Bộ GD&ĐT sẽ cải tổ cơ chế quản lý

Bộ GD&ĐT sẽ cải tổ cơ chế quản lý
TPO - Chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân sáng nay, 27/11, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, khó khăn của việc giao quyền tự chủ cho các trường nằm trong cách quản lý nặng cơ chế xin-cho của Bộ.
Bộ GD&ĐT sẽ cải tổ cơ chế quản lý ảnh 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: XM.

>> Để các em học lại còn hơn ngồi “nhầm lớp”

Sáng nay, 27/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tiếp tục phần trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề giáo dục đại học, sách tham khảo, chính sách cho giáo viên sư phạm…

Nói về đào tạo đại học, cũng giống như nhiều ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa nhận định, đào tạo đại học ở nước ta chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập. Bằng chứng cụ thể nhất là nước ta chưa có trường đại học đạt trình độ khu vực và thế giới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa, cùng với xã hội hóa trong giáo dục, việc giao quyền tự chủ cho các trường là cú hích trong việc đào tạo nhân lực cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, “cái khó nhất của việc giao quyền tự chủ cho các trường đại học lại nằm chính trong việc quản lý của Bộ GD&ĐT. Các cơ quan quản lý của Bộ lâu nay đã quen với cơ chế xin cho, rất khó để chuyển sang quyền tự chủ cho các trường”.

Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thoa nêu câu hỏi: “Bộ trưởng cho biết lộ trình cải tạo ngay trong chính Bộ của mình để giao quyền tự chủ cho các trường đại học?”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân thẳng thắn thừa nhận giáo dục đại học nước nhà chưa đạt đẳng cấp quốc tế. Quy định mở trường đại học quốc tế ở Việt Nam, cũng như việc liên kết đào tạo với các nước trên thế giới hiệu quả chưa cao.

Bộ trưởng khẳng định sẽ cải tổ cơ chế quản lý khi Bộ giao quyền tự chủ cho các trường, bằng một số giải pháp cụ thể. Đó là cơ chế học phí mới, tự chủ bằng cấp (các trường tự in bằng cấp sau khi được Bộ duyệt về mẫu, biểu), tự chủ tuyển sinh, tài chính, phương thức tự bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư…

Đề cập đến 7 nhóm giải pháp mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đại biểu Đặng Thị Kim Chi tỏ ra “có phần lo lắng xen lẫn hoài nghi về tính khả thi”.

Đại biểu Đặng Thị Kim Chi chất vấn: “Khi đưa ra 7 nhóm giải pháp trên, Bộ trưởng đã bàn bạc thống nhất để nhận được sự đồng thuận của chính phủ, các bộ ngành liên quan hay chỉ là các giải pháp đơn phương của Bộ GD&ĐT?”.

Ngoài ra, đại biểu Đặng Thị Kim Chi cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết “kế hoạch dài hơi để thực hiện sự công bằng trong giáo dục”, khi mà hiện nay, sự phân hóa giàu nghèo trong giáo dục là quá lớn.

Trả lời về nhóm 7 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết đã được Chính phủ bàn và thành quyết tâm của Chính phủ. Đại biểu có thể yên tâm về lộ trình thực hiện.

Đối với phân hóa giàu nghèo, đây là vấn đề của toàn cầu, “không một quốc gia nào trong mấy chục năm có thể khắc phục nhanh chóng”.

“Hiện nay, ngân sách Nhà nước chi cho giáo dục rót theo trường, chứ không theo số lượng học sinh. Nếu học sinh học trường công thì đương nhiên được hưởng, học sinh vào trường tư thục không có đồng nào nhà nước tài trợ. Thực ra như vậy là chưa công bằng”, Bộ trưởng nói.

Giải pháp để khắc phục thực trạng này, theo Bộ trưởng, là đến năm 2010, Bộ GD&ĐT sẽ chuyển tài trợ giáo dục theo đầu học sinh, chứ không theo trường như hiện nay nữa.

Lãng phí sinh viên sư phạm

Chất vấn về tình trạng sinh viên các trường cao đẳng sư phạm không được bố trí việc làm theo cam kết trước khi vào trường- đại biểu Hoàng Thiện Cát nêu thực trạng, do không được phân công công tác, nhiều sinh viên phải bỏ nghề.

“Đây là sự lãng phí rất lớn về tiền của của Nhà nước trong khi chúng ta đang thiếu giáo viên. Xin Bộ trưởng cho biết biện pháp xử lý vấn đề này?”, đại biểu Hoàng Thiện Cát hỏi.

Theo người đứng đầu ngành giáo dục, vì hiện nay chúng ta đào tạo chưa sát với yêu cầu thực tiễn nên các em ra trường không có việc làm. Lỗi của các em một phần, còn chủ yếu là do cơ chế đào tạo không sát. Vì thế, trong thời gian tới, cần điều chỉnh lại chỉ tiêu đào tạo và đào tạo vùng để khắc phục thực trạng trên.

Cũng theo Bộ trưởng, những sinh viên không thực hiện đúng cam kết với nhà trường nhận công tác theo phân công, sẽ phải trả lại kinh phí đào tạo. Tuy nhiên, do quản lý kém và sinh viên chưa được phân công công tác nên việc thu hồi chưa thực hiện được. Bộ trưởng cho biết, đang xây dựng văn bản để giải quyết vấn đề này.

Liên quan tới vấn đề sinh viên ngành sư phạm, nhưng ở góc độ cử tuyển, đại biểu Đinh Thị Thảo cho rằng: “Chất lượng dạy và học chưa cao”.

“Bộ GDĐT đã có sự kiểm tra, đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên này chưa? Bộ đã có chính sách đào tạo, bồi dưỡng như thế nào để số giáo viên này đạt chuẩn?”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, hiện ông chưa có đủ thông tin để đánh giá chất lượng cử tuyển ngay lúc này: “Vừa qua Bộ đã đánh giá chi tiết việc giáo viên học cử tuyển, chúng tôi thực sự không có thông tin do về Bộ chưa lâu. Xin được ghi nhận và kiểm tra lại để báo cáo”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết, Bộ đang đề nghị chính phủ thành lập Vụ giáo dục dân tộc, để chuyên làm công tác giáo dục cho người dân tộc. Sau này, sẽ in sách hai thứ tiếng, trong đó có tiếng dân tộc và tiếng Việt cho các học sinh người dân tộc học tập.

Loạn sách tham khảo

Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, hiện nhiều trường đưa những tài liệu chưa qua hội đồng thẩm định, tạm gọi là sách nâng cao vào dạy trong trường, làm quá tải chương trình và gây khó khăn cho học sinh.

Giải trình về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, giáo viên được quyền chủ động. Ngoài sách giáo khoa, giáo viên có thể chuẩn bị tài liệu tham khảo nhưng đến mức nào thì hội đồng sư phạm nhà trường phải kiểm soát.

Bộ trưởng cho biết, đã nghe phụ huynh và dư luận xã hội phản ánh nhiều về "cặp sách của các em quá nặng". Tuy nhiên, “nếu sách giáo khoa thì chỉ có 1,2kg đến 1,7 kg, nhưng các em thường mang cả sách tham khảo và tập viết, ngoài ra có khi có cả bi để chơi nên cặp rất nặng”, Bộ trưởng nói.

Thừa nhận về tình trạng “loạn” sách tham khảo, Bộ trưởng nói: “Hiện có 35 nhà xuất bản không thuộc hệ giáo dục đang xuất bản sách tham khảo. Nội dung của những sách này, ngành giáo dục không duyệt”.

“Không thể để tiếp tục tình trạng như thế này. Không thể để cha mẹ học sinh tự đọc hết sách tham khảo để chọn cho mình quyển nào. Chúng tôi xin hứa sẽ rà soát lại, không thể để sách tham khảo nhiều và không được kiểm soát như hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cương quyết.

Giải pháp đưa ra là Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa Thông tin. Việc in sách tham khảo có thể do nhiều nhà xuất bản đảm nhận nhưng ngành giáo dục phải thẩm định nội dung.

Xuân Mai ghi

MỚI - NÓNG