Bộ Công Thương: Thịt lợn tăng giá, doanh nghiệp không vi phạm thống lĩnh thị trường

Giá lợn leo thang, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn
Giá lợn leo thang, việc tái đàn gặp nhiều khó khăn
TPO - Sau khi thành lập đoàn đi kiểm tra, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định “doanh nghiệp không vi phạm thống lĩnh thị trường” liên quan đến giá cả mặt hàng thịt lợn.

Chiều 5/5, tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi xoay quanh việc giá thịt lợn trên thị trường đẩy lên cao, Thủ tướng nhiều lần yêu cầu nhập khẩu, vì sao Bộ NN&PTNT không nhập thịt lợn theo chỉ đạo? Có hay không những khuất tất, tạo độc quyền trong cung cấp thịt lợn ra thị trường?

Do không có đại diện Bộ NN&PTNT tham dự buổi họp báo, nội dung này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời. Theo ông Hải, hiện cơ chế quản lý giá nói chung, trong đó có mặt hàng thịt lợn, giá cả theo cơ chế thị trường, theo cơ chế cung cầu. Việc giá cả thịt lợn lên cao, về vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến CPI, còn vi mô thì ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, trong khi đó, mặt hàng này luôn được người dân sử dụng nhiều.

Theo ông Hải, giá thịt lợn tăng cao, chắc chắn là quy luật cung cầu. Điều này xuất phát từ lý do khách quan do dịch tả lợn Châu Phi, ảnh hưởng lớn đến đàn lợn toàn quốc. Kể cả khi đã dập được dịch tả lợn, toàn quốc chưa công bố hết dịch, nên người nông dân chưa yên tâm trong việc tái đàn, sợ lợn chết. Bên cạnh đó, nhiều gia đình cũng gặp khó khăn khi tiếp cận vốn, giá con giống rất đắt, lên tới hơn 3 triệu đồng mỗi con, nên càng khó khăn hơn trong việc tái đàn.

Giải pháp trước tiên được ông Hải nhấn mạnh đến việc tái đàn. Tuy nhiên, dù đã cố gắng nhưng không phải trong một thời gian ngắn có thể khắc phục ngay được việc này. Các địa phương dự báo, phải đến hết 2020 tình hình mới có thể quay trở lại bình thường.

Cùng với đó, giải pháp khác là phải nhập khẩu thịt lợn để bù vào phần thiếu hụt, tuy nhiên thời gian qua, số lượng nhập khẩu cũng rất thấp so với yêu cầu lãnh đạo chính phủ giao.

Trả lời câu hỏi liệu có sự khuất tất độc quyền không, ông Hải cho biết, đã có đoàn đi kiểm tra và khẳng định “doanh nghiệp không vi phạm thống lĩnh thị trường”.

Trả lời thêm về việc này, đại diện Bộ KH&ĐT cho rằng, có thách thức về thói quen tiêu dùng. Người Việt không quen dùng hàng nhập khẩu nên doanh nghiệp dè dặt, vì nhập nhiều sợ không bán được.

MỚI - NÓNG