Bình Định: Dân đảo phải chèo thuyền mua nước

Bình Định: Dân đảo phải chèo thuyền mua nước
TP- Cách đất liền chưa đầy 500m, xóm Cồn Chim với hơn 1.200 nhân khẩu nhô lên như một ốc đảo giữa đầm Thị Nại, thuộc thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn (Tuy Phước, Bình Định) bao lâu nay, vẫn phải chèo thuyền đi... mua nước!

Đã bao đời nay, người dân xóm Cồn Chim sống dựa vào nuôi trồng và đánh bắt thủy sản truyền thống, đói no đều tuỳ thuộc vào thời tiết.

“Dịch bệnh tôm liên tiếp xảy ra nên đời sống của bà con tụi tui gặp khó khăn đủ bề, nhưng lo cái ăn đã khổ, lo cái uống lại khổ hơn” - Bà  Đỗ Thị Ngọ (80 tuổi), một người dân, than vãn.

Gần 40 năm “khai thiên lập địa” trên cồn đất hoang này, đến nay với người dân Cồn Chim, nguồn nước sạch vẫn là một trong những thứ quý giá nhất.

“Năm năm trước, khi nguồn nước bên Hội Lộc (xã Nhơn Hội) từ các khe nước ngọt tự nhiên trên núi còn nhiều chúng tôi đỡ lo hơn. Tuy vẫn phải  mua quanh năm, nhưng giá nước rẻ hơn và nguồn nước sạch hơn. Nhưng từ khi bên Nhơn Hội xây dựng khu kinh tế, thì các mạch nước ngầm tự nhiên bị mất dần, giá nước từ 1.000 đồng/30 lít, nay giá tăng lên gấp đôi, nên mỗi khẩu bình quân chỉ dám sử dụng khoảng 10 lít nước/ngày. Còn tắm giặt thì dùng nước đầm sau đó xối lại nước ngọt, bệnh về đường ruột, về mắt có nguy cơ xuất hiện” - Ông Nguyễn Ngọc Hải- Phó thôn Vinh Quang 2 cho biết.

Chủ tịch xã, ông Nguyễn Ngọc Tiến nói thêm: “Xóm Cồn Chim có hơn 200 hộ, với hơn 1.200 nhân khẩu. Những năm gần đây đời sống của bà con nghèo dần do thất bát trong nuôi trồng thuỷ hải sản. Đặc biệt là nguồn nước sạch cho người dân sinh hoạt, vốn chưa có nguồn nước sạch tại chỗ người dân Cồn Chim phải uống chung nước bên Nhơn Hội, giờ khu kinh tế có nguồn nước duy nhất đó cũng bị ô nhiễm. Dân than vãn hoài mà địa phương không có vốn đành bó tay”.

Hiện tại có 2 ghe máy trong xóm chuyên chở bán nước ngọt cho các hộ dân Cồn Chim. Họ thường đến Hội Lộc lấy nước ngọt theo con nước triều lên, mỗi ngày lấy từ 2 - 3 chuyến (khoảng 30 m3 nước) về bán với số tiền thu được từ 300 - 450 nghìn đồng.

Ông Nguyễn Minh Tâm, chuyên làm nghề mua bán nước ngọt, bộc bạch: “Từ năm 2000, tôi bỏ tiền sắm ghe chở nước ngọt để bán. Nước tại khe Bà Lời và ông Năm Si thôn Hội Lộc, nhưng khe ông Năm Si năm nay đã bị nhiễm phèn, nguồn nước không tốt như trước, còn khe Bà Lời họ đòi tăng phí nước gấp đôi. Tính ra, mỗi chuyến chở nước trừ hết các khoản chi phí cũng chỉ kiếm mỗi ngày vài chục nghìn đồng”.

Giấc mơ nước sạch

Ông Lê Văn Bốn (65 tuổi), dân xóm Cồn Chim cho biết: “Nhà có 5 nhân khẩu, xài nước tiết kiệm lắm mỗi tháng cũng phải chi tới 240.000 đồng tiền nước. Nguồn nước họ chở về bán cáu cặn nhiều hơn trước, hỏi ra họ bảo cũng mua chỗ cũ về bán lại, nếu không mua thì thôi. Gần đây các chủ ghe đánh tiếng là sẽ tăng giá nước ai cũng lo”.

Tại trường Tiểu học cơ sở Phước Sơn (cụm 2 đóng trên xóm Cồn Chim) có hơn 70 học sinh trong thôn phải sử dụng nước trong điều kiện vệ sinh không bảo đảm. Theo thầy giáo Trần Chí Bình, thì mỗi điểm trường đều có hồ nước; mỗi lần mua, bơm nước vào hồ chi phí hết 90.000 đồng, chủ yếu sử dụng nước để dội bồn cầu, còn không dám uống. Uống nước ở hồ bơm chưa qua đun sôi nên các em bị đau bụng, đa số các em học sinh tự mang nước theo để dùng”.

“Một năm trở lại đây quả thật là dài vô kể và nỗi buồn cũng không ít. Nhìn vào các dụng cụ dạy học, đường đi đến trường hằng ngày, các phòng ốc tuềnh toàng, đường điện lúc được lúc mất, nước nôi lại thế này, chỉ vì tình yêu đối với học sinh nơi đây và trách nhiệm nghề nghiệp mà mình không thể bỏ” - Cô giáo Trần Thị Cẩm chia sẻ.

MỚI - NÓNG