Bộ Công Thương và EVN: Kêu gánh nặng bù lỗ, cảnh báo thiếu điện

Theo Bộ Công Thương, hiện vẫn còn gần 10.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa được tính đầy đủ vào giá điện Ảnh: PV
Theo Bộ Công Thương, hiện vẫn còn gần 10.000 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá chưa được tính đầy đủ vào giá điện Ảnh: PV
TP - Theo Bộ Công Thương, năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có lãi 2.792,08 tỷ đồng là nhờ có tới 10.000 tỷ đồng chưa được tính đầy đủ vào giá thành sản xuất của ngành điện. Nếu tính đủ, EVN sẽ bị lỗ nặng. Trong bối cảnh thiếu nước và nhu cầu dùng điện tăng cao của năm 2019, dự báo thiếu điện sẽ diễn ra từ năm 2020.

Nặng gánh bù lỗ

Tại buổi công bố chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN, do Bộ Công Thương tổ chức chiều 30/11, ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2017, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN là 291.278,4 tỷ đồng. Giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm qua là 1.667,77 đồng/kWh, tăng 0,15% so với năm 2016.

Trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 220.915 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm 1.264,89 đồng/kWh. Giá thành khâu truyền tải điện hơn 103 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối bán lẻ điện là 51.249,1 tỷ đồng, tương ứng giá thành 393,4 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý của ngành điện là 1.115,9 tỷ đồng.

EVN cho biết, trong năm qua, phải “bù lỗ” cho rất nhiều chi phí sản xuất kinh đoanh điện tại các huyện, xã đảo, khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Chi phí này được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Mức giá điện bán theo quy định của Chính phủ tại các huyện, xã đảo chỉ bằng 8,9% đến tối đa 34% giá thành sản xuất của ngành điện. Trong đó, đặc biệt có nơi giá bán điện của EVN chịu lỗ rất lớn, chỉ bằng 2,32% giá thành sản xuất như tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Cụ thể giá thành sản xuất điện tại huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) lên tới 5.283 đồng/kWh nhưng giá bán điện bình quân cho người dân tại đây chỉ ở mức 1.581 đồng/kWh. Tại huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), tình trạng cũng tương tự.

Tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa), giá thành sản xuất điện lên tới 72.552 đồng/kWh nhưng EVN chỉ được phép bán với giá 1.635 đồng/kWh. Còn tại huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), giá sản xuất điện lên tới 8.135 đồng/kWh nhưng cũng chỉ được bán với giá 1.851 đồng/kWh. Huyện đảo Cồn Cỏ của tỉnh Quảng Trị giá điện sản xuất của EVN là 13.475 đồng/kWh nhưng cũng chỉ bán với giá 1.706 đồng/kWh…

 Cân nhắc tăng giá điện theo Quyết định 24?

Theo Cục Điều tiết Điện lực, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2017 và các hoạt động liên quan đến điện năm 2017 EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác). Bên cạnh đó, các khoản chi phí chưa tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2017 của EVN còn có khoản chênh lệch tỷ giá chưa được hạch toán vào giá thành sản xuất, kinh doanh điện của Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia với 1.940,29 tỷ đồng. Khoản lỗ chênh lệch tỷ giá thực hiện hợp đồng mua bán điện của các đơn vị phát điện khác vào khoảng 3.071,1 tỷ đồng cũng chưa được tính vào giá thành điện năm 2017. Tổng số tiền chênh lệch tỷ giá chưa được tính đầy đủ vào giá điện trong năm 2017 là hơn 5.000 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ngoài số tiền trên, đến nay, chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện đến nay lên tới 10.000 tỷ đồng.

Những khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước đây và trong năm 2017 sẽ được tính vào chi phí sản xuất điện năm 2019 của EVN. “Theo quy định, khi chi phí giá thành sản xuất điện cao hơn 3% thì sẽ cân nhắc xem xét cho tăng giá điện theo Quyết định 24 của Chính phủ”, ông Tuấn nói.

Sẽ thiếu điện sau năm 2020

Về khả năng thiếu điện tại Việt Nam sau năm 2019, theo Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri, năm 2019 sẽ thiếu nước nghiêm trọng. Vừa rồi cơn bão vào miền Trung cũng chỉ vào thành phố, không vào các tỉnh miền núi nên lượng nước về hồ thủy điện không có. Ông Tri cho hay, năm 2017, EVN có lãi vì nhờ có hơn 10 tỷ kWh điện phát từ thủy điện và toàn bộ các chi phí chênh lệch tỷ giá tích lũy qua nhiều năm không được tính đầy đủ vào giá điện. Nhưng năm 2019 tình hình sẽ rất khác khi riêng thủy điện ước tính bị hụt phát, do thiếu nước lên tới hơn 3,8 tỷ kWh. Để đảm bảo cấp điện, EVN sẽ phải huy động nhiệt điện than và khí với chi phí sản xuất lên tới trên 5.000 đồng/kWh.

“Trong quy hoạch điện hiện nay, nhu cầu điện ở khu vực phía Bắc tăng rất nhanh khiến nhiều khu vực bị quá tải. Về cơ bản công suất điện chúng ta sẽ đảm bảo đủ nhưng sẽ phải huy động nhiệt điện than và khí thì giá thành điện tăng rất nhanh. Sau năm 2020, nếu không giải quyết các vấn đề, thiếu điện là chắc chắn, nhất là khi mấy năm gần đây không có bất cứ một công trình điện nào được khởi công”, ông Tri nói.

Cũng theo Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công Thương đang xây dựng phương án cấp điện cho 2019. Bộ cũng chỉ đạo EVN xây dựng 4 phương án tương ứng 2 cấp độ tăng trưởng sử dụng điện. Phương án thấp là tăng trưởng 9,94% và phương án tăng trưởng sử dụng điện cao nhất là 10,64%. Vận hành hệ thống điện năm 2018 có nhiều khó khăn. Nhiều hồ thủy điện lượng nước về thấp hơn so với trung bình nhiều năm và khả năng đến đầu 2019 sẽ không tích đủ nước so với mực nước dâng bình thường. Cùng đó, các mỏ khí của Việt Nam cũng đã có sự suy giảm và ảnh hưởng đến việc cấp khí cho sản xuất kinh doanh điện.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.