Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Biểu tượng về tầm nhìn

Biểu tượng về tầm nhìn
TP - “Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, một chiến sỹ cách mạng kiên cường và người bạn rất thân thiết của các dân tộc trên thế giới”.

Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890-19-5-2010), sáng 12-5.

Biểu tượng về tầm nhìn ảnh 1

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng với đại biểu quốc tế. Ảnh: Nguyễn Hưng

Người soi đường đi đến tương lai

Ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đạo đức Hồ Chí Minh  là một tấm gương vô cùng trong sáng và cao thượng, tượng trưng cho tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Người không chỉ là nhà tư tưởng lỗi lạc về văn hóa, sáng tạo ra một nền văn hóa mới, văn hóa cách mạng Việt Nam, kiến tạo ra một nền văn hóa mới trong lịch sử phát triển của nền văn hóa dân tộc, mà chính bản thân Người, cuộc sống của Người, những việc làm bình thường hằng ngày của Người là hiện thân của nền văn hóa mới Việt Nam, là mẫu mực của con người Việt Nam.

Biểu tượng

Bà Katherrine Muller - Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phát biểu: Đại hội đồng coi Hồ Chí Minh là biểu tượng nổi bật về tinh thần quả cảm của dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chung của toàn nhân loại vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đóng góp của Người đối với văn hóa nhân loại có giá trị vô cùng to lớn, trên nhiều lĩnh vực.

Có được một vị Chủ tịch như Hồ Chí Minh, người được nhiều người không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới tôn vinh là anh hùng dân tộc, giống như có được một biểu tượng giúp chúng ta có được một tầm nhìn, chỉ cho đất nước một bến đỗ an toàn. Và hơn thế, một lãnh tụ như thế cũng chỉ cho ta cách kiểm soát phong ba bão táp thông qua lòng tự hào, lao động cần cù và quan hệ hòa hiếu.

Hội thảo “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” diễn ra trong hai ngày (12-13-5) tập trung vào 3 chủ đề lớn: Hồ Chí Minh với sự nghiệp độc lập dân tộc và CNXH; Hồ Chí Minh với sự nghiệp hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc và văn hóa, đạo đức, nhân cách trong di sản Hồ Chí Minh.

Hơn 400 đại biểu dự, trong đó có 55 đoàn khách quốc tế đến từ 22 quốc gia.

Trong bài tham luận, ông A.X.Varonhin (Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) viết: Chúng ta nên tìm đến học thuyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó khẳng định mục tiêu chính sách của một nước Việt Nam mới, dân chủ là làm sao đảm bảo quyền lợi của nhân dân được làm chủ đất nước mình.

Cách hữu hiệu nhất để đạt mục tiêu này là người dân phải trực tiếp thực hiện quyền lợi của mình trên cơ sở luật pháp, đồng thời Nhà nước phải thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền lợi xã hội của nhân dân qui định trong hiến pháp.

Đến từ Cộng hòa Pháp, ông Raymon Aubrac, từng gặp Bác khi Người tham dự Hội nghị Fontainebleau nói: Bác Hồ có một mục tiêu mà người thường xuyên  nhắc đến: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Nhưng để đạt mục tiêu đó, cần phải vượt qua những trở ngại, trước hết là những thế lực quân sự và các thế lực thù địch. Và Người đã biết cách thể hiện sách lược của mình, cũng như luôn tìm kiếm cơ hội để thiết lập hòa bình.

“Trong tác phẩm Những tài liệu quan trọng của lịch sử nước Pháp xuất bản năm 2007 của Trung tâm lưu trữ quốc gia Pháp có một bức chân dung duy nhất của một người nước ngoài, đó chính là Hồ Chí Minh. Phía dưới bức ảnh, có ghi dòng chữ: Đây là một điển hình hiếm có nhất về tình bạn trung thành giữa các đối thủ chính trị, được ghi nhận công lao từ phía bên kia và từ lãnh đạo của phía đối lập”- Ông Aubrac kể. 

MỚI - NÓNG