40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc (17/2/1979 - 17/2/2019)

Bỏ bục giảng tôi đi theo lệnh tổng động viên

Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn thời quân ngũ (ngoài cùng bên phải)
Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn thời quân ngũ (ngoài cùng bên phải)
TP - Mùa xuân năm 1981, lệnh tổng động viên do chủ tịch Tôn Đức Thắng kí đã tròn 2 năm. Lúc này hầu hết thanh niên Hà Nội đủ sức khỏe đã lên đường nhập ngũ. Lứa chúng tôi có lẽ là đợt tuyển quân chậm nhất. Những lính mới tuyển trong đợt 15/2/1981 phần lớn đều quá tuổi bắt đầu phải thực hiện nghĩa vụ quân sự từ khá lâu rồi.

Họ là những công nhân lành nghề, kĩ sư ở các viện thiết kế và nghiên cứu. Một phần không nhỏ là giảng viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Tôi cùng với 6 anh em ở Trường Đại học Xây dựng nằm trong số này. Đều 25 tuổi. Đều đã tốt nghiệp đại học và đang làm công tác giảng dạy ở trường.

Chẳng có gì báo trước. Hoặc là có dư luận nhưng vì tôi không sống trong tập thể nhà trường nên giấy gọi nhập ngũ đến với tôi thật bất ngờ. Không kịp thu xếp bất cứ việc gì cho gia đình mới và đứa con gái bé bỏng vừa ra đời, tôi xách túi lên điểm tập trung.

Không khí cả nước có chiến tranh với thế hệ chúng tôi chẳng phải lần đầu. Ít nhất đã qua bom đạn cuộc chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt tại Hà Nội. Lại cũng đã vài lần tiễn những người thân vào chiến trường Tây Nam, tôi vẫn thầm nghĩ số mình khá may mắn. Nhưng cũng mường tượng một ngày nào đó sẽ đến lượt. Sau một tháng đầu năm 1979 quân Trung Quốc ồ ạt tấn công dọc biên giới 6 tỉnh miền Bắc, chiến sự vẫn chưa hề ngưng nghỉ cho đến tận đầu năm 1981. Hàng ngày bản tin phát thanh cho biết nhiều điểm mốc biên giới vẫn xảy ra những cuộc giao tranh bắn phá ác liệt. Chúng tôi vẫn coi như đến lượt mình cầm súng sẽ là tất yếu. Chẳng mảy may tính toán, tất cả vui vẻ lên đường.

Đơn vị huấn luyện của tôi thuộc trung đoàn 24 sư đoàn 10 Binh đoàn Tây Nguyên. Gọi tắt là Quân đoàn 3. Tiểu đoàn huấn luyện của tôi nằm trong một hẻm núi thuộc vùng Chợ Chu-Định Hóa-Thái Nguyên. Những dãy lán tre nứa lợp lá cọ trải dài trong thung lũng do bộ đội tự tay xây dựng và củng cố sửa chữa hàng ngày. Lần đầu tiên trong đời, những anh lính Hà Nội được ngủ trên một chiếc sạp nứa trải dài suốt căn lán. Cọt kẹt cót két suốt đêm. Những ngày đầu tiên chưa huấn luyện quân sự, toàn thể tiểu đoàn được phân công vào rừng chặt nứa. Lính mới ở thành phố cùng với cán bộ khung kéo nhau lên rừng từ sáng sớm. Bát hạt bo bo luộc trệu trạo nhai vài miếng, còn một ít gói lại đút túi quần phòng khi đói. Thế nhưng đã chẳng một ai dùng đến nắm hạt ấy. Mưa rừng đường trơn như mỡ, vắt xanh nhảy tanh tách trên lá ướt. Những con vắt tìm đường rất tài. Chúng chui vào bên trong bít tất làm một bụng căng máu.

Chỉ tiêu mỗi anh lính phải chặt và vác về đơn vị 7 cây nứa mỗi buổi đi rừng. Lúc chúng tôi lên đơn vị thì những cánh rừng nứa gần doanh trại đã hoàn thành công cuộc khai thác. Phải trèo đèo lội suối đi xa hàng bảy tám cây số mới có chỗ chặt. Mùa mưa, thân nứa trữ nước nặng oằn vai. Mấy anh lính Hà Nội không quen việc vác nặng thở chẳng ra hơi. Có anh nghỉ lại dọc đường chiều tối mới về đến doanh trại. Mồ hôi cộng với nước mưa suốt ngày ẩm ướt sinh ra bệnh hắc lào trên diện rộng. Gần như toàn đơn vị. Cũng tại bởi bánh xà phòng 72 dùng để tắm chung cả đại đội một phần. Buổi sáng tập hợp trước lúc đi rừng y tá đại đội cho lính xếp hàng ngang hô những khẩu lệnh không có trong quân vụ. Đại khái “Dạng chân…tụt quần xuống gối…”. Sau khẩu lệnh, y tá nhúng cục bông to bằng nắm tay vào khay cồn iốt cứ thế lùa khắp khe đùi cả một hàng dài. Lính có anh xót nhảy cẫng.

Rất may, sau thời gian huấn luyện ngắn ngủi có lệnh từ Quân đoàn xuống. Những anh em đã tốt nghiệp đại học được phân về sư đoàn hoặc lên Quân đoàn làm việc chuyên môn. Người ở sư đoàn thì tham gia thiết kế xây dựng mấy cái lò gạch cho lính đóng gạch xây dựng đơn vị. Người lên Quân đoàn có việc lớn hơn. Tham gia thiết kế ngôi nhà truyền thống của Quân đoàn hoặc vẽ tranh cổ động ở Quân đoàn bộ.

Bỏ bục giảng tôi đi theo lệnh tổng động viên ảnh 1 Họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn thời quân ngũ (bên trái)

Thực ra thì đơn vị chúng tôi đóng quân ở tuyến 2. Không một lần phải giáp mặt với địch quân. Đất trời vùng Thái Nguyên tuyệt đối yên tĩnh. Thậm chí nên thơ. Chẳng thế mà đơn vị có rất nhiều người làm thơ. Cả sĩ quan và binh lính. Về sau có người trở thành nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ nổi tiếng như các ông Khuất Quang Thụy, Hồng Thanh Quang, Đinh Ngọc Toán…Tất nhiên Quân đoàn 3 thuộc biên chế Bộ quốc phòng nên việc điều chuyển sẽ cực kì linh hoạt và nhanh chóng. Ở tuyến 2 nhưng luôn sẵn sàng lên tuyến đầu.

Chính vì thế doanh trại cũng vẫn tuềnh toàng như dưới trung đoàn mà thôi. Trừ vài nhà xây dành cho hội trường và khu chỉ huy còn lại cũng đều nhà tranh tre. Bộ đội văn phòng có truyền thống tăng gia sản xuất từ hồi còn ở trong rừng Tây Nguyên giờ vẫn có thể phát huy được. Những mảnh ruộng trong Quân đoàn bộ có thể cấy lúa. Những ngọn đồi có thể trồng rau, trồng sắn, nuôi ngan, nuôi gà, lợn. Dân thành phố như tôi lần đầu tiên cầm cái liềm đi cắt lúa mới thấy gian nan. Khủng khiếp nhất là việc ủ phân. Nhưng chỉ một vụ đầu. Vụ sau đã thành thạo. Cuốc đất đào giun nuôi ngan, gánh nước tưới rau muống, trồng sắn và cày ruộng như thật.

Gần 40 năm sau nhớ lại mới giật mình. Cuộc chiến tranh dù không đến chỗ mình nhưng nó đã tiêu hao không biết bao nhiêu tài sản và sức lực của đất nước. Những cánh rừng trơ trụi, những khu nhà và bảo tàng giá trị lớn giờ bỏ hoang. Lứa thanh niên chúng tôi cũng mất ít nhất 2 năm trời làm nghĩa vụ mà không có bất cứ một thành tích đáng kể nào cho cả gia đình và bản thân. Nhưng tôi tin những đóng góp của mình cho đất nước là không vô ích. Tuyệt không ân hận. Mất mát ấy đã thấm tháp gì so với thế hệ cha ông.

     2-2019

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.