Bình bầu hộ nghèo: Giàu chen bật nghèo

Bình bầu hộ nghèo: Giàu chen bật nghèo
TP - Ở Hà Tĩnh, nhiều hộ nghèo bị đưa vào danh sách thoát nghèo chỉ vì phải nhường chỗ cho những hộ không đúng đối tượng dùng thẻ hộ nghèo để con cái họ được miễn giảm học phí ở các trường đại học...

>> Ai giám sát cái Tết 2.500 tỷ đồng cho người nghèo?

Bình bầu hộ nghèo: Giàu chen bật nghèo ảnh 1
Người dân xóm 3, xã Đức Thanh đang trình bày nỗi bức xúc. Ảnh: Võ Minh Châu

Hoàn cảnh như rứa

Nhận được tin báo lãnh đạo xã Đức Thanh (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh)  sẽ về họp dân xóm ba để xin lỗi bà con về sự sai sót của cấp ủy chính quyền, chúng tôi về xã này. Nhiều người nói: “Gia đình chúng tui nhà rách, vách nát, ốm đau bệnh tật... tiền tết và nhiều chế độ khác, lãnh đạo thôn, xã  không cho, mà lại đưa đến cho nhà giàu”.

Các ý kiến xoay quanh việc sắp xếp hộ nghèo ở xã này tùy tiện không đúng chủ trương, chính sách. Gia đình các ông Đoàn Xuân Trình, Đặng Quang Định, Đặng Quang Hoạch, Trần Văn Ngụ, Đặng Quang Tuệ... làm ăn khá giả được thẻ hộ nghèo, trong khi nhiều hộ nhà cửa cũ nát, thiếu ăn thường xuyên thì không được. Nhiều hộ nghèo không nhận được tiền tết Chính phủ trợ cấp 200.000 đồng/nhân khẩu đợt Tết Kỷ Sửu vừa rồi.

Hết năm 2008, một tờ báo có in ảnh một vị lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh với mục đề in đậm “Những thành tích cơ bản năm 2008: Số hộ thoát nghèo là 15.895 hộ, giảm 5,1 phần trăm so với cuối năm 2007, vượt bốn phần trăm so với kế hoạch”. Thực tế ở xã Đức Thành khiến nhiều người nghi ngờ con số 15.895 hộ thoát nghèo công bố trên.

Chúng tôi đến nhà bà Lê Thị Tâm, 58 tuổi, chồng là thương binh đã mất. Có hai con đều ở xa, bà Tâm trú trong hai gian nhà tạm bợ, một gian nhốt lợn. Mới đây, xóm lập danh sách lên xã, xã báo lên huyện và tỉnh gia đình bà thuộc diện thoát nghèo.

Bà Đặng Thị Dương, 60 tuổi, có hai con gái đã lấy chồng. Bà ở một mình trong căn nhà tạm bợ thuộc diện cùng đinh của xóm cũng được xếp vào danh sách thoát nghèo.

Vợ chồng ông Hiền-bà Tuyên, ngoài 70 tuổi trú trong ngôi nhà ẩm thấp vào hạng bét của làng. Bà nói: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, nay họ không cho nữa”.

Ông Trần Văn Tám và vợ là Trần Thị Doạn có gia sản là ngôi nhà không thể cư trú vì dột nát. Trước đây, ông bà ở chung với gia đình con trai. Cả hai vợ chồng người con trai bị tai nạn, chết để lại hai cháu nhỏ dưới 10 tuổi.

Hai năm qua, ông bà Tám và các cháu đến ở nhà con trai út là Trần Văn Giang. Bảy nhân khẩu trú trong hai gian nhà chật hẹp. Hoàn cảnh như rứa nhưng vẫn bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo để dành phần nghèo cho người khác”.

Vội chi mà đòi hỏi

Bình bầu hộ nghèo: Giàu chen bật nghèo ảnh 2
Bà Lê Thị Tâm - thuộc những hộ thoát nghèo trên ngôi nhà tạm bợ

Ông Phan Thanh Trí- trưởng thôn ở xã Đức Thanh giải thích: “Làng chúng tôi có nhiều người làm ăn khá, có một đến hai con đi học đại học hoặc trung học chuyên nghiệp. Họ cũng xin được làm thẻ hộ nghèo để các con được miễn học phí.

Gần 300 gia đình sống trong xóm nhưng cấp trên chỉ ấn định cho 62 suất hộ nghèo nên bà con phải đưa ra bỏ phiếu. Nhiều người nghèo thật sự và ông già bà lão không nơi nương tựa, ít đi họp hành nên phiếu bầu thấp, đành chấp nhận bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Tết vừa rồi, khi tiền Chính phủ hỗ trợ người nghèo được đưa về thôn, chúng tôi biết mỗi khẩu được nhận 200.000 đồng, và việc phát cho người giàu là sai. Nhưng vì người giàu có thẻ hộ nghèo nên họ đòi nhận tiền trợ cấp. Nếu chúng tôi không phát, nhiều người sẽ đến nhà dọa đánh”.

Ông Trí cho biết thêm, ngoài 62 hộ trúng tiêu chuẩn nghèo do bỏ phiếu bình bầu, địa phương còn thêm bốn hộ giàu khác lên xin lãnh đạo xã được trở thành hộ nghèo. 

Chị Nguyễn Thị T. H, 31 tuổi nói: “Cuối năm 2008, gia đình tôi cũng bị đưa ra khỏi danh sách. Đi họp xóm, các bậc cha chú gợi ý “Chúng mày con còn nhỏ chưa đi học thì tự giác rút khỏi danh sách để bọn choa con cái lớn rồi hưởng trước. Sau này con chúng mày lớn lên sẽ đến phần. Vội chi mà đòi hỏi”.

Đầu năm 2008, xã Đức Thanh có 1.139 hộ, trong số đó có 459 hộ được cấp thẻ hộ nghèo. Cuối 2008, các thôn lập danh sách có 83 hộ thoát nghèo. Nhưng sự thật trong số đó có cả những gia đình như bà Doạn, bà Tâm, bà Bình, ông Tứ... vẫn đói như xưa, và họ vẫn phải nhường sự nghèo cho những người khá hơn, có con học đại học.

Còn nhiều hộ thực tế không nghèo thoạt đầu xin ăn theo nay chuyển sang ăn chặn khẩu phần đáng ra người nghèo thật được hưởng.

Hà Nội còn 4% hộ nghèo

Trao đổi với Tiền Phong, ông Ngô Trường Thi - Cục phó Bảo trợ Xã hội - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tỷ lệ hộ nghèo cả nước hiện nay là 13,1 phần trăm. Tại TP Hồ Chí Minh, cơ bản không còn hộ nghèo; TP Hà Nội hiện còn hơn 4% hộ nghèo. Trên thực tế, việc xác định thế nào là hộ nghèo đang còn nhiều vướng mắc.

Chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006-2010 ở Việt Nam là những người nghèo có thu nhập bình quân từ 200.000-260.000 đồng/tháng. Mức nghèo khổ của châu Á khoảng 650.000 đồng/người/tháng. Nếu áp dụng mức nghèo khổ của thế giới (hoặc châu Á) vào Việt Nam, tỷ lệ hộ nghèo của nước ta chắc chắn cao hơn nhiều lần.

Theo chuẩn nghèo quốc gia được áp dụng cho giai đoạn 2006 – 2010 (Quyết định số 170/2005/QD-TTTg), Việt Nam có khoảng 2,8 triệu hộ nghèo (chiếm 14,7% tổng số hộ dân cả nước), tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. 

TPHCM: Nâng cấp chuẩn nghèo

TPHCM vừa công bố chuẩn hộ nghèo mới với thu nhập dưới 12 triệu đồng/người/năm để thực hiện ngay từ  năm 2009 vì hoàn thành mục tiêu vào năm 2015.

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM kiêm Phó Ban chỉ đạo Xóa đói Giảm nghèo & Việc làm TPHCM, với thu nhập bình quân đầu người tại TPHCM đạt 2.500 USD/người/năm, mức thu nhập dưới sáu triệu đồng/người/năm được cho là nghèo không còn phù hợp thực tế.

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó Chủ tịch UBMTTQ VN TP HCM cũng cho rằng, với thu nhập 500.000 đồng/người/tháng, rất khó để tồn tại tại TPHCM với mọi thứ đều đắt đỏ nhất nước này.

Từ năm 2009, TPHCM đặt mục tiêu nâng cấp chương trình xóa đói giảm nghèo thành giảm hộ nghèo tăng hộ khá. Tuy nhiên, ông Xê thừa nhận nâng chuẩn nghèo lên gấp đôi và thực hiện tốt mục tiêu trên là một khó khăn trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay.

Lường trước điều này, TPHCM đưa ra hai kịch bản. Nếu năm 2009, tình hình kinh tế xã hội ở thành phố diễn biến xấu, chỉ số giá cả tiếp tục tăng, mục tiêu đề ra là hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7-8 phần trăm.

Nếu kinh tế xã hội thành phố tăng trưởng bình thường, sẽ phấn đấu hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4-5 phần trăm và đưa 5.000 hộ nghèo trở thành hộ khá.  

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.