Bình Thuận: 52.000 ha rừng... “biến mất”

Bình Thuận: 52.000 ha rừng... “biến mất”
Với hàng loạt sai phạm và bí ẩn đẳng sau những quyết định khó hiểu, 52.170 ha rừng tự nhiên ở Bình Thuận đã... không cánh mà bay.
Bình Thuận: 52.000 ha rừng... “biến mất” ảnh 1
Rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi nếu bị chặt sẽ ảnh hưởng đến hồ thủy điện Hàm Thuận

Năm 2001 và 2004, Cty Lâm nghiệp Bình Thuận được UBND tỉnh Bình Thuận giao thực hiện 2 dự án đầu tư trồng rừng, trồng cây công nghiệp, với tổng diện tích 2.962 ha.

Diện tích này nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng) tại xã La Dạ (Hàm Thuận Bắc).

Tuy nhiên, khi Cty Lâm nghiệp Bình Thuận khai thác tận thu lâm sản trên diện tích được giao đó thì người ta phát hiện hàng loạt sai phạm và những bí ẩn đằng sau những quyết định…

Rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi bị xâm phạm

Diện tích 2.962 ha mà UBND tỉnh Bình Thuận giao cho Cty Lâm nghiệp Bình Thuận được chia làm 2 dự án: Dự án 1 là 1.450 ha được phê duyệt ngày 16/1/2001 và dự án 2 là 1.512 ha được phê duyệt ngày 27/9/2004. Cả hai đều có vị trí tiếp giáp các rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi và Sông Quao.

Ngày 1/4/2005, Xí nghiệp Lâm công nông nghiệp Hàm Thuận Bắc trực thuộc Cty Lâm nghiệp Bình Thuận bắt đầu khai thác lâm sản trên diện tích 368,98 ha của dự án 1, chặt cây gỗ trong tiểu khu 171 rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi.

Ngay khi phát hiện Xí nghiệp khai thác gỗ, tác động trực tiếp vào rừng phòng hộ, Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi đã trực tiếp trao đổi với Giám đốc Xí nghiệp Lâm công nông nghiệp Hàm Thuận Bắc đề nghị tạm dừng việc khai thác, nhưng ông Nguyễn Văn vẫn cho người tiếp tục chặt hạ cây gỗ trong rừng cấm.

Đến ngày 4/4, Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc kiểm tra thì rừng phòng hộ đã bị xâm phạm với khối lượng  23,071 m3 gỗ tròn thuộc gỗ nhóm 3 đến nhóm 8, trên diện tích 0,18 ha (khối lượng 23 m3 gỗ nằm trong khung xử lý hình sự).

Ngoài ra, qua đối chiếu hồ sơ thiết kế và kiểm tra tại hiện trường, các cơ quan chức năng còn phát hiện một số cây đã chặt hạ không đúng chủng loại, không đúng sắc mộc và sản lượng thực tế lớn hơn sản lượng thiết kế. Có những cây gỗ dầu, lim xẹt, SP (cây gỗ chưa xác định chủng loại ) không có trong hồ sơ thiết kế cũng bị chặt hạ. Thậm chí, một số cây bị chặt hạ nằm trong hiện trạng IIIA 1 (loại cần được khoanh nuôi bảo vệ).

Sau khi việc phá rừng xảy ra, CA tỉnh Bình Thuận đã vào cuộc. Qua đó, đã phát hiện, Xí nghiệp Lâm công nông nghiệp Hàm Thuận Bắc là đơn vị vừa thiết kế vừa tổ chức thi công, đã xâm phạm vào rừng phòng hộ xung yếu, do Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận - Đa Mi quản lý.

Theo CA tỉnh Bình Thuận thì những sai phạm qua việc khai thác tận thu lâm sản tại La Dạ của Xí nghiệp Lâm công nông nghiệp Hàm Thuận Bắc ngay từ khâu thiết kế đến quá trình khai thác đã có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.

Theo Quyết định 682 ngày 1/8/1984 của Bộ Lâm nghiệp (nay là Bộ NN & PTNT) thì đất trống (hiện trạng IC) là những diện tích không có rừng hay chưa thành rừng, chỉ có cây bụi hay cây gỗ, tre mọc rải rác có độ che phủ dưới mức 0,3%; với số lượng cây tái sinh có chiều cao trên 1 m đạt từ 1.000 cây/ha trở lên…

Thế nhưng, theo hồ sơ cấp phép khai thác tận dụng gỗ trên đất trống mà tỉnh Bình Thuận giao cho Cty Lâm nghiệp Bình Thuận, thì sản lượng gỗ lớn lên đến 1.975,562 m3, trong đó cây gỗ có đường kính từ 25 - 44 cm là 851,580 m3

Với diện tích được phép khai thác 368,98 ha đất trống nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, nhưng cho một sản lượng gỗ lớn như thế, có cả gỗ đường kính từ 81 cm đến trên 100 cm (khoảng 317,978 m3) thì việc cho phép khai thác tận thu diện tích này là vi phạm nghiêm trọng quy định 682.

Tự ý đưa 52.170 ha rừng tự nhiên ra ngoài 3 loại rừng?

Theo Quyết định 03 ngày 5/1/2001 của Thủ tướng về phê duyệt kết quả tổng kiểm kê rừng toàn quốc thì Bình Thuận có tổng diện tích rừng là 367.469 ha. Cụ thể: rừng tự nhiên 342.489 ha và rừng trồng 24.980 ha.

Thế nhưng hơn 1 tháng sau, khi Quyết định 03 của Thủ tướng đã có hiệu lực pháp luật, thì ngày 12/2/2001 UBND tỉnh Bình Thuận lại có Quyết định 09 phê duyệt quy hoạch 3 loại rừng của tỉnh giai đoạn 2000 - 2010.

Theo đó diện tích rừng của Bình Thuận chỉ còn 303.102 ha, chia ra: rừng tự nhiên 290.319 ha (giảm 52.170 ha) và rừng trồng 12.783 ha (giảm 12.197 ha ). Tổng cộng Quyết định 09 của Chủ tịch tỉnh Bình Thuận đã làm biến mất 64.367 ha rừng so với Quyết định 03 của Thủ tướng.

Ngày 22/11/2001, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn gửi Bộ NN – PTNT xin ý kiến xử lý chênh lệch số liệu 64.367 ha rừng giữa 2 quyết định của Thủ tướng và Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị cho phép Bình Thuận chuyển đổi 52.170 ha rừng nghèo kiệt sang đất nông nghiệp và sử dụng vào mục đích khác.

Ngày 3/1/2002, Bộ NN – PTNT có Công văn số 11 trả lời: “Nếu việc chuyển đổi mục đích là cần thiết và có hiệu quả thì tỉnh phải có phương án quy hoạch sử dụng đất báo cáo Chính phủ, tiến hành các thủ tục theo đúng quy định của Luật Đất đai và Luật Phát triển bảo vệ rừng.

Trong khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thì diện tích rừng nói trên vẫn thuộc đất lâm nghiệp, phải được đưa vào 3 loại rừng để quản lý, bảo vệ ”.

Đến ngày 17/5/2004, Bộ NN - PTNT có Quyết định 1281 công bố diện tích rừng và đất đồi núi chưa sử dụng toàn quốc tính đến cuối năm 2003 thì tổng diện tích rừng tự nhiên của Bình Thuận là 364.185 ha, chỉ giảm vài héc ta so Quyết định 03/2001 của Thủ tướng là 367.469 ha, nhưng không bị mất diện tích rừng quá lớn như Quyết định 09 của UBND tỉnh Bình Thuận.

Như thế, diện tích 52.170 ha rừng tự nhiên của Bình Thuận vẫn chưa được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Không biết UBND tỉnh Bình Thuận dựa trên cơ sở nào để quyết định giao cho Cty Lâm nghiệp Bình Thuận 2.962 ha đất rừng để đầu tư trồng rừng và trồng cây công nghiệp?

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.