Bình Định: Náo loạn vì dịch vụ “hàng không mặt đất”

Bình Định: Náo loạn vì dịch vụ “hàng không mặt đất”
TP - Vụ việc căng thẳng đến mức UBND tỉnh Bình Định tham gia chỉ đạo (thậm chí Bộ GTVT cũng đã có CV chỉ thị làm sáng tỏ), nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Bình Định: Náo loạn vì dịch vụ “hàng không mặt đất” ảnh 1
Băng rôn quảng cáo của Thuận Thảo bị xé ở bến xe Quy Nhơn ngày 23/3/2006

Chiều ngày 23 đến sáng 24/3/2006, tại bến xe khách Quy Nhơn (Bình Định) đã xảy ra sự cố náo loạn chưa từng có từ trước đến nay: Hàng loạt hãng xe khách khác cùng ngăn chặn dịch vụ xe khách “hàng không mặt đất” Thuận Thảo vừa đưa vào chạy thử nghiệm, đồng thời tự “đình công”, ngừng cung cấp dịch vụ vận tải cho hành khách.

“Mất 5 triệu đồng/ngày và hơn thế nữa”

Loại hình dịch vụ có tên “hàng không mặt đất” mà doanh nghiệp thương mại & vận tải Thuận Thảo (gọi tắt là Thuận Thảo) thực ra đã được đưa vào vận hành tuyến đường Đà Nẵng - TP. HCM từ đầu năm 2004, nhưng đối với tuyến Quy Nhơn - TP.HCM thì chỉ mới đưa vào thử nghiệm  ngày 23/3 vừa rồi.

Sau sự cố náo loạn tối ngày 23/3, UBND tỉnh Bình Định đã có cuộc họp khẩn cùng Sở GTVT và nhiều ban ngành liên quan.

Kết luận của cuộc họp là: Tạm thời đình chỉ loại hình xe khách chất lượng cao (CLC) mang tên “hàng không mặt đất” tuyến Quy Nhơn – TP.HCM, chờ làm sáng tỏ vụ việc. Cho đến nay, 5 xe CLC của Thuận Thảo vẫn “ngủ ngon” ở một góc của bến xe Quy Nhơn, chờ… sự việc sáng tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Hồng – GĐ chi nhánh Thuận Thảo tại Quy Nhơn bức xúc: “Chúng tôi đã thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục tham gia khai thác loại hình vận tải tuyến Quy Nhơn – TP.HCM, đã đổ vào đó không biết bao nhiêu tiền của, vậy mà bây giờ xe lại xếp xó ở một góc. Thật không hiểu nổi làm sao”.

Ông Hồng tính toán: Chúng tôi mua 5 xe Hyundai loại 45 chỗ ngồi, mỗi xe 2,6 tỷ đồng, vốn vay ngân hàng, tiền lãi phải trả là 5 triệu đồng/ngày, bây giờ xe không được hoạt động, còn mất tiền oan chứ chưa nói đến chuyện thu hồi vốn”.

Được biết, sau khi mua loại xe Hyundai AERO SPACE, Thuận Thảo còn phải đầu tư nhiều thiết bị khác như video, tủ lạnh, thùng rác… Ông Hồng cho biết thêm: Trước khi đưa vào chạy thử nghiệm tuyến Quy Nhơn – TP.HCM, chúng tôi cũng đã quảng bá thương hiệu, treo băng rôn…, số tiền làm công tác chuẩn bị này lên đến trên 60 triệu đồng.

Nhưng thiệt hại về uy tín, thương hiệu còn nghiêm trọng hơn nhiều. Sau sự cố ngày 23/3, đã có rất nhiều khách hàng hiểu nhầm và không còn tin tưởng vào chúng tôi nữa…

Thuận Thảo “sai” ở đâu?

Xét về quá trình từ thủ tục xin phép cho đến ngày ra mắt loại hình dịch vụ “hàng không mặt đất” cho xe CLC 45 chỗ ngồi, có thể thấy rằng Thuận Thảo đã thực hiện đúng các thủ tục, quy định của Bộ GTVT. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ các DN khai thác vận tải còn lại ở bến xe Quy Nhơn dường như đã… không đếm xỉa đến điều này.

Lý do mà họ đưa ra là Thuận Thảo đã không tổ chức hiệp thương với họ trước khi đưa vào hoạt động (theo Quyết định 09/2005 của Bộ GTVT). Vậy thì Thuận Thảo thực chất đã tổ chức hiệp thương với các DN khác hay chưa? Câu trả lời mà chúng tôi tìm hiểu được ở các bên liên quan là chưa.

Ông Phan Chánh – GĐ Cty cổ phần xe khách Quy Nhơn cho biết: Về quy định thì phải hiệp thương, nhưng cũng có quy định của Bộ GTVT cho phép Sở GTVT được quyền bố trí DN vào khai thác dịch vụ vận tải mà không cần phải hiệp thương.

Tôi nghĩ chắc là Sở GTVT theo quy định này”. Ông Chánh cũng cho biết: “Đây hoàn toàn là ý của Sở GTVT chứ tôi không hề biết gì, Sở GTVT chỉ thị thế nào, chúng tôi làm theo thế ấy”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Quyết định 09/2006/QĐ - BGTVT, loại hình vận tải đưa vào sử dụng chỉ không phải hiệp thương khi không cùng phương thức, loại hình với các DN khác.

Vì thế, bắt buộc DN vận tải phải hiệp thương với các DN khác rồi mới đưa vào sử dụng, bởi đây cũng là loại hình xe CLC, còn mấy chữ “hàng không mặt đất” chỉ là câu nói tượng trưng, không thể căn cứ để đưa các xe CLC 45 chỗ Thuận Thảo thành loại hình vận chuyển khác.

Thế nhưng, điều kỳ lạ ở chỗ là Sở GTVT Bình Định vẫn cho phép DN vận tải đưa vào hoạt động xe CLC 45 chỗ mà không hề đếm xỉa đến thái độ của các DN khác sẽ phản ứng ra sao (?)

Cuộc họp khẩn tại UBND tỉnh Bình Định ngay sau khi sự cố, một vị lãnh đạo tỉnh đã nói vui: Doanh nghiệp làm ăn với nhau, làm cái gì cũng phải có cái tình, chứ sao lại đi ngang như vậy!

Ông Nguyễn Hữu Hồng nói: Chúng tôi thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Không biết còn thiếu “cái tình” gì nữa đây?

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.