua tay biên tập viên. Về mặt pháp luật thì ai sẽ là người đứng ra thẩm định đúng sai trong tác phẩm? Không thể chỉ bằng nhận định qua văn bản của cơ quan quản lí đã có thể xác định là sai phạm của biên tập viên. Còn nếu phải lập hội đồng thẩm định (cho dù là đáng tin cậy) thì liệu bao nhiêu hội đồng mới đủ cho các xuất bản phẩm hằng năm để kịp đánh giá đúng mà không bị oan uổng cho biên tập viên?”.

Là thứ “giấy phép con”?

Trong khi các biên tập viên hoặc lên tiếng mạnh mẽ về chứng chỉ hành nghề, hoặc im lặng, từ chối lên tiếng thì các “chủ” của các NXB cũng không ngại ngần nói ra suy nghĩ của mình, khá đa sắc. Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ Nữ  cho rằng việc cấp thẻ hành nghề biên tập viên là chủ trương đúng đắn, để tiến tới ngành xuất bản ngày càng chuyên nghiệp, nguồn nhân lực của ngành ngày càng chuyên môn hóa… Tuy nhiên, theo bà, trong quá trình đào tạo nên “phân cấp” để  đào tạo, bồi dưỡng sẽ hiệu quả hơn. Trước câu hỏi: Có ý kiến cho rằng, đây là cuộc thi đơn thuần “thủ tục hành chính”, không có ý nghĩa nhiều trong việc thẩm định năng lực hành nghề. Bà Khúc Thị Hoa Phượng bày tỏ quan điểm: “Nghề biên tập ở Việt Nam đã có hẳn môn học và có đào tạo trình độ đại học. Tuy nhiên đây là một nghề rất đặc thù. Thường biên tập viên phải mất từ ba đến năm năm học nghề, thậm chí nhiều hơn nữa mới có thể trở thành biên tập viên vững tay nghề (chuyên môn, nghiệp vụ). Còn để trở thành biên tập viên giỏi, còn cần phải có “tố chất”, có niềm đam mê, có khả năng tự học, tự đào tạo và tự đúc rút kinh nghiệm thực tiễn…. Giống như nghề báo, dù có thẻ nhà báo, nhưng để trở thành nhà báo thực sự, không hề đơn giản”.

Còn nhà thơ Trần Quang Quí, Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn lại thấy: “Chứng chỉ hành nghề chả cần thiết gì cả. Không nhất thiết phải thế. Tự nhiên “đẻ” ra một cái gần như giấy phép con. Mọi người có năng lực được cơ quan xuất bản mời về làm hoặc cộng tác thì họ tất nhiên phải đáp ứng năng lực nào đó. Bây giờ là thời buổi tất cả đều trông chờ vào khả năng tự kinh doanh, người ta phải tự chọn người có năng lực tốt chứ. Như thẻ nhà báo chẳng hạn, anh chỉ cần đủ thời hạn công tác bao nhiêu năm là được cấp thẻ. Cần gì “đẻ” ra thứ học hành? Như tôi đã từng làm tổng biên tập nhiều năm, đã từng đi dạy, còn về chính trị thì tôi đã tốt nghiệp Nguyễn Ái Quốc cao cấp. 

Những nhạy cảm về chính trị, luật pháp, về quản lí hành chính nhà nước đều có bằng cấp hết rồi. Về nghề biên tập, tôi đã thâm niên nhiều năm, đã đi dạy người ta về biên tập, nên bắt những người như tôi đi học để làm gì, gây tốn kém?”. Ông cho biết các biên tập viên ở NXB Hội Nhà văn đều đi học, bởi “Ép như thế, không đi học, không có bằng, thì không được đứng tên trên xuất bản phẩm. Đó là điều gây bức xúc cho nhiều người. Tại sao trong thời buổi này lại hành người ta thế?”. Theo Phó giám đốc NXB Hội Nhà văn, ở NXB có “2 ông” thi trượt, phần lớn đã thi qua đang đợi được cấp chứng chỉ: “Rầy rà lắm, biên tập nhưng lại không được đứng tên biên tập, sách ra không nộp được lưu chiểu, không cho
phát hành”. 

Hiện nay, cả nước có 60 nhà xuất bản đang hoạt động với đội ngũ biên tập viên lên tới 1.193 người (số liệu năm 2014 do Cục Xuất bản, In và Phát hành cung cấp). Tính đến ngày 18/3/2016, đã có 979 chứng chỉ hành nghề được cấp thông qua khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật xuất bản, nghiệp vụ biên tập thu hút 1.144 biên tập viên tham gia. Cũng theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2015 vừa qua tổng số xuất bản phẩm đã thực hiện nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lí nhà nước là 29.120 cuốn, với 363.012 triệu bản.

Biên tập viên: Thị phi quanh tấm thẻ hành nghề ảnh 2Ông Phạm Việt Long, Chủ tịch Cty TNHH MTV NXB Dân Trí:

“Chứng chỉ hành nghề cần thiết đối với cơ quan quản lí nhưng để tạo thay đổi cho môi trường xuất bản thì khó vì nó còn mang tính hình thức, còn phải đào tạo nhiều, hướng dẫn, nỗ lực phấn đấu nữa mới thay đổi được”.

Biên tập viên: Thị phi quanh tấm thẻ hành nghề ảnh 3

Ông Vũ Hoàng Giang (Phó giám đốc Công ty Cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam):

Khối nhà xuất bản tư nhân cho đến nay chưa nhận được bất cứ một thông tư, hướng dẫn gì để áp dụng quy định biên tập viên phải có thẻ hành nghề.

Tôi nghĩ đây là một yêu cầu thực sự cần thiết đối với ngành xuất bản. Hiện nay chúng ta vẫn hoạt động tương đối mù mờ. Cũng nên có một chế tài để minh bạch trách nhiệm. Cũng là thể hiện sự tôn trọng với biên tập viên.

XEM THÊM

>>Khó làm bậy, chứ có khó gì đâu?

MỚI - NÓNG