Biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng, bán dưới 1 tỷ ?

Biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng, bán dưới 1 tỷ ?
TP - Trong khung giá dự định mà thành phố sẽ bán ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa theo Nghị định 61 là khoảng 1,3 triệu đồng/m2. Như vậy, ngôi biệt ước giá chưa đến tỷ bạc. Còn giá thị trường, chắc chắn không dưới 25 tỷ đồng...

Tiền phong đã đăng bài  phản ánh việc Văn phòng UBND TP Hà Nội có văn bản (không số) gửi Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường - Nhà đất Hà Nội đề nghị bán biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa theo Nghị định 61/CP cho ông Hoàng Văn Nghiên - Nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và căn nhà 52 Tuệ Tĩnh cho ông Phan Văn Vượng - Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Sau khi bài báo được đăng tải, toà soạn nhận được rất nhiều ý kiến của bạn đọc đề nghị thông tin thêm về vụ việc này...

Được thuê nhà vì điều kiện ở quá chật chội!

Biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc. Nhà được xây dựng hai tầng trên diện tích đất 410m2. Sau khi hoà bình lập lại một thời gian, ngôi nhà được giao cho một số cán bộ sử dụng. Đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, do nhu cầu sử dụng “việc công”, thành phố đã thu hồi.

Tất nhiên là số tiền hỗ trợ cho người dân không hề rẻ. Các hộ dân sống chung trong ngôi biệt thự đã phải di dời đến nơi ở mới. Có giai đoạn, ngôi biệt thự được cho người nước ngoài sử dụng...

Bẵng đi một thời gian, đầu năm 2002, các cư dân trên con phố nhỏ Nguyễn Chế Nghĩa thấy xuất hiện một công dân đặc biệt - ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội về sinh sống tại căn biệt thự.

Giải thích về việc này, Thành ủy Hà Nội, vào năm 2003, cho rằng: “Đồng chí Hoàng Văn Nghiên, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, từ năm 1984 khi còn là Chủ nhiệm khoa Vô tuyến điện tử trường ĐH Bách khoa được thuê một căn hộ lắp ghép số 404, tầng 4 nhà K11B -  khu tập thể Bách Khoa. Diện tích căn hộ 40m2 rất chật chội, khó khăn trong công tác, sinh hoạt...”.

Vì lý do đó, sau khi trình và được UBND TP Hà Nội đồng ý, Sở Địa chính - Nhà đất đã giải quyết cho ông Hoàng Văn Nghiên được thuê nhà 12 Nguyễn Chế Nghĩa để ở. Đây là nhà thuộc sở hữu Nhà nước, nhà chính 2 tầng diện tích sử dụng 136,8m2, nhà phụ diện tích 49,9m2. Sau khi chuyển đến nhà mới ông Hoàng Văn Nghiên đã bàn giao trả lại căn hộ cũ tại tập thể Bách Khoa.

Biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng, bán dưới 1 tỷ ? ảnh 1
Nhà 52 Tuệ Tĩnh hiện được ông Vượng dùng làm Văn phòng Cty TNHH Dịch vụ xuất nhập khẩu Hợp Phan

Tương tự, ông Phan Văn Vượng - Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng được thuê nhà 52 Tuệ Tĩnh 3 tầng, diện tích sử dụng 226m2 do Nhà nước quản lý với lý do:

Khi là Phó GĐ Sở Công nghiệp Hà Nội ông Vượng được thuê căn hộ lắp ghép số 112, tầng 1, nhà K2 khu tập thể Hào Nam, diện tích 40m2, chật hẹp, khó khăn trong công tác, sinh hoạt. Khi chuyển sang nhà mới, ông Vượng cũng đã trả lại nhà cũ.

Được xem xét cho mua - cũng vì khó khăn nhà ở?

Đó là câu hỏi mà dư luận đặt ra khi ông Nghiên và ông Vượng tiếp tục sử dụng hai ngôi nhà nói trên ngay cả khi hai ông đã nghỉ hưu.

Câu hỏi này hoàn toàn có cơ sở bởi mấy lẽ: Thứ nhất, khi đang đương chức để tạo điều kiện cho cán bộ có chỗ ở rộng rãi, tiện nghi đáp ứng đòi hỏi công tác, hai cán bộ được Thành ủy và UBND TP Hà Nội cho thuê nhà công vì dù sao, đây cũng là phục vụ việc công.

Nhưng nay, khi ông Nghiên và ông Vượng đều nghỉ hưu thì việc cho thuê hai căn nhà nói trên xem ra không còn đúng mục đích và đúng đối tượng. Vì rằng, nhà công chỉ dành để phục vụ việc công.

Trong khung giá dự định mà thành phố sẽ bán ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa theo Nghị định 61 là khoảng 1,3 triệu đồng/m2. Như vậy với ngôi biệt thự rộng 410m2 ước giá chưa đến tỷ bạc.

Còn giá thị trường thì sao?

Thật khó đoán định, song chắc chắn ngôi biệt thự này có giá không dưới 25 tỷ đồng (khoảng 1,5 triệu USD).

Ngôi nhà 52 Tuệ Tĩnh hẳn cũng có giá không dưới 5-7 tỷ đồng. Vậy nhưng, nó cũng dự định được bán với giá vài trăm triệu đồng. Đằng sau vụ việc này có lẽ còn nhiều câu hỏi cần được làm sáng tỏ.

Dự kiến giá bán biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa chỉ 1.290.000 đ/m2

Theo nguồn tin của Tiền phong, hồ sơ mua nhà của ông Hoàng Văn Nghiên tại 12 Nguyễn Chế Nghĩa được gửi tới Xí nghiệp quản lý nhà Ba Đình và Cty Quản lý phát triển nhà Hà Nội từ tháng 8/2006. Còn hồ sơ của ông Vượng đã nộp từ trước đó 1-2 năm.

Sau khi nhận được hồ sơ, Cty đã làm báo cáo với Sở TNMT&NĐ, Sở này lại tiếp tục có Công văn số 3285 xin ý kiến chỉ đạo của thành phố, vì cả nhà và đối tượng mua nhà đều là trường hợp đặc biệt.

Mặc dù biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa  có vị trí đẹp, mặt tiền rộng, một chủ sử dụng, nhưng theo Báo cáo của Hội đồng bán nhà 61 gửi UBND TP thì biệt thự chỉ được đánh giá là biệt thự hạng 2, với giá bán là 1.290.000đ/m2 (cao nhất là hạng 4, có giá 2.000.000đ/m2).

Hồ sơ mua nhà của ông Nghiên bao gồm: hợp đồng thuê nhà từ năm 2001 (thời điểm ông được thành phố cho sử dụng biệt thự này để ở); giấy tờ xin miễn giảm giá nhà đất theo số năm công tác… 

Ý kiến bạn đọc

Mai thuy Hien

Tôi là một người dân bình thường như bao người dân bình thường khác, khi đọc tin này tôi thực sự ngỡ ngàng. Tại sao căn nhà trị giá hàng triệu đô la như thế lại được bán cho gia đình ông Nghiên mà không phải là người khác? Trong khi nhiều gia đình 4 đời vẫn phải ở trong căn hộ 10m2 thì ông Hoàng Văn Nghiên lại ung dung ở trong ngôi biệt thự "cỡ bự" như thế. Thật là bất công !

Lê Gia Bách

Trước đây, ông Hoàng Văn Nghiên khi còn là Chủ tịch UBND đã “mượn” căn biệt thự số 12 Nguyễn Chế Nghĩa để sử dụng vì khó khăn về chỗ ở. Vậy có nghĩa là ông khó khăn về tài chính tới mức UBND TP.Hà nội phải thu xếp cho ông mượn căn biệt thự trên (theo đúng nghĩa đen).

Vậy sau nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND tp.Hà nội, liệu ông có đủ tiền lên đến hàng triệu đô la Mỹ để mua lại căn biệt thự trên (mặt tiền phố rộng từ 15-17m, diện tích hàng trăm mét vuông).

Trong khi lương cán bộ công nhân viên chức bình thường, không ăn không uống thì mất tới  300 năm  cũng chưa mua được căn biệt thự này.

Bích Hà

Nếu như TP Hà nội này có bao nhiêu các ông Chủ tịch và Phó chủ tịch cứ mượn nhà công ở tạm rồi sau đó tìm cách vận dụng các văn bản này, qui định nọ... để hợp pháp hoá giá nhà công thành nhà riêng thì biết bao nhiêu cho đủ, nếu vậy thì dần dần công sở sẽ biến thành tư gia của các sếp hết. Làm đầy tớ của dân mà như thế này thì ai chẳng muốn làm!!

Phan Lan Anh

Theo tôi thì cứ cái đà này thì chẳng mấy chốc những căn hộ biệt thự cao cấp của thành phố Hà Nội sẽ không còn là của nhà nước nữa bởi vì các ông chủ tịch đến phó chủ tịch thì nhiều lắm làm sao đủ căn hộ để bán cho các ông khi mà các ông cho mượn để ở tạm nhưng lại không chịu trả lại khi về hưu ?

Và lưu ý thêm là người dân Hà Nội chúng tôi cả gia đình 4 người cũng chỉ có mấy mét để ở, vậy ông cũng nên xin một một căn hộ ở vừa đủ để tiết kiệm ngân sách cho nhà nước. Ngôi biệt thự ông đang ở nhờ ông nên nhanh chóng trả lại ủy ban thành phố vì đó là tài sản của nhà nước ông ạ.

Nguyen Van Quang

Tôi không hiểu nhiều về Nghị định 61, nhưng đọc bài báo này trên Tiền phong thì thấy cực kỳ bất bình bởi những trường hợp xét tiêu chuẩn "mua nhà theo Nghị đinh 61" này.

Các ông Hoàng Văn Nghiên, Phan Văn Vượng đâu phải là những hộ gia đình có khó khăn về chỗ ở mà phải đi "mượn" nhà của Nhà nước làm tư dinh ? Hơn nữa đây lại là những biệt thự cả triệu đô-la, mà các vị đã mãn nhiệm kỳ rồi lại vẫn còn được hưởng "tiêu chuẩn" theo kiểu đặc ân như thế này !!!???

Nếu vụ việc này mà trót lọt thì các vị kiếm lãi tới cả triệu đô-la cũng nên ! Rất hoan nghênh các cơ quan báo chí đã dũng cảm nêu lên vụ việc này.

Phạm Đức Cường

Nếu bán biệt thự công, theo tôi nên phải được bán công khai thông qua hình thức đấu giá. Số tiền bán được có thể dùng để đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà để bán cho người dân nghèo.

Tôi không rõ về số liệu thống kê (và chắc chắn ông Nghiên biết rõ) rằng có bao nhiêu công chức trên địa bàn Hà nội không có nhà ở hoặc chen chúc nhau trong những căn hộ tồi tàn, chật hẹp. Ông Nghiên cũng là một cán bộ nhà nước như bao người khác cũng được quyền mua nhà (nếu Nhà nước có chính sách), nhưng không thể vì ông nguyên là chủ tịch thành phố thì được mua căn nhà hàng triệu đô la với giá rẻ mạt được.

Một người dân ở khu phố Nguyễn Chế Nghĩa

Là người dân ở khu phố Nguyễn Chế Nghĩa, chúng tôi rất bất bình về việc này. Hơn nữa không hiểu cán bộ UBND thành phố có được học lớp quản lý hành chính Nhà nước hay không mà lại phát đi một văn bản đóng dấu treo? Có lẽ đây là cách hợp thức để biến tài sản công thành tài sản tư một cách hợp pháp?

Trong khi Đảng và Nhà nước ta đang phát động phong trào toàn dân phòng chống tham nhũng, UBND thành phố Hà Nội là cơ quan công quyền phải hiểu hơn ai hết về vấn đề này.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.